Cụ thể, tại Tây Ban Nha, Cơ quan Khí tượng Aemet dự báo nhiệt độ tại 5 tỉnh miền Bắc của nước này sẽ lên tới 42 độ C, mức nhiệt cao nhất khoảng 44 độ C vào ngày 28/6, khiến 33 trong số 50 tỉnh thành của Tây Ban Nha phải đối mặt với thời tiết khắc nghiệt.
Tối 26/6, một vụ cháy rừng đã bùng phát tại khu vực Torre del Espanol (tỉnh Tarragona, vùng Catalonia, Đông Nam Tây Ban Nha), thiêu rụi 3.500 héc-ta rừng chỉ trong 6 giờ đồng hồ, tổng thiệt hại ước tính lên tới 20.000 héc-ta rừng. Gió to khiến ngọn lửa lan nhanh, hàng trăm lính cứu hoả, binh sĩ và 15 máy bay chuyên dụng đã được huy động để đối phó với hoả hoạn. Chính quyền địa phương phải tiến hành sơ tán dân cư trong khu vực và đình chỉ hoạt động một số tuyến đường. Theo các nhà chức trách, nền nhiệt cao là một trong những nguyên nhân khiến các vụ cháy rừng thêm nghiêm trọng.
Nhiều nước châu Âu đưa ra cảnh báo về tình hình thời tiết cực đoan. Ảnh: VOX. |
Tại Pháp, chính phủ đã đưa ra cảnh báo màu cam (mức cao thứ hai trong thang cảnh báo) cho 78 trên 101 khu vực đang đối mặt với thời tiết cực đoan. Trên các phương tiện thông tin đại chúng, cảnh báo về thời tiết nắng nóng được phát đi liên tục, nhắc nhớ về ký ức đau thương khi gần 15.000 người tử vong do nắng nóng vào mùa hè năm 2003.
Một số trường học dự kiến sẽ đóng cửa vào ngày 27 và 28/6. Một số thành phố, bao gồm cả Paris và Lyon, hạn chế hoạt động giao thông để đề phòng mức độ ô nhiễm không khí gia tăng trong những ngày nắng nóng này.
Cơ quan Thời tiết Meteo-France cho biết, đa số các khu vực được dự báo sẽ hứng chịu nền nhiệt 39 độ C, mức nhiệt cao “chưa từng thấy” kể từ năm 1947 khi các nhà khoa học bắt đầu tiến hành khảo sát chi tiết. Nhiều khu vực phía Đông Nam nước Pháp đang vật lộn với nền nhiệt 40 độ C và dự kiến lên tới mức 44 độ C trong ngày 28/6.
Tại Đức, cơ quan thời tiết nước này xác nhận nhiệt độ đo được tại bang Brandenburg là 38,6 độ C, phá vỡ kỷ lục tháng 6 nắng nóng nhất trong 70 năm. Một đám cháy rừng bùng phát hôm 24/6 tại khu vực cách thủ đô Berlin 90 km về phía Tây Nam đã thiêu rụi khoảng 100 héc-ta rừng. Lực lượng chức năng đã mất tới hai ngày mới có thể khống chế đám cháy.
Bên cạnh đó, các nhà chức trách của Hy Lạp, Bỉ, Áo, Ba Lan, Séc cũng đưa ra những cảnh báo tương tự khi kỷ lục về tháng 6 nắng nóng nhất trong lịch sử liên tục bị phá vỡ. Giới chức các nước Ba Lan và Litva đã được báo cáo về nhiều trường hợp đuối nước do người dân tìm đến sông và hồ để giải nhiệt.
Đợt nắng nóng dữ dội này một lần nữa cho thấy tác động tiêu cực của tình trạng nóng lên toàn cầu tới cuộc sống của con người. Theo các nhà khoa học, hình thái thời tiết tiêu cực này có khả năng sẽ xuất hiện dày đặc với diễn biến phức tạp hơn.