ĐBSCL: Những thách thức lớn từ biến đổi khí hậu

Những năm qua, vùng ĐBSCL bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi tình hình BĐKH với các hiện tượng thời tiết cực đoan như hạn hán, xâm nhập mặn, nước biển dâng,… Những tác động của BĐKH đã và đang gây ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống, sản xuất của người dân.
Tăng cường bảo vệ nguồn nước ngầm tại khu vực ĐBSCLThúc đẩy dự án hợp tác hỗ trợ khả năng thích ứng của ĐBSCL trước biến đổi khí hậuKhôi phục và quản lý bền vững rừng ven biển tại 5 tỉnh vùng ĐBSCLTham vấn sử dụng bền vững tài nguyên nước ĐBSCL

Biến đổi khí hậu ngày càng khốc liệt

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là vựa lúa lớn nhất của Việt Nam, giúp Việt Nam trở thành một trong những quốc gia xuất khẩu gạo đứng thứ hai trên thế giới. Nếu như nơi đây có nguy cơ rủi ro tiềm ẩn từ vấn đề xâm nhập mặn, hạn hán, lũ lụt và suy giảm bùn cát cũng như xói lở bờ biển thì sự đe dọa đến nền an ninh lương thực, an ninh nguồn nước và sinh kế cho gần 21 triệu dân ở ĐBSCL. Đây là một trong những vấn đề rất nan giải.

Đầu tiên là tình trạng xâm nhập mặn rất phức tạp. Theo Viện Nhiệt đới môi trường (Viện Khoa học và Công nghệ quân sự), tại ĐBSCL những năm gần đây, việc xây dựng các đập thủy lợi, thủy điện của các quốc gia thượng nguồn sông Mê Kông đã làm giảm lưu lượng chảy của sông Tiền, sông Hậu vào Việt Nam, dẫn đến tình trạng xâm nhập mặn tại một số tỉnh ven biển ĐBSCL diễn ra ngày càng khắc nghiệt, phức tạp, khó lường và đặc biệt không tuân theo quy luật tự nhiên. Các sông chính và kênh nhánh bị nhiễm mặn sớm hơn, ranh giới nhiễm mặn vào sâu hơn trong nội đồng. Điều này đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống và sản xuất, công trình xây dựng của ĐBSCL.

ĐBSCL: Những thách thức lớn từ biến đổi khí hậu - Ảnh 1
Biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến ĐBSCL

Bên cạnh đó, một nghiên cứu của Viện Khoa học thủy lợi miền Nam (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) cho thấy, hiện nay xâm nhập mặn ở vùng ĐBSCL diễn ra sớm hơn từ 1-1,5 tháng so với những năm trước đây và thời gian diễn ra dài hơn. Độ mặn đầu mùa khô lớn hơn giữa mùa. Tình trạng này diễn ra ngược lại với quy luật xâm nhập mặn trước đây. Độ mặn lớn nhất thường xuất hiện chủ yếu vào tháng 4 đến tháng 5 do ảnh hưởng của thủy triều ở Biển Đông, vùng Biển Tây hoặc cả hai. Số liệu thống kê cho thấy, đợt hạn mặn lịch sử năm 2016 đã khiến 600.000 người dân ở ĐBSCL thiếu nước sinh hoạt và 160.000ha đất bị nhiễm mặn.

Tiếp đến là tình trạng sạt lở bờ biển đang diễn ra nghiêm trọng dọc theo bờ biển ĐBSCL. Theo báo cáo của Viện Khoa học thủy lợi Miền Nam năm 2022, với chiều dài bờ biển khoảng 744 km, nhưng hiện nay ĐBSCL có khoảng 286 km đang trong tình trạng sạt lở nghiêm trọng.

Xói lở bờ biển làm thu hẹp diện tích đất canh tác nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản và mất nhà cửa, tài sản và sinh kế của người dân, gây ảnh hưởng đến an ninh quốc phòng các tỉnh ĐBSCL. Theo đánh giá của nhóm nghiên cứu Giáo sư Matt Kondolf - Trường đại học California, Berkeley (Mỹ), một trong những nguyên nhân chính là việc xây dựng các đập trên thượng nguồn ở khu vực Trung Quốc, Lào, Thái Lan, Campuchia đã làm suy giảm đến 96% lượng phù sa đổ về sông Tiền và sông Hậu.

Chính điều này làm thiếu hụt trầm tích - nguồn phù sa quan trọng để bồi lắng, bổ sung cho bờ biển tạo nên cân bằng bùn cát. Sự mất cân bằng bùn cát kết hợp với các yếu tố thủy thạch động lực học bờ biển, sóng gió, nước dâng đã làm cho dải bờ biển bị sạt lở đáng kể.

Vấn đề kế tiếp là tình trạng sụt lún đất nghiêm trọng. Trong khoảng 10 năm trở lại đây, tốc độ sụt lún trung bình là 0,96cm/năm, theo đánh giá của các tổ chức quốc tế và nhóm nghiên cứu của Đại học Utrecht, Hà Lan và đo đạc của Bộ Tài nguyên - Môi trường.

Bằng chứng là nền của toàn bộ ĐBSCL những năm trở lại đây đều bị sụt lún do khai thác nước ngầm quá mức. Cùng với đó là tình trạng biến đổi khí hậu và nước biển dâng cao khoảng 0,35 cm/năm khiến nơi này bị ngập lụt là điều không thể tránh khỏi. Do vậy, việc ĐBSCL ngày một bị nhấn chìm được dự đoán là một thực tế đang từng ngày biểu hiện.

Phân tích về tác động của biến đổi khí hậu BĐKH đối với kinh tế vùng ĐBSCL, tiến sĩ Nguyễn Thanh Bình, chuyên gia của Viện nghiên cứu phát triển ĐBSCL, Trường Đại học Cần Thơ chỉ rõ, BĐKH đã, đang và sẽ diễn ra với nguy cơ ngày càng trầm trọng hơn. Nhiệt độ và mực nước biển đều có xu hướng tăng trong tương lai. Đến cuối thế kỷ này có thể tăng từ trên dưới 50cm đối với kịch bản thấp và kịch bản trung bình, có thể tăng 70-80cm đối với kịch bản cao. Khi mực nước biển dâng lên 1m thì gần như ĐBSCL của chúng ta khoảng phân nửa ngập dưới mực nước biển.

“Liên quan đến tài nguyên nước, nếu Việt Nam không hành động và có những can thiệp thì dự báo đến năm 2035, biến đổi khí hậu có thể gây thiệt hại lên đến 6% GDP của Việt Nam. Đặc biệt đối với ngành nông nghiệp ĐBSCL thì con số đó phải vượt 6%, nếu không có tác động ngay từ bây giờ”, tiến sĩ Nguyễn Thanh Bình nhấn mạnh.

Giải pháp ứng phó để phát triển bền vững

Theo kịch bản của Bộ Tài nguyên và Môi trường đã công bố, đối với tác động của BĐKH nếu mực nước biển dâng 100cm thì nguy cơ ngập cho ĐBSCL sẽ lên tới 47,29% và khoảng 570.000ha lúa sẽ bị ngập và các khu vực chịu ảnh hưởng lớn của BĐKH là Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng và Kiên Giang. Các ảnh hưởng của BĐKH cũng tác động rất nặng nề như xâm nhập mặn cùng tác động của hạn hán sẽ ảnh hưởng đến khả năng cung cấp nước ngọt, giảm chất lượng nước mặt, nước ngầm.

Chính vì vậy, để thích ứng với BĐKH, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 120 là rất quan trọng, ngoài ra tháng 4-2022 Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 13 cho vùng ĐBSCL.

ĐBSCL: Những thách thức lớn từ biến đổi khí hậu - Ảnh 2
Các hệ thống cống thủy lợi đã và đang phát huy tác dụng ngăn mặn xâm nhập vào ĐBSCL

Về vấn đề này, theo Thạc sĩ Nguyễn Thị Hoàng Anh, Phó Giám đốc Trung tâm ứng phó BĐKH, Cục BĐKH, Bộ Tài nguyên và Môi trường, các địa phương ở ĐBSCL cần quan tâm thúc đẩy chuyển dịch mô hình tăng trưởng theo mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Phát triển, ứng dụng khoa học, công nghệ với tri thức. Xây dựng kinh tế dựa trên lợi thế sông nước và biển, các-bon thấp, chống chịu cao. Thúc đẩy tập trung đất đai hình thành các tổ chức nông hộ thành các hợp tác xã kiểu mới, liên kết với doanh nghiệp. Tăng cường điều tra, đánh giá, kiểm soát tài nguyên; nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo thiên tai; bảo tồn đa dạng sinh học và phòng ngừa ô nhiễm môi trường. Tiếp tục thúc đẩy hợp tác quốc tế, huy động nguồn lực phục vụ phát triển bền vững ĐBSCL…

“Để phát triển bền vững vùng ĐBSCL, các địa phương và các doanh nghiệp trong vùng cần thực hiện các giải pháp mang tính tổng thể để thúc đẩy liên kết vùng và tăng cường quản lý, sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên, tăng cường chủ động thích ứng với BĐKH” – Thạc sĩ Nguyễn Thị Hoàng Anh nhấn mạnh.

ĐBSCL là một trong các khu vực được quan tâm không chỉ ở trong nước mà còn bởi tổ chức quốc tế, các nhà tài trợ trên thế giới về vấn đề đa dạng sinh học cũng như tính liên kết của khu vực này trong tương lai. Chính vì vậy, ĐBSCL có khả năng trở thành nơi có thể nghiên cứu các giải pháp thân thiện môi trường kết hợp với giải pháp khoa học công nghệ ở khu vực này. Đó cũng là cơ hội của các nhà khoa học trong lĩnh vực bờ biển trong tương lai.

Phạm Thạch

Liên kết