Đầu tháng 7, khả năng sẽ hình thành áp thấp nhiệt đới trên biển Đông

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, từ ngày 29/6 đến 5/7, nắng nóng gay gắt sẽ giảm dần, đến đầu tháng 7 sẽ chấm dứt. Trên biển Đông, khả năng hình thành một vùng áp thấp sau đó có thể mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới.
Thời tiết hôm nay 29/6: Bắc và Trung Bộ nắng nóng gay gắtBáo động tình hình thời tiết cực đoan tại các nước châu ÂuThời tiết hôm nay 28/6: Nắng nóng tiếp tục kéo dài ở Bắc và Trung Bộ

Cụ thể, khu vực miền Trung tiếp tục nắng nóng đến hết tháng 6, sang đầu tháng 7 nắng nóng giảm dần. Tây Nguyên và Nam Bộ từ ngày 29/6 đến 4/7 có mưa rải rác nhiều nơi.

Dự báo thời tiết các khu vực từ ngày 29/6 đến 4/7:

Khu vực Bắc Bộ: Ngày 29/6 tiếp tục có nắng nóng và nắng nóng gay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến 36-39 độ C. Từ ngày 30/6, nắng nóng gay gắt giảm dần, đầu tháng 7 sẽ chấm dứt. Từ chiều tối và đêm 29/6 đến 1/7, Bắc Bộ có mưa dông, vùng núi có nơi mưa to kèm dông mạnh. Từ ngày 2 đến 5/7, mưa diện rộng, ngày 3 đến 4/7 có khả năng mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to.

Các sông suối ở vùng núi phía Bắc có khả năng xuất hiện một đợt lũ với biên độ lũ lên từ 2m-4m; nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất vùng núi tại một số tỉnh như: Lai Châu, Sơn La, Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Bắc Cạn, Cao Bằng.

Khu vực Hà Nội: Ngày 29/6 tiếp tục nắng nóng và nắng nóng gay gắt, nhiệt độ 37-38 độ C, sau nhiệt giảm dần. Từ ngày 2 đến 5/7, Hà Nội có lúc có mưa, trời mát, riêng ngày 3 đến 4/7 có khả năng mưa vừa, mưa to.

Miền Trung: Đợt nắng nóng gay gắt kéo dài suốt từ ngày 3/6 tiếp tục gay gắt với mức nhiệt cao 37-40 độ C, có nơi trên 40 độ C đến hết tháng 6; đầu tháng 7, nắng nóng giảm dần và có khả năng kết thúc.

Khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ: Từ ngày 29/6 đến 5/7 có mưa rải rác đến nhiều nơi, miền Tây Nam Bộ đề phòng lốc xoáy, miền Đông và TP Hồ Chí Minh đề phòng mưa to gây ngập úng.

Trên biển, khả năng xuất hiện áp thấp nhiệt đới trên biển Đông. Cụ thể, từ ngày 2 đến 3/7, trên khu vực Bắc biển Đông có khả năng hình thành một vùng áp thấp sau đó có thể mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới. Vùng áp thấp, áp thấp nhiệt đới tiếp tục có khả năng mạnh thêm và diễn biến rất phức tạp cần theo dõi chặt chẽ và và cập nhật các thông tin về vùng áp thấp, áp thấp nhiệt đới.

Dương Tùng (T/H)
Theo Tạp chí Kinh tế Môi trường