Đấu thầu qua mạng để ngăn chặn tình trạng 'quân xanh, quân đỏ'

Thông tư quy định về lộ trình thực hiện đấu thầu qua mạng và có nhiều đổi mới tạo thuận lợi cho nhà thầu và các bên liên quan tham gia Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia.
Midland rầm rộ mở bán 'chui' đất vàng giữa trung tâm TP Thanh HóaThanh Hóa: Doanh nghiệp gửi đơn tố cáo dấu hiệu 'thông thầu' đến Bí thư tỉnh ủyCao tốc Bắc - Nam được triển khai ra sao sau hủy đấu thầu quốc tế?

Thông tư số 11/2019/TT-BKHĐT quy định chi tiết việc cung cấp, đăng tải thông tin về đấu thầu, lộ trình áp dụng lựa chọn nhà thầu qua mạng và quản lý, sử dụng giá trị bảo đảm dự thầu, bảo đảm thực hiện hợp đồng không được hoàn trả vừa được Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành nhận được sự đồng thuận rất lớn của các nhà thầu bởi cách tổ chức lựa chọn nhà thầu được điều chỉnh theo hướng phù hợp và hiệu quả.

Với những quy định mới trong Thông tư, bên mời thầu “hết cửa” ngăn chặn, gây khó dễ khi nhà thầu tiếp cận hồ sơ mời thầu/hồ sơ yêu cầu. Thông tư này cũng quy định về lộ trình thực hiện đấu thầu qua mạng và có nhiều đổi mới tạo thuận lợi cho nhà thầu và các bên liên quan tham gia Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia.

dau thau qua mang de ngan chan tinh trang quan xanh quan do
Hoạt động tại Trung tâm Đấu thầu qua mạng quốc gia (Bộ Kế hoạch và Đầu tư). Ảnh: Danh Lam/TTXVN

Để hiểu rõ hơn, Phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Đăng Trương - Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư xung quanh một số nội dung của Thông tư này.

Xin ông cho biết một số quy định mới trong Thông tư số 11/2019/TT-BKHĐT của Bộ Kế hoạch và Đầu tư ?

Thực tế triển khai đấu thầu qua mạng giúp tăng tính cạnh tranh, tăng tỉ lệ tiết kiệm, hạn chế tình trạng thông thầu, quân xanh, quân đỏ, giảm thời gian chuẩn bị hồ sơ dự thầu, thời gian đánh giá hồ sơ dự thầu, giảm chi phí đi lại, in ấn của nhà thầu, bên mời thầu. Bên cạnh đó, việc triển khai đấu thầu qua mạng còn góp phần quản lý thống nhất thông tin về đấu thầu trên phạm vi cả nước, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan quản lý nâng cao khả năng giám sát, thống kê hiệu quả của công tác đấu thầu.

Việc ban hành Thông tư thay thế Thông tư liên tịch số 07 về quy định chi tiết việc cung cấp, đăng tải thông tin về đấu thầu, lựa chọn nhà thầu qua mạng (Thông tư 07) là cần thiết nhằm tạo khung khổ pháp lý thống nhất, hoàn chỉnh và đơn giản hóa các thủ tục trong đấu thầu (đặc biệt là thủ tục trong việc cung cấp và đăng tải thông tin) cũng như gắn với việc xây dựng Chính phủ điện tử theo đúng chủ trương của Chính phủ.

Thông tư 11/2019/TT-BKHĐT (Thông tư 11) có hiệu lực thi hành từ ngày 01/02/2020; gồm 6 Chương 31 Điều và các Phụ lục ban hành kèm theo đã đưa ra quy định nhằm bảo đảm nguyên tắc công khai, minh bạch trong đấu thầu, tạo cơ sở pháp lý trong việc đăng tải thông tin về đấu thầu; quản lý và sử dụng chi phí đăng tải thông tin trong đấu thầu; giá trị bảo đảm dự thầu, bảo đảm thực hiện hợp đồng không được hoàn trả; xây dựng thông tin về pháp lý, năng lực, kinh nghiệm của nhà thầu, nhà đầu tư. Thông tư cũng tạo sự đồng bộ trong quá trình tổ chức đấu thầu trên mạng, từ khâu lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu, phát hành E-HSMT (hồ sơ mời thầu), nộp E-HSDT (hồ sơ dự thầu), đánh giá E-HSDT; thống nhất cơ sở dữ liệu thông tin về đấu thầu trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia...

Theo quy định tại Thông tư 11, trong quá trình đăng tải thông báo mời thầu, thông báo mời chào hàng, bên mời thầu phải đính kèm các tài liệu như quyết định phê duyệt hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu, kèm theo hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu được duyệt. Như vậy, hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu sẽ được phát hành trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia ngay sau khi bên mời thầu đăng tải thành công thông báo mời thầu, thông báo mời chào hàng trên Hệ thống.

Bên cạnh đó, Thông tư 11 cũng sửa đổi, bổ sung quy định về quy trình đăng ký thông tin bên mời thầu, thông tin nhà thầu trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia theo hướng tạo thuận lợi hơn cho bên mời thầu, nhà thầu so với quy định trước đây tại Thông tư 07. Theo đó, Thông tư 11 bổ sung quy định về việc sử dụng giá trị bảo đảm dự thầu, bảo đảm thực hiện hợp đồng không được hoàn trả cho nhà thầu khi nhà thầu vi phạm. Đặc biệt Thông tư 11 đã quy định cụ thể về lộ trình đấu thầu qua mạng cho các năm 2020, 2021 và giai đoạn 2022 - 2025.

Thưa ông những điều nào trong Thông tư 11 sẽ giúp cho nhà thầu, nhà đầu tư thuận lợi hơn?

Thứ nhất là về việc tiếp cận hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu của nhà thầu. Trong thời gian qua, vẫn còn xảy ra tình trạng ngăn cản nhà thầu tiếp cận mua hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu, gây bức xúc cho các nhà thầu. Một số bên mời thầu sử dụng những “chiêu trò” gây hạn chế cạnh tranh ngay từ khâu phát hành hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu. Tuy nhiên, với quy định cụ thể tại Thông tư 11, bên mời thầu bắt buộc phải đăng tải file hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia để các nhà thầu quan tâm có thể tự tải (download) về nghiên cứu, chuẩn bị hồ sơ dự thầu.

Hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu được phát hành trên mạng sẽ khắc phục triệt để tình trạng bên mời thầu cố tình không phát hành hồ sơ mời thầu cho các nhà thầu như đã xảy ra trong đấu thầu truyền thống, tạo thuận lợi tối đa cho nhà thầu trong việc tiếp cận hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu.

Thứ hai là việc đăng ký thông tin nhà thầu trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia. Theo quy định tại Thông tư 07, trước thời điểm đóng thầu 2 ngày làm việc, nhà thầu, nhà đầu tư chưa có xác nhận đăng ký thông tin trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia không được tham dự thầu đối với các gói thầu, dự án có hình thức lựa chọn nhà thầu quy định tại các Điều 20, 21, 22, 23, 24, 25 và 26 của Luật Đấu thầu. Nhằm tạo thuận lợi hơn cho các nhà thầu khi tham gia Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia, tại Điều 21 Thông tư 11 quy định về trách nhiệm của nhà thầu, nhà đầu tư theo hướng “mở” hơn so với quy định tại Thông tư 07.

Xin ông cho biết những quy định cụ thể các gói thầu bắt buộc phải đấu thầu qua mạng?

Thông tư 11 đã quy định lộ trình đấu thầu qua mạng cho các năm 2020, 2021 và giai đoạn 2022 - 2025. Cụ thể, năm 2020 tổ chức lựa chọn nhà thầu qua mạng đối với 100% các gói thầu áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi, chào hàng cạnh tranh thuộc lĩnh vực mua sắm hàng hóa, dịch vụ phi tư vấn, dịch vụ tư vấn có giá gói thầu không quá 5 tỉ đồng và thuộc lĩnh vực xây lắp có giá gói thầu không quá 10 tỉ đồng, trừ trường hợp đối với các gói thầu chưa thể tổ chức lựa chọn nhà thầu qua mạng hoặc các gói thầu có tính đặc thù.

Việc tổ chức lựa chọn nhà thầu qua mạng trong năm phải bảo đảm số lượng các gói thầu đạt tối thiểu 60% số lượng gói thầu áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi, chào hàng cạnh tranh và tổng giá trị gói thầu đạt tối thiểu 25% tổng giá trị các gói thầu áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi, chào hàng cạnh tranh.

Tương ứng trong năm 2021 là các mức không quá 10 tỉ đồng và không quá 20 tỉ đồng; đạt tối thiểu 70% số lượng gói thầu và tối thiểu 35% tổng giá trị các gói thầu.

Giai đoạn từ năm 2022 đến năm 2025, tổ chức lựa chọn nhà thầu qua mạng tối thiểu 70% các gói thầu thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Đấu thầu; tổ chức lựa chọn nhà thầu qua mạng 100% số lượng gói thầu sử dụng vốn nhà nước để mua sắm nhằm duy trì hoạt động thường xuyên của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, đơn vị thuộc lực lượng vũ trang nhân dân, đơn vị sự nghiệp công lập; tổ chức lựa chọn nhà thầu qua mạng 100% số lượng gói thầu mua sắm tập trung.

Với quy định mới tại Thông tư 11, hoạt động đấu thầu có tăng tính cạnh tranh, minh bạch trong thời gian tới hay không, thưa ông?

Với quy định mới tại Thông tư 11, việc bắt buộc bên mời thầu công khai hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu của tất cả các gói thầu lên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia được các nhà thầu đánh giá là bước tiến vượt bậc trong công khai thông tin về đấu thầu, giúp tăng cường cạnh tranh, minh bạch, từ đó nâng cao hiệu quả của công tác đấu thầu.

Bên cạnh đó, việc công khai thông tin về đấu thầu; trong đó có file hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu trên mạng sẽ góp phần đơn giản hóa các thủ tục trong đấu thầu, công khai tối đa thông tin về đấu thầu, giảm thiểu sự tiếp xúc trực tiếp giữa chủ đầu tư, bên mời thầu với các nhà thầu. Hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu được phát hành trên mạng sẽ khắc phục triệt để tình trạng bên mời thầu cố tình không phát hành hồ sơ cho nhà thầu như đã xảy ra trong thời gian qua, đồng thời nâng cao khả năng giám sát của cộng đồng đối với việc tổ chức lựa chọn nhà thầu.

Đặc biệt, so với Thông tư 07, quy định mới tại Thông tư 11 đã tạo điều kiện thuận lợi hơn cho nhà thầu, nhà đầu tư trong việc bổ sung, đăng ký tên trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia để đảm bảo tư cách hợp lệ khi tham gia đấu thầu trong suốt quá trình đánh giá hồ sơ dự thầu thay vì phải hoàn thiện việc đăng ký trước thời hạn đóng thầu 2 ngày làm việc.

Xin cảm ơn ông!

Theo Thúy Hiền/TTXVN