Để rác thải trở thành tài nguyên

Rác chỉ có thể biến thành tài nguyên khi được phân loại tại nguồn và áp dụng công nghệ xử lý phù hợp. Tuyên truyền về lợi ích của phân loại rác và xây dựng hạ tầng thu gom rác tiện lợi là những giải pháp được kỳ vọng có thể giải được bài toán khó này.
Khánh Hòa: Thiếu phương tiện thu gom, rác chất đống bên vệ đườngBảo vệ môi trường hiệu quả từ mô hình thu gom rác thải nhựaTăng tốc chuyển đổi mô hình lực lượng thu gom rác dân lậpPhân loại rác tại nguồn: 'Khó nhưng dứt khoát phải làm'

Vì sao nên phân loại rác tại nguồn?

Phân loại rác tại nguồn là điều kiện tiên quyết để xử lý rác thải hiệu quả và biến nó thành những nguồn nguyên liệu đầu vào cho ngành công nghiệp tái chế.

Nếu phân loại rác tại nguồn tốt, có nhà máy xử lý hiện đại, tái chế rác thành tài nguyên như điện, phân hữu cơ... thì chắc hẳn sẽ không diễn ra tình trạng ùn ứ rác thải tại bãi rác Nam Sơn (huyện Sóc Sơn).

Phân loại rác tại nguồn có vai trò quan trọng trong quá trình làm giảm lượng rác thải ra môi trường, đồng thời giúp cho quá trình tái chế trở nên đơn giản và ít tốn kém. Các chuyên gia cho biết, nhiều đô thị trên thế giới, trong đó có Việt Nam vẫn đang lãng phí nguồn tài nguyên từ rác thải, chưa tận dụng hết được những vật liệu có trong rác làm nguồn nguyên liệu đầu vào cho ngành công nghiệp tái chế nhựa, kim loại, giấy hay công nghệ sản xuất phân bón hữu cơ. Một trong những nguyên nhân do người dân chưa ý thức được tầm quan trọng cũng như chưa thực hiện việc phân loại rác tại nguồn.

Theo GS.TS Đặng Kim Chi, Chủ tịch Hội đồng khoa học và kỹ thuật, Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam cho biết, thực hiện phân loại rác tại nguồn đem lại rất nhiều ý nghĩa, không chỉ thúc đẩy hoạt động của các ngành công nghiệp tái chế và làm giảm thiểu đáng kể lượng rác thải ra môi trường, mà còn có thể làm thay đổi công nghệ xử lý rác.

Cách đây nhiều năm, TP.Hà Nội đã triển khai Dự án phân loại rác thải tại nguồn (Dự án 3R) ở một số phường với sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế. Người dân phân loại rác hữu cơ, rác vô cơ và rác tái chế, sau đó lực lượng chức năng sẽ có xe để thu gom các loại rác riêng.

tm-img-alt
Ảnh minh họa.

Tuy nhiên, với những lý do khách quan, dự án chỉ tiến hành đến năm 2009. Cho đến nay, các hoạt động phân loại rác tại nguồn vẫn ít chuyển biến.

Ths Nguyễn Ngọc Lý, Chủ tịch HĐQT Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng (CECR) cho biết, tình trạng xả rác ra môi trường hiện nay rất đáng lo. Hành động vứt rác chỉ chiếm 1 % trong tổng số hoạt động mỗi ngày của mọi người; nhưng để xử lý các loại rác này rất tốn kém, từ tiền trả nhân công, tiền vận chuyển, tiền xử lý đến tiền đất, tiền quản lý. Ngoài ra, nhiều người dân ỷ lại chỉ cần đóng một khoản tiền cố định cho nhà nước trong mỗi tháng mà chưa thực hiện phân loại rác tại nguồn.

Khó áp dụng công nghệ tiên tiến

Theo Bộ Công Thương, tại Việt Nam bình quân mỗi ngày khoảng 35.000 tấn rác thải sinh hoạt đô thị và 34.000 tấn rác thải sinh hoạt nông thôn được thải ra. Khối lượng rác tại Thủ đô Hà Nội và TP.HCM là 7.000-8.000 tấn rác mỗi ngày.

Hiện nay, hai công nghệ được đánh giá ưu việt nhất và nhiều nước phát triển trên thế giới sử dụng là chôn lấp hợp vệ sinh (tận dụng khí thải metan từ bãi chôn lấp để phát điện) và đốt sinh khối để phát điện (gọi là điện rác). 

Theo đó, trên 70% lượng rác thải tại Việt Nam đang được xử lý chủ yếu bằng công nghệ chôn lấp, trong đó 80% là bãi chôn lấp không hợp vệ sinh, gây hại cho môi trường. Chỉ có 13% rác được đốt cháy để thu hồi năng lượng.

Tuy nhiên, chôn lấp rác sử dụng công nghệ lạc hậu, làm tốn diện tích đất và gây ra nhiều tác hại, tạo ra nguy cơ cháy; ô nhiễm nước ngầm; phát tán khí metan...

Hơn nữa, việc chôn lấp rác còn gây ảnh hưởng đến môi trường và cuộc sống của nhiều người dân xung quanh. Đó là sự phản đối của người dân ở gần khu xử lý rác, chi phí cho việc thu gom, vận chuyển ngày một tăng trong khi tài nguyên rác bị lãng phí. Trong khi diện tích các bãi chôn lấp rác ngày một hạn chế; công nghệ đốt rác hiện đại lại có chi phí lớn thì giải pháp đơn giản, hiệu quả và bền vững chính là thực hiện phân loại rác tại nguồn để phục vụ cho công nghiệp tái chế.

Cũng theo GS.TS Đặng Kim Chi nhận định, phân loại rác tại nguồn làm tăng lượng rác tái chế, rác sử dụng. Từ đó có thể giảm chi phí thay đổi công nghệ xử lý theo hướng thân thiện với môi trường, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn phát triển.

Theo các chuyên gia về môi trường và điện năng, công nghệ đốt chất thải để tạo ra điện ngày càng được áp dụng rộng rãi do có một số ưu điểm nổi bật so với các công nghệ khác, như giảm được 90-95% thể tích và khối lượng chất thải; có thể tận dụng nhiệt; giảm phát thải khí nhà kính so với biện pháp chôn lấp; giảm thiểu ô nhiễm nước...

Cụ thể như nhà máy đốt rác sinh hoạt phát điện tại Cần Thơ, có quy mô diện tích 5,3 ha, với tổng mức đầu tư 1.050 tỉ đồng, sử dụng công nghệ đốt rác phát điện. Từ khi bắt đầu hoạt động thử nghiệm vào tháng 10/2018, mỗi ngày nhà máy có thể xử lý 400 tấn rác thải sinh hoạt và phát điện khoảng 150.000 Kwh (tương đương 60 triệu Kwh/năm). Tuy nhiên, vấn đề mà nhà máy đang gặp phải là tìm cách xử lý tro xỉ, tro bay phát sinh trong quá trình hoạt động. Hiện mỗi ngày, lượng tro bay phát sinh khoảng 8 - 10 tấn.

tm-img-alt
Nhà máy điện rác được đưa vào sử dụng rộng rãi.

Cần có các giải pháp đồng bộ

Rác thải là một nguồn tài nguyên với rất nhiều giá trị sử dụng mới có thể tạo ra như khí đốt, phân bón, điện năng, vật liệu tái chế… Tuy nhiên, với lượng rác thải ngày càng tăng theo cấp số nhân nếu không có cách làm hiệu quả từ việc phân loại tại nguồn thì để rác có thể biến thành tài nguyên là điều rất khó.

Thực tế, việc phân loại rác tại nguồn còn gặp không ít trở ngại khi việc thực hiện mới chỉ dừng ở hoạt động thí điểm, chưa có quy định bắt buộc, chế tài xử phạt hay cơ chế khuyến khích. Vì vậy, để rác thải có thể thành tài nguyên, cùng với phân loại, phải xây dựng cơ chế, chính sách hợp lý để khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào tái chế rác thải, xây dựng công nghiệp chế biến rác thải…

Trao đổi vấn đề này với báo Kinh tế và Đô thị, PGS.TS Bùi Thị An, nguyên đại biểu Quốc hội khóa XIII, Viện trưởng Viện Tài nguyên, Môi trường và Phát triển cho rằng, để việc phân loại rác tại nguồn được thực hiện bền bỉ, lâu dài và trở thành thói quen tốt trong đời sống của mỗi người dân thì các biện pháp phải tiến hành đồng bộ, thay vì "đánh trống bỏ dùi". Muốn thay đổi công nghệ xử lý rác theo hướng thân thiện với môi trường. Muốn rác tạo ra nhiều giá trị hơn, quay trở lại phục vụ con người và làm giàu cho nền kinh tế, không còn cách nào khác phải quyết liệt phân loại rác từ nguồn. Điều đó đồng nghĩa với việc, rác phải được phân chia ngay từ hộ gia đình, từ mỗi cá nhân, dưới sự giám sát, hướng dẫn của các cơ quan có chuyên môn. Tiếp đó, phải đồng bộ với khâu trung gian, khâu xử lý mới từng bước tạo được những chuyển biến rõ nét.

Ngọc Ánh
Theo Tạp chí Kinh tế Môi trường