Đề xuất tiếp tục giảm các thuế có liên quan đến cơ cấu giá xăng, dầu

"Thời gian tới, chúng tôi sẽ phối hợp với các bộ, ngành đề xuất, rà soát để tiếp tục giảm được các thuế có liên quan đến cơ cấu giá của xăng, dầu.", Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho hay.
Siết chặt xử lý gian lận thương mại trong lĩnh vực xăng dầu, dầu khí và khíGiá xăng dầu đồng loạt giảm mạnh từ 15h chiều nayGiá xăng dầu thế giới ngày 8/2 giảm mạnh do dịch corona vẫn lan rộng

Mới đây, tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 5/2022, trả lời câu hỏi về tình hình giá xăng, dầu tăng mạnh thời gian qua, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, Bộ Công Thương chia sẻ khó khăn với người dân, doanh nghiệp khi chịu tác động của giá nhiên liệu tăng ảnh hưởng đến sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh.

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải khẳng định, lãnh đạo Chính phủ rất quan tâm và thường xuyên chỉ đạo quyết liệt việc bảo đảm nguồn cung xăng dầu phục vụ đời sống sinh hoạt của người dân cũng như phục vụ sản xuất, kinh doanh.

Bộ Công Thương luôn phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính để thực hiện nhất quán, đúng quy định liên quan về việc điều hành giá xăng, dầu trong nước phù hợp với diễn biến giá thế giới nhằm mang lại thuận lợi nhất trong điều kiện có thể đối với người dân và doanh nghiệp.

Đề xuất tiếp tục giảm các thuế có liên quan đến cơ cấu giá xăng, dầu - Ảnh 1
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải.

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải chia sẻ, có 3 biện pháp đã và đang được lưu ý thực hiện nhằm kiểm soát giá xăng, dầu. Trong đó, sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng, dầu một cách hiệu quả, linh hoạt để hạn chế mức biến động mạnh của giá xăng, dầu trong nước so với thế giới, góp phần thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát và phục hồi kinh tế.

Lãnh đạo Bộ Công thương cho biết, nhờ sử dụng Quỹ bình ổn giá này nên vào ngày 1/6 vừa qua (kỳ điều chỉnh giá mới nhất), giá xăng, dầu trong nước có mức tăng thấp so với các nước. Ngoài ra, phải điều chỉnh các loại thuế, phí trong cơ cấu giá xăng, dầu (thuế bảo vệ môi trường, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế nhập khẩu).

Với sự tham mưu của Bộ Công Thương và Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành nghị quyết về giảm 50% thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu và mỡ nhờn; giảm 70% thuế bảo vệ môi trường đối với dầu hỏa từ ngày 1/4 và có hiệu lực hết năm 2022.

"Thời gian tới, chúng tôi sẽ phối hợp với các bộ, ngành đề xuất, rà soát để tiếp tục giảm được các thuế có liên quan đến cơ cấu giá của xăng, dầu. Việc điều chỉnh giá xăng, dầu giảm không chỉ phụ thuộc vào liên bộ Tài chính - Công Thương, mà còn là trách nhiệm của Chính phủ, các bộ, ngành khác. Vì thế, chúng ta cần phải hướng tới các giải pháp an sinh hỗ trợ người dân, đặc biệt là người nghèo; tiếp tục có biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh giá xăng, dầu tăng cao", Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nói.

Chuyên gia đề xuất

Chia sẻ với Phóng viên Tạp chí Điện tử Kinh tế Môi trường về giải pháp để kìm hãm giá xăng, GS.TS Đặng Đình Đào - Chuyên gia kinh tế cho rằng, cần xem xét loại bỏ lợi nhuận định mức.

Theo ông Đào, nhóm doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu được hưởng lợi nhuận định mức, trong khi giá xăng trong nước sản xuất được tính bằng giá nhập khẩu cộng thuế, đem lại nguồn lợi nhuận khổng lồ, còn người dân luôn phải chịu thiệt đơn thiệt kép khi mà giá xăng, dầu liên tục tăng.

Đề xuất tiếp tục giảm các thuế có liên quan đến cơ cấu giá xăng, dầu - Ảnh 2
GS.TS Đặng Đình Đào.

"Các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu được hưởng lợi từ việc giá xăng dầu tăng cao, vậy tại sao không dùng số lợi nhuận đó san sẻ để san sẻ nỗi lo với Nhà nước, với người dân? Tôi cho rằng, đã đến lúc phải xem xét việc loại bỏ lợi nhuận định mức đối với nhóm doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu.

Còn trong bối cảnh hiện tại, chưa nên bỏ Quỹ bình ổn giá, nhưng quỹ này cũng cần được công khai, minh bạch hơn. Có như vậy thì giá xăng dù tăng hay giảm cũng đều không gây hiệu ứng tâm lý tiêu cực, ảnh hưởng đến tiêu dùng của người dân.

Mặt khác, cơ quan quản lý cần nắm chắc được số lượng hàng tồn kho tại các cơ sở kinh doanh xăng dầu trên cả nước trước mỗi lần điều chỉnh giá, xử lý nghiêm hành vi tích trữ, găm hàng chờ bán giá cao, kiếm lời bất chính.

Chuyển đổi số là chìa khóa để thực hiện công khai, minh bạch thị trường xăng dầu và điều hành giá ít gây phản ứng từ dư luận. Chuyển đổi số của ngành Công Thương cần đi vào thực chất, để dù chỉ một tín hiệu nhỏ của nhà máy lọc dầu không tốt, Bộ quản lý lập tức nắm được và có phương án điều hành, thay vì bị động và chậm trễ", GS. Đào nhấn mạnh.

Cùng chia sẻ quan điểm về vấn đề này, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh - Chuyên gia kinh tế cho rằng, việc điều hành giá xăng dầu, thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát và bình ổn thị trường, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp là rất cần thiết.

“Cơ quan quản lý cần nghiên cứu và đưa ra những biện pháp phù hợp trong bối cảnh các doanh nghiệp đang cần được hỗ trợ để phục hồi sản xuất, thậm chí triển khai các gói hỗ trợ tài chính để doanh nghiệp bù đắp chi phí do nhiên liệu tăng cao.

Bên cạnh đó, phải thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện trách nhiệm bảo đảm nguồn cung xăng, dầu cho thị trường của các cơ sở kinh doanh xăng dầu, đồng thời xử lý nghiêm các hành vi vi phạm nhằm ổn định thị trường xăng dầu trong nước”, ông Thịnh đề xuất.

Thiện Tâm

Xem thêm

Liên kết