Nhà máy nước mặt Sông Đuống sử dụng công nghệ Đức để xử lý nước sạch cung cấp cho TP.Hà Nội |
Giữa lùm xùm về giá nước, trả lời báo chí, bà Đỗ Thị Kim Liên (Shark Liên) khẳng định Nhà máy nước mặt Sông Đuống (Công ty Cổ phần nước AquaOne) được vận hành tự động hóa, công nghệ xử lý nước đạt tiêu chuẩn cao nhất tại Việt Nam (tương đương các tiêu chuẩn quốc tế). Toàn bộ thiết bị của nhà máy có xuất xứ từ châu Âu, cung cấp nước uống được tại vòi, nước đạt tiêu chuẩn chất lượng của châu Âu, sạch hơn cả nước suối đóng chai.
Liên quan đến công nghệ xử lý nước tại nhà máy Sông Đuống, ngày 25/3/2019, Tập đoàn Aone Deutschland AG (Đức) và Công ty Cổ phần nước AquaOne (Việt Nam) đã ký "Biên bản ghi nhớ hợp tác về việc tối ưu hoá và vận hành các nhà máy nước cho AquaOne với giá trị 100 triệu USD”. Sự kiện này diễn ra dưới sự chứng kiến của Bộ trưởng Bộ Kinh tế và Năng lượng Đức - ông Peter Altmaier và Chủ tịch UBND TP. Hà Nội - ông Nguyễn Đức Chung.
Theo giới thiệu, Tập đoàn Aone Deutschland AG là doanh nghiệp đến từ Đức, do ông Lê Toàn - chồng của bà Đỗ Thị Kim Liên (“Shark” Liên) là Chủ tịch tập đoàn. Bà Kim Liên kiêm nhiệm vị trí Chủ tịch HĐQT Công ty AquaOne và Công ty Cổ phần nước mặt Sông Đuống. Ngoài vị trí cấp cao tại Aone Deutschland AG, ông Lê Toàn trước đây có thời gian giữ chức Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đóng tàu & Dịch vụ Dầu khí Vũng Tàu.
Đáng chú ý, Tập đoàn Aone Deutschland AG cũng đồng thời là tổng thầu EPC (xây dựng - lắp đặt - chuyển giao) tại dự án Nhà máy nước mặt Sông Đuống. Như vậy, Aone Deutschland AG vừa là nhà cung cấp giải pháp công nghệ, vừa cung cấp thiết bị, lắp đặt và vận hành nhà máy của AquaOne.
Nói cách khác, “Shark” Liên đã ký hợp đồng thuê chính doanh nghiệp của chồng mình thực hiện xây dựng và vận hành Nhà máy nước mặt Sông Đuống.
Với quy mô đầu tư nhà máy này (giai đoạn 1) là 5.000 tỉ đồng, một mức vốn rất lớn ở thời điểm năm 2017, có thể thấy hơn một nửa tiền đầu tư nhà máy (100 triệu USD tương đương 2.300 tỉ đồng) lại chỉ luân chuyển trong "họ" doanh nghiệp gia đình “Shark” Liên.
Hình ảnh Tập đoàn Aone Deutschland AG (Đức) và Công ty Cổ phần nước AquaOne (Việt Nam) ký "Biên bản ghi nhớ hợp tác về việc tối ưu hoá và vận hành các nhà máy nước cho AquaOne với giá trị 100 triệu USD”. |
Chưa hết, tại Hội nghị Hợp tác Đầu tư và Phát triển Hà Nội năm 2018, trước sự chứng kiến của UBND TP.Hà Nội, Công ty Cổ phần nước AquaOne và Tập đoàn Aone Deutschland AG cũng ký kết liên doanh về nghiên cứu đề xuất xây dựng 1 nhà máy xử lý bùn thải công nghệ cao tại Hà Nội, với quy mô xử lý 2.000 - 2.500 tấn bùn/ngày. Tổng mức vốn đầu tư dự kiến khoảng 200 triệu USD, tương đương khoảng 4.600 tỉ đồng.
Như vậy, chỉ hai dự án liên quan tới việc sản xuất nước sạch và xử lý bùn thải này về tay vợ chồng Shark Liên đã có tổng mức đầu tư lên tới 300 triệu USD, tương đương khoảng 6.900 tỉ đồng.
Những thương vụ bắt tay hợp tác làm ăn của vợ chồng Shark Liên đã và đang diễn ra ở lĩnh vực nước sạch, xử lý chất thải, năng lượng mặt trời... trong mối quan hệ bền chặt và nhắm tới các lĩnh vực kinh doanh có lợi thế độc quyền của nhiều địa phương, được chính quyền hậu thuẫn về chính sách ưu đãi tốt nhất.
Vợ chồng shark Liên đã "song kiếm hợp bích" hợp tác các thương vụ nghìn tỉ về nước sạch, năng lượng |
Đặc biệt là các dự án đầu tư năng lượng, nước sạch này đều có quy mô vốn đầu tư "khủng" lên tới hàng nghìn tỉ đồng. Mới đây Công ty Cổ phần nước AquaOne và Aone Deusheuche AG cũng đã ký Bản ghi nhớ về hợp tác đầu tư xây dựng hệ thống điện năng lượng mặt trời trên mái các hệ thống bể xử lý nước tại Nhà máy Nước mặt Sông Đuống, với tiềm năng công suất lên tới 10,8MWp.
Câu hỏi đặt ra là, trong các thương vụ hợp tác đầu tư và kinh doanh của Công ty Cổ phần nước AquaOne, Công ty Cổ phần nước sạch Sông Đuống và nhóm doanh nghiệp của ông Lê Toàn đã được các cơ quan có thẩm quyền của TP.Hà Nội tiến hành thẩm định, đánh giá năng lực đầu tư, năng lực tài chính như thế nào? Bởi đối với các dự án năng lượng, nước sạch của TP Hà Nội có quy mô hàng nghìn tỉ đồng, đòi hỏi các doanh nghiệp tham gia thi công, xây dựng, cung ứng vật tư phải đảm bảo năng lực tài chính mạnh, phương án kinh doanh khả thi... để dự án đạt hiệu quả đề ra.
Thế nhưng, chỉ riêng dự án Nhà máy nước mặt Sông Đuống, công ty của shark Liên đã phải vay tới gần 4.000 tỉ đồng để đầu tư nhà máy và tính chi phí lãi vay vào giá thành nước bán cho TP Hà Nội, khiến cho mức giá bán nước bị đội lên quá cao so với các nhà máy khác (giá bán nước tạm tính là 10.246 đồng/m3, lộ trình tăng giá tối đa 7%/năm). Trong khi đó, thành phố đang bán nước cho dân là 5.000 đồng/m3 thì sẽ phải bù lỗ rất lớn cho mỗi m3 nước mua từ Nhà máy nước sông Đuống.
Công ty Cổ phần AquaOne có vốn điều lệ là 1.000 tỉ đồng với cơ cấu cổ đông : Công ty Cổ phần Đầu tư Một Trăm sở hữu 50% vốn, Công ty TNHH MTV One Invest nắm 40%. Ba cổ đông cá nhân gồm bà Đỗ Thị Minh Đức (em gái Shark Liên) nắm 6%, bà Đinh Thị Linh Chi nắm 3% và ông Nguyễn Văn Mỹ nắm 1%. Trong đó, Công ty Cổ phần Đầu tư Một Trăm lại do bà Đỗ Thị Minh Đức là người đại diện pháp luật và sở hữu 45% vốn, còn bà Đỗ Thị Kim Liên góp 50% vốn. Công ty TNHH MTV OneInvest cũng là doanh nghiệp do bà Đinh Thị Linh Chi làm đại diện pháp luật. Được biết, Công ty Cổ phần AquaOne đã vay được 590 tỉ đồng đồng từ Ngân hàng TNHH Indovina - chi nhánh Thiên Long và thế chấp bằng 20,9 triệu cổ phiếu của Công ty Cổ phần Nước mặt Sông Đuống (tương ứng 20,9% vốn điều lệ). Trong khi đó, 20 triệu cổ phiếu Công ty Cổ phần Nước mặt Sông Đuống được dùng làm tài sản đảm bảo tại Công ty Cổ phần Quản lý Quĩ Sài Gòn (Sài Gòn Capital). Nói cách khác, hơn 51% vốn của Công ty Cổ phần Nước mặt Sông Đuống đã được thế chấp cho ngân hàng. |
Đến nay, Nhà máy Nước mặt sông Đuống đã hoàn thành và đi vào vận hành cung cấp nước sạch cho người dân từ tháng 9/2019. Nhưng hiện, các cơ quan chức năng Bộ Xây dựng chưa hoàn thành nghiệm thu nhà máy nên chưa chốt được giá bán nước.
Nhà máy Nước mặt sông Đuống là nhà máy nước sạch sinh hoạt quy mô cấp vùng, tổng diện tích 65ha với mức đầu tư giai đoạn 1 gần 5.000 tỉ đồng, công suất 300.000 m3/ngày đêm. Dự kiến nhà máy sẽ phát triển và mở rộng liên tục đến năm 2023 đạt 600.000 m3/ ngày đêm, đến năm 2030 đạt 900.000 m3/ ngày đêm, và sau năm 2030 đạt 1,2 triệu m3/ngày đêm.
Trước câu hỏi vì sao Hà Nội phải trợ giá hàng trăm tỉ đồng cho các doanh nghiệp phân phối nước sạch khi mua của Nhà máy Nước mặt sông Đuống, ông Nguyễn Việt Hà, Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội, khẳng định thành phố chưa cấp bù một khoản kinh phí nào cho doanh nghiệp này và các đơn vị liên quan. Giá nước sạch sông Đuống được “tính đúng, tính đủ” theo các văn bản hướng dẫn của Chính phủ, Bộ Tài chính.