Đi tìm nét đẹp trong văn hoá ứng xử ngày Tết

Văn hóa ứng xử ngày Tết luôn nhận được rất nhiều sự quan tâm của mọi người, từ việc tham gia giao thông sao cho an toàn mà đúng luật, mua bán sao cho đủ đầy mà không lãng phí, đến văn hoá chúc Tết như thế nào cho phù hợp với cả gia chủ lẫn khách đến chơi nhà.
Chở xuân ra Trường SaĐón Tết ấm bên ô cửa xếp mang tên hy vọngTết Canh Tý 2020: Tuổi nào xông đất phù hợp với chủ nhà?
Văn hóa ứng xử ngày Tết

Ngày Nay đã có cuộc trao đổi với TS Xã hội học Phạm Thị Thúy (Ảnh), Giảng viên Học viện Hành chính Quốc gia Phân viện tại TP HCM, để nhìn rõ hơn về vấn đề này.

Những ngày giáp Tết, đường phố ở Hà Nội, TP.HCM nói riêng và nhiều thành phố lớn nói chung thường chật như nêm, ai cũng cố gắng làm mọi cách để được việc của mình, thậm chí là vi phạm Luật Giao thông đường bộ. Dưới góc độ văn hóa, bà nghĩ gì về hiện tượng này?

- Từ lâu, vấn đề này đã trở thành một trong những vấn đề vô cùng nhức nhối và rất đáng suy ngẫm không chỉ trong ngày Tết. Người Việt Nam luôn đề cao sự nhường nhịn, từ tốn và tôn trọng người khác. Vì vậy, những hành vi như chen lấn, xô đẩy, vượt đèn đỏ hay leo lên vỉa hè đi đều là những hành vi phản cảm và nó không phù hợp với văn hóa của người Việt Nam.

Đành rằng Tết là ngày vui của mọi gia đình, mọi cá nhân, ngày đoàn tụ, sum họp nhưng cũng trong thời điểm này đã có không ít những câu chuyện buồn xảy ra trong việc tham gia giao thông của người dân. Nhiều vụ tai nạn thương tâm và đáng tiếc xảy ra chỉ vì một vài giây tắc trách, thiếu cẩn trọng của người điều khiển phương tiện.

Điều tôi muốn nói ở đây không chỉ là vấn đề văn hoá ứng xử ở nơi công cộng, sự thượng tôn pháp luật mà còn là trách nhiệm của mỗi người với sinh mệnh của bản thân, người thân và cả những người tham gia giao thông khác. Hy vọng trong dịp lễ Tết này, mỗi người chúng ta sẽ tự biết trân quý tính mạng của bản thân và của người khác để không còn phải nghe thêm nhiều những bản tin giao thông đau buồn nữa.

Dù đã được tuyên truyền, cảnh báo nhưng những vấn đề ứng xử nơi công cộng, trên đường phố vẫn còn là câu chuyện dài. Người ta vẫn lao lên vỉa hè để đi dù có biển cấm hay vẫn cố tình chen ngang, vượt đèn đỏ. Theo bà, nguyên nhân của những vi phạm này do đâu?

- Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Có người do vội vàng mà phóng nhanh vượt ẩu, có người do bắt chước mà làm theo hay có người do uống rượu say mà thiếu tỉnh táo khi tham gia giao thông. Nhưng theo tôi, có 4 nguyên nhân cơ bản sau:

Thứ nhất là do tâm lý vội vàng. Tâm lý chung của người Việt Nam là năm mới không nói chuyện cũ, không làm việc cũ nên ai cũng muốn cố gắng hoàn thành thật sớm công việc của mình trước khi về nghỉ Tết. Do vậy vào thời điểm cận Tết mọi người thường vội vã hơn. Cứ nhìn giao thông của Hà Nội và một số thành phố lớn trong những ngày này là thấy được sự gấp gáp của cuộc sống. Họ vội vàng đến trường, đến cơ quan làm việc, đến điểm hẹn riêng… Họ sợ muộn giờ cho những hoạt động của bản thân nhưng lại không biết rằng “nhanh một phút chậm cả đời”. Họ đang đề cao công việc trước mắt hơn lợi ích lâu dài.

Thứ hai là do tâm lý đám đông, do sự bắt chước. Nhiều người hình thành tâm lý người ta đi được thì mình cũng đi được. Cứ thế, người nọ lại bắt chước người kia. Điều đáng nói là hiện nay, tình trạng này lại xuất hiện với tần suất rất lớn và phổ biến. Phải chăng, chúng ta đang dung túng cho những hành vi xấu đó? Chưa kể, ý thức tham gia giao thông, tuân thủ pháp luật, tôn trọng người đi đường của một bộ phận người dân còn kém.

Thứ ba là do kỷ cương xử lý của ta vẫn chưa nghiêm. Nếu vi phạm mà còn tình trạng xin để không bị phạt thì khó có thể răn đe người khác. Cũng với những con người ấy nếu ra nước ngoài, họ răm rắp tuân thủ pháp luật, ứng xử rất văn minh nhưng khi ở Việt Nam họ lại sẵn sàng vi phạm mà không xấu hổ. Việc “nhờn” luật pháp vẫn đang xảy ra nên tình trạng mạnh ai nấy đi vẫn còn tiếp diễn.

Thứ tư là do điều kiện đi lại của nước ta còn nhiều khó khăn. Đường quá chật hẹp trong khi phương tiện giao thông cá nhân lại quá nhiều dẫn đến tình trạng tắc đường; phương tiện giao thông công cộng chưa thuận lợi cho người dân. Đây cũng chính là những nguyên nhân khách quan hình thành nên thói quen xấu khi tham gia giao thông của một bộ phận người dân Việt.

Làm cách nào để hạn chế tình trạng cứ cuối năm, đường phố lại nhốn nháo như hiện nay?

- Ở góc độ văn hoá ứng xử, tôi cho rằng quan trọng nhất vẫn là ý thức của mỗi người dân. Tôi ủng hộ việc cần phải có biện pháp xử lý mạnh tay đối với trường hợp vi phạm pháp luật về giao thông, ví như cán bộ, công chức vi phạm có thể bị gửi giấy thông báo về cơ quan, đơn vị. Việc làm này nhằm khơi gợi sự xấu hổ trong mỗi con người. Có xấu hổ thì mới mong thay đổi hành vi.

Còn với người dân, mỗi người khi ứng xử ở nơi công cộng nên có sự nhường nhịn, thông cảm nhau. Nếu ai cũng muốn chen ngang, vượt lên trước trên đường phố đông đúc thì không những không đi được nhanh mà còn làm cho giao thông thêm hỗn loạn và rắc rối.

Tôi hy vọng, trong những ngày bộn bề, hối hả này, mỗi người khi đi đường hãy chậm lại, bình tĩnh hơn, có ý thức hơn, có văn hóa hơn và biết tôn trọng người khác hơn. Chỉ cần mỗi người thay đổi một chút, bản thân mỗi người phải là một tấm gương, phải biết tự ý thức thì xã hội sẽ đẹp hơn, văn minh hơn. Chẳng hạn, tôi thường đi sớm hơn giờ quy định để tôi không phải vội vàng, không phải vượt đèn đỏ hay tôi không phải leo lên vỉa hè.

Văn hoá mua sắm ngày Tết của người Việt Nam bây giờ đã khác trước nhưng có vẻ như nhiều người vẫn chưa thoát được tâm lý “thừa còn hơn thiếu”, trước Tết mua rất nhiều để rồi sau Tết phải bỏ đi, gây lãng phí. Theo bà, việc tích trữ đồ ăn cho Tết có còn phù hợp với xã hội hiện nay?

- Tích trữ đồ ăn là một thói quen cố hữu, một tâm lý truyền thống bao đời của người dân Việt Nam. Trước đây, khi điều kiện hàng hoá khan hiếm, người dân thường tích trữ nhiều thức ăn. Chính vì thế, người xưa mới có câu “đói ngày giỗ cha, no ba ngày tết”. Nhưng có lẽ, câu nói đó chỉ đúng với Tết xưa. Những “đùm túm”, gói gém của bà, của mẹ từ trước Tết mấy tháng được đựng trong chum, trong vò. Nào cân miến dong, nào lạng mộc nhĩ, nào bơ gạo nếp, nào yến gạo ngon, nào cân măng khô… tất cả đều được bọc cẩn thận, tỉ mỉ trong nhiều lớp giấy, lá để dành cho Tết. Tết là phải đủ đầy, là phải ăn uống no say, thịnh soạn thì cả năm mới may mắn được. Giá trị văn hóa phồn thực này gắn bó với người Việt trong suốt hàng ngàn năm lịch sử.

Tuy nhiên, hiện nay, có những biến chuyển về thời cuộc, siêu thị, chợ búa mọc lên khắp nơi, việc mua sắm, tích trữ cho Tết không còn như xưa, nhưng tâm lí trữ đồ ăn thức uống thì vẫn còn ở nhiều gia đình. Theo tôi, trong cuộc sống hiện đại, các gia đình nên cân nhắc việc mua sắm, chỉ nên mua đủ dùng, không nên mua nhiều quá. Bởi nhiều năm nay, hệ thống siêu thị, các khu chợ dân sinh đã mở hàng từ mùng Hai Tết, thậm chí có nơi đã mở từ mùng Một Tết để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng cho người dân.

Vì vậy, chúng ta cần mua sắm hợp lý để tránh được sự lãng phí trong những ngày Tết. Không những vậy, việc tích trữ đồ ăn nhiều còn mang đến những hệ quả không tốt như đồ ăn nhanh hỏng, phải bỏ đi, xả thải ra ngoài môi trường gây ô nhiễm. Chưa kể, những đồ ăn tích trữ lâu ngày không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm dễ gây ngộ độc cho người sử dụng. Dẫu biết là lãng phí, là nguy hại cho sức khỏe nhưng để thay đổi được thói quen này cũng không hề dễ dàng.

Văn hoá chúc Tết theo truyền thống của người Việt hiện nay có nhiều mâu thuẫn. Nhiều người quan niệm, khách đến nhà phải thiết đãi long trọng, cần phải có chén rượu thì mới vui, nhưng có người lại cho rằng, sự long trọng ấy gây cảm giác mệt mỏi, phiền hà, thậm chí là… sợ vì bị ép ăn uống. Quan điểm của bà về vấn đề này?

- Chúc Tết là nét đẹp văn hoá của người Việt cần được duy trì và gìn giữ. Người Việt rất hiếu khách và trọng khách nên trong tâm lý của họ khi “khách đến nhà không trà thì rượu”. Theo tôi, đây là truyền thống đẹp của văn hóa cộng đồng, nhất là trong bối cảnh xã hội con người đang xa rời nhau, người ta gắn với điện thoại, với internet nhiều hơn. Những bữa ăn tình thân, sum họp gia đình trong dịp Tết vô cùng ý nghĩa và giá trị.

Còn việc chúc Tết thế nào để cả gia chủ và người đi chúc cảm thấy vui vẻ, thoải mái lại cần sự thẳng thắn ở cả hai phía. Tôi cho rằng, với suy nghĩ có phần hiện đại và thoáng như hiện nay, gia chủ và khách nên thẳng thắn bày tỏ ý muốn của mình khi giao đãi.

Ví như, khách đến nhà có thể nói thẳng với gia chủ về việc mình không muốn, không thể uống rượu. Chủ mời khách cũng nên thẳng thắn hỏi ý muốn của khách. Tôi cho rằng, điều quan trọng của việc tiếp đón giữa chủ và khách là sự chân thành, cởi mở, thẳng thắn để cả hai cảm thấy thoải mái và vui vẻ chứ đừng ép nhau uống đến say xỉn, đến không còn tỉnh táo. Đó mới là điều đẹp nhất trong văn hóa tiếp khách của chúng ta.

Từ những câu chuyện buồn thời gian qua, chúng ta cần ứng xử nơi công cộng như thế nào cho đúng chuẩn và có văn hoá, thưa bà?

- Có rất nhiều cách để ứng xử một cách đúng mực ở nơi công cộng. Điều đầu tiên chúng ta cần làm là cư xử tử tế, tôn trọng và nhường nhịn người khác. Bởi người có văn hóa là người biết tôn trọng người khác trên mọi hoạt động, từ chuyện ăn uống cho đến giao thông trong mọi dịp chứ không phải là Tết.

Kỹ năng quan trọng nhất khi giao tiếp nơi công cộng là biết cách tôn trọng lẫn nhau, đặt quyền lợi của mình trong quyền lợi của mọi người. Mình sống hài hòa với mọi người thì khi đó mình hạnh phúc và mọi người xung quanh mình cũng sẽ hạnh phúc.

Cảm ơn TS về những chia sẻ!

Theo Kim Dung-Mẫn Sang/Ngày Nay