Tiềm năng lớn để phát triển kinh tế
Nằm cách trung tâm TP.HCM khoảng 50 km, Cần Giờ là huyện duy nhất của thành phố giáp biển, với 23 km bờ biển chạy dài theo hướng Tây Nam - Đông Bắc. Vịnh Cần Giờ là nơi các cửa sông lớn từ các sông Lòng Tàu, Cái Mép, Thị Vải, Soài Rạp… đổ ra biển và là lối vào của hệ thống cảng biển lớn nhất cả nước như Cái Mép - Thị Vải và Hiệp Phước. Huyện có tổng diện tích tự nhiên hơn 71.300 ha, với hơn 70% là rừng ngập mặn và sông rạch.
Tại buổi tổng kết ngành du lịch TP.HCM năm 2020 và triển khai phương hướng công tác, nhiệm vụ năm 2021, ông Phạm Đức Bảo, Trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện Cần Giờ nhận định: Cần Giờ có hơn 33.000 ha rừng ngập mặn, với hệ sinh thái đa dạng và cảnh quan thiên nhiên đặc sắc, được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới. Hơn nữa, Cần Giờ cũng là huyện duy nhất của TP.HCM tiếp giáp với biển, hơn 22.000 ha diện tích sông ngòi với hệ thống sông ngòi chằng chịt, đã đem lại cho Cần Giờ lợi thế phát triển các ngành nghề khai thác và nuôi trồng thủy sản, sản xuất nông nghiệp, sản xuất muối, gắn với các dịch vụ du lịch sinh thái sông, biển và nghỉ dưỡng.
Sự đầu tư mạnh mẽ của thành phố, của nhà nước nhất là từ năm 2018 đến nay như: cải tạo và nâng cấp các bãi biển, các khu du lịch lâm viên hay rừng Sác, xây dựng nhiều công trình giao thông trọng điểm bao gồm: cầu Cần Giờ, cầu Bình Khánh, cầu Vàm Sát 2 sẽ tăng cơ hội hút du khách cho ngành du lịch. Ngoài ra, mạng lưới giao thông đường thủy cũng được khai thác, kết nối một cách thuận tiện giữa huyện Cần Giờ với trung tâm TP.HCM và nhiều địa phương năng động khác, mở ra cơ hội thu hút đầu tư và phát triển.
Cũng theo ông Bảo, Cần Giờ có 7 di tích, di sản được xếp hạng và 1 làng nghề truyền thống (làng muối xã Lý Nhơn). Với các tiềm năng trên, huyện Cần Giờ đã phát triển được nhiều loại hình, sản phẩm du lịch, trong đó có loại hình du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng. Năm 2020, có 1.600.000 lượt khách đến tham quan Cần Giờ, giảm 37,7% so với năm 2019.
Phát triển kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường
GS.TSKH Hoàng Văn Huây, nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, Chính phủ và TP.HCM đã có 20 năm nghiên cứu hướng phát triển huyện Cần Giờ. Thành phố cần xây dựng Cần Giờ trở thành khu đô thị sinh thái cộng sinh với điều kiện tự nhiên để bảo tồn rừng ngập mặn và khu dự trữ sinh quyển.
Một mặt, Cần Giờ cần được chú trọng phát triển theo hình thức đô thị có hàm lượng carbon thấp để bảo vệ khu dự trữ sinh quyển khỏi tác động xấu về môi trường. Mặt khác, huyện phải phát huy những lợi thế biển để phát triển kinh tế. GS Huây phân tích, nhìn về phát triển chuỗi đô thị sẽ thấy Vũng Tàu gồm có khu đô thị dịch vụ sau cảng Cái Mép - Thị Vải; Cần Giờ là mặt tiền biển; Gò Công - một trọng điểm miền Tây về nông nghiệp và sinh thái sẽ tạo nên một chuỗi đô thị mặt tiền biển. Đây sẽ là động lực tiến biển, làm kinh tế biển, cảng biển, logistics kết hợp Cảng hàng không quốc tế Long Thành, làm tăng hiệu quả đầu tư và tạo bộ mặt mới cho thành phố và vùng lân cận.
Nhiều nhà khoa học cho rằng, trong thời gian qua, vùng biển Cần Giờ đang bị “lãng quên”, giá trị các dịch vụ hệ sinh thái độc đáo của khu dự trữ sinh thái rừng ngập mặn Cần Giờ chưa được khai thác, sử dụng hiệu quả để chuyển hóa và tạo giá trị gia tăng cho nền kinh tế của thành phố. Do đó, TP.HCM muốn phát huy được các tiềm năng của vùng đất này, nên chọn liên kết vùng để phát triển chuỗi đô thị biển mặt tiền tại vịnh Cần Giờ, bảo đảm sinh thái với giá trị kinh tế sinh thái khu dự trữ sinh quyển thế giới hướng tới trở thành chuỗi đô thị quốc tế có mức độ quốc tế hóa, sức chống chịu cao. Phương án này có tính khả thi cao khi Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư đô thị biển tại huyện Cần Giờ.
Theo GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường nhận định, mô hình phát triển trong tương lai gần của TP.HCM là tăng cường kết nối vùng để phát triển kinh tế biển, cảng biển, logistics gắn với chuỗi đô thị biển mang tầm vóc quốc tế tại vịnh Cần Giờ. Từ đây, cần tích tụ dân cư biển, đón nhận cơ hội của hậu hiện đại tạo bước ngoặt thay đổi phương thức phát triển của thành phố (chuyển từ phát triển dựa vào đất đai - land based, sang phát triển dựa vào biển - ocean based).
Tại Hội thảo "TP.HCM - Tầm nhìn kinh tế biển kết nối chuỗi đô thị quốc tế", PGS.TS Lưu Thế Anh cho rằng, TP.HCM cần hình thành chuỗi đô thị biển Vịnh Cần Giờ được tổ chức theo một hệ sinh thái cộng sinh bền vững. Đảm bảo tiêu chí sử dụng mọi nguồn lực với hiệu suất cao, tức là mọi hàng hóa có giá thành hạ. Như vậy, sức cạnh tranh của nền kinh tế sẽ cao hơn rất nhiều.
Trong thời gian tới, Đảng bộ huyện Cần Giờ đã xác định mục tiêu chung cho sự phát triển bền vững của huyện. Đó là: Tiếp tục phát huy truyền thống anh hùng cách mạng, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; Đẩy nhanh tăng trưởng kinh tế bền vững theo hướng dịch vụ, nông nghiệp, tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế biển; Xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng; Phát huy giá trị Khu dự trữ sinh quyển thế giới, bảo vệ môi trường và chủ động ứng phó biến đổi khí hậu; Phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; Đẩy mạnh phát triển sự nghiệp văn hóa, y tế, giáo dục và bảo đảm an sinh xã hội; Xây dựng chính quyền đi đôi với tích cực cải cách hành chính; Giữ vững ổn định chính trị - xã hội và quốc phòng - an ninh; Nâng cao chất lượng huyện nông thôn mới.
Bên cạnh đó, cần khai thác tốt tiềm năng, lợi thế, phát triển kinh tế nhanh, bền vững; tập trung nâng cao chất lượng tăng trưởng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế; Tăng trưởng kinh tế gắn với tiến bộ, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường, tiến tới phát triển bền vững, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; Tiếp tục tập trung chuyển dịch cơ cấu ngành theo hướng khai thác và phát huy thế mạnh về du lịch sinh thái rừng và biển, du lịch lịch sử.
Dự án lấn biển Cần Giờ: Phát triển nhưng không đánh đổi môi trường
Theo TS Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cũng chia sẻ, thế mạnh của TP.HCM trong tương lai là nền kinh tế hướng ra biển và kết nối với chuỗi đô thị quốc tế chứ không còn nền kinh tế phụ thuộc dựa vào đất. Để thực hiện mục tiêu này, vừa qua TP.HCM đã đặt việc phát triển kinh tế biển gắn với việc đẩy mạnh triển khai thực hiện Dự án Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ.
Theo đó, khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ cũng được Chính phủ phê duyệt phát triển với quy mô 2.870 ha (do Công ty cổ phần Đô thị du lịch Cần Giờ làm chủ đầu tư). Dự án này đã được khởi công vào năm 2007, với tổng kinh phí đầu tư dự kiến ban đầu khoảng 8.470 tỉ đồng.
Theo báo cáo Đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của dự án đã được Bộ TN&MT phê duyệt, dự án lấn biển Cần Giờ nằm hoàn toàn bên ngoài Khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ, cách vùng lõi khoảng 18 km về phía Bắc; nằm ngoài ranh giới diện tích đất lâm nghiệp 34.672,79 ha, trong đó diện tích rừng ngập mặn là 32.451,02 ha (rừng phòng hộ Cần Giờ); nằm kế cận vùng chuyển tiếp thuộc ranh giới Khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ. Dự án chỉ thi công lấn biển, hoàn toàn không xâm phạm đến hệ thống các sông, kênh, rạch hiện hữu. Ngoài ra, chủ đầu tư còn xây dựng 2 tuyến kênh Rạch Lở, Hà Thanh để dẫn dòng, đảm bảo nguyên trạng tiêu thoát nước khu vực và xây dựng các công trình quản lý, xử lý nước thải, chất thải rắn không để phát tán ra xung quanh. Dự án cũng được cập nhật, lồng ghép quy hoạch kết nối đường giao thông trên cao ngang qua khu vực rừng ngập mặn để giảm thiểu tác động do hoạt động giao thông đến động thực vật dọc tuyến đường này.
Tại phiên chất vấn sáng 9/11, theo Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà, Cần Giờ là "lá phổi" của TP.HCM. Ông khẳng định, Dự án Khu du lịch đô thị lấn biển Cần Giờ thực chất đã được phê duyệt từ năm 2003, với diện tích lấn biển khoảng 600 ha, đến nay nâng lên cho cả dự án đô thị là hơn 2.800 ha bao gồm diện tích chân bờ.
Trong quá trình phê duyệt dự án, Bộ TN&MT đã trao đổi với UNESCO (Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc). Theo đó, tại khung pháp lý của UNESCO phân ra 4 vùng: vùng lõi, vùng đệm và vùng lân cận, bán lân cận.
Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, dự án nằm tiếp giáp, kết nối với vùng bán lân cận, đã có văn bản chính thức của UNESCO khẳng định đây là vùng không nằm trong quản lý mà thực hiện theo đầu tư dựa trên cân bằng sinh thái do quốc gia quản lý quyết định. Nghĩa là dự án không vi phạm quy định của UNESCO và phù hợp với luật pháp Việt Nam.
Bên cạnh đó, những tác động của dự án đã được tính toán kỹ lưỡng. Chủ đầu tư đã sử dụng chuyên gia, tổ chức nghiên cứu trong và ngoài nước để nghiên cứu. Đặc biệt, các tập đoàn của Hà Lan, đứng thứ 3 thế giới về đánh giá tác động môi trường và xã hội, tham gia thực hiện dự án này.
Cũng theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, thẩm định đánh giá tác động môi trường của dự án này với tinh thần là không phê duyệt khi mà chưa nhận dạng đầy đủ các tác động. Báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án đã đánh giá được tác động trong khu vực của đô thị, bao gồm nước sạch, không khí, chất thải, tác động của đô thị lên môi trường tự nhiên.
GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, ủng hộ TP.HCM lấy biển Cần Giờ để khai thác kinh tế biển nhưng cần có định hướng cụ thể để không ảnh hưởng đến môi trường và phát triển bền vững. Trong đó, cần tiếp cận theo hướng liên kết vùng, hình thành một hệ sinh thái biển cộng sinh, nương nhờ vào nhau để hoạt động.