Đón Tết ấm bên ô cửa xếp mang tên hy vọng

Chiếc cửa xếp chỉ được kéo hé chừng nửa mét, đủ để người ngồi phía trong nhìn ra đường đời ồn ã, lắng nghe âm thanh và hơi thở cuộc sống. 10 năm nay nằm liệt giường vì tai biến do hậu quả của chất độc dioxin, cựu chiến binh Nguyễn Thị Thanh đã tìm nguồn sống và niềm lạc quan cho mình qua ô cửa như thế.
Cây tra - Sức sống xanh nơi trùng khơiTết ở Trường SaCây Giáng Hương - Niềm kỳ vọng mang lại nét đặc trưng về khu kinh tế xanh
don tet am ben o cua xep mang ten hy vong
Bà Nguyễn Thị Thanh ngắm nhìn cuộc sống qua ô cửa nhỏ.

Ô cửa xếp mang tên hy vọng

Ngôi nhà nhỏ hai mặt ngõ của bà Nguyễn Thị Thanh (sinh năm 1957) nằm giữa chợ chính, trên phố Trần Văn Chương, thị trấn Bình Mỹ, Bình Lục, Hà Nam. Chiếc giường được thiết kế riêng dành cho bệnh nhân nằm viện, được gia đình bà chắt bóp để mua riêng cho bà - tiện bề xoay xở trong những tháng năm nằm liệt giường - được đặt ngay ở một bên hông cửa chính, hướng ra đường chính của chợ. Bên giường nhỏ của bà, lúc nào cửa xếp cũng được hé mở. Bà Thanh bảo, cửa sổ là nguồn sống 10 năm nay của bà, là nơi bà được giao tiếp với cuộc sống, được những người bạn thi thoảng tiện đi chợ ghé qua thăm hỏi. “Nếu không thì có lẽ tôi chết lâu rồi”, bà Thanh lau nước mắt kể.

10 năm trước, căn bệnh tai biến khiến bà liệt nửa người. “46 tuổi, không ngồi được, không nằm được, một nửa người cứng đơ, tim đập thổn thức không thở được. Cuộc sống bỗng chốc tối sầm lại”, bà Thanh kể. Lúc đó, bà mới lờ mờ nhận ra, hình như, những tổn thương về mặt sức khỏe này, đến từ thời thanh niên sôi nổi những năm 1973 - năm bà đi chiến trường Quảng Trị - Quảng Nam.

Năm 16 tuổi, bà cùng đoàn nữ Nam Hà đầu tiên thực hiện nhiệm vụ là chiến sĩ thông tin ở đường dây 559. Bốn năm ở chiến trường rực lửa, đoàn nữ đầu tiên vào chiến trường Trường Sơn được ưu tiên về công ty Thương nghiệp. Bốn năm sau đó, bà kết hôn và lần lượt sinh được hai người con gái. Cuộc sống tưởng chừng cứ thế mà hạnh phúc đến tuổi già, nhưng không thể ngờ, thứ chất độc quái ác quật ngã bà hết lần này tới lần khác.

don tet am ben o cua xep mang ten hy vong
10 năm nay, ô cửa xếp này là nguồn sống của bà.

Ông Lê Văn Thiện - người chồng nâng giấc bà suốt 10 năm qua kể, bà Thanh đã trải qua những tháng ngày cực kỳ gian khó để có sự lạc quan như ngày hôm nay. Năm 46 tuổi, bà liệt nửa người. Cục máu đông gây tắc nghẽn mạch máu não khiến bà từ một người phụ nữ khỏe mạnh, tháo vát, làm bên thương nghiệp buộc phải nằm một chỗ, tất cả nhờ cậy vào chồng, con. Khi bà có thể chống gậy tập đi lại được trong nhà, thì cuộc đời lại tiếp tục thử thách bà một lần nữa khi bà bị gẫy xương cổ đùi trong lúc đi lại. Những cơn động kinh cũng liên tục hành hạ bà, cùng bệnh tim hẹp hở van hai lá khiến nhiều khi trái tim như bị bóp nghẹt, không thở được.

Năm 2014, bà mới được đưa vào danh sách những nạn nhân chất độc da cam dioxin nhờ vào sự chia sẻ về những căn bệnh này của một số người bạn cùng đi chiến trường với bà. Sáu năm nay, được các cấp lãnh đạo và các đơn vị thiện nguyện quan tâm, thăm hỏi, bà cũng phần nào vơi đi nỗi đau vì chất độc da cam đang dần bào mòn sức khỏe mình. Gần đây, bà đang tập đi lại được sau khi được phẫu thuật cổ quay xương đùi.

don tet am ben o cua xep mang ten hy vong
Đại diện Báo Nhân Dân và Hội nạn nhân chất độc da cam dioxin huyện Bình Lục trao quà "Tết ấm" cho bà Nguyễn Thị Thanh.

Bà Thanh bảo, may mắn nhất với bà là hai đứa con không bị ảnh hưởng nặng nề bởi di chứng, ngoài cô con gái út bị mắc tật khoèo tay từ nhỏ. Những đồng nghiệp của bà, cũng có người có con cái bị ảnh hưởng chất độc da cam. Nhiều nữ chiến sĩ năm nào lấy bộ đội cùng chiến trường tại Quảng Trị thì đều gặp những hoàn cảnh rất trớ trêu, con cái hầu hết gặp di chứng chất độc da cam. “Đứa con nào cũng bị nhốt vào một giường riêng như nhốt chuồng chó, thật sự rất thương tâm”, bà Tâm kể.

Trở bệnh ngay sau niềm vui đoàn tụ

Trong một ngôi nhà nhỏ tại đường Điện Biên Phủ, Tiểu khu Bình Thắng, Bình Mỹ, Bình Lục, Hà Nam, bà Nguyễn Thị Chúc đang bón từng thìa cháo cho ông Đào Ngọc Điệp (sinh năm 1946) đã nằm liệt giường, thoi thóp thở nhiều năm qua.

Bà Chúc kể, tháng 8-1964, ông Điệp nhập ngũ vào chiến trường B đỏ lửa. Năm 1973, cũng theo lời kêu gọi của Tổ quốc, bà Chúc vào chiến trường Thừa Thiên Huế - Quảng Nam, đi vác đạn mở đường. Hai người đã có cơ duyên gặp nhau tại đây và cùng trao lời hẹn thề cùng về quê hương lập gia đình. Cuối năm 1978, khi bà Chúc đã về quê nhà, họ có một đám cưới thật sự ấm cúng. Cho tới tháng 6-1984 ông ra quân, họ đã có hai người con khỏe mạnh - một trai, một gái.

don tet am ben o cua xep mang ten hy vong
Ông Điệp nằm liệt một chỗ nhiều năm nay.

Ngày ông ra quân, cả nhà mừng mừng, tủi tủi. Đất nước đã hòa bình, vợ chồng đoàn tụ, con cái đuề huề, chỉ cần bình yên bên nhau mà sống. Thế nhưng niềm vui ngắn chẳng tày gang, cơn bạo bệnh lần lượt xuất hiện trong cuộc đời ông Điệp.

Kìm cảm xúc trong đôi mắt già nua vì thương chồng, bà Chúc kể: “Ông ốm suốt từ khi ra quân. Lúc đó, chúng tôi cũng chưa biết chất độc da cam là gì. Tôi dắt díu ông đi hết viện này tới viện khác từ Bạch Mai, Việt Đức, Đại học Y, Lão khoa… Có năm nằm viện tới bốn tháng. Nơi nào mách chữa được bệnh, chúng tôi cũng đã cố gắng đi hết. Nhưng các bác sĩ cũng không ít lần bảo: thôi bà cố gắng giữ tốt, dùng bền”.

Bà bảo, nội tạng cơ thể ông như chiếc săm lốp cũ nát, vá chỗ này xì chỗ kia. Ông bị suy gan, suy thận, suy tim, đã mổ mật và bây giờ đang mắc tiểu đường nặng. Từ năm 2012, ông nằm liệt một chỗ, mọi sự chăm sóc từ ăn uống, vệ sinh đều tại chỗ. Sức yếu của ông chỉ đủ để nói thều thào trong thanh quản nếu cần trao đổi gì với bà. Bà cũng đau xót khi em trai bà đã mất vì chất độc da cam và anh trai của chồng bà, cũng mới qua đời không lâu do bệnh tật từ nỗi đau da cam.

don tet am ben o cua xep mang ten hy vong
Bà Chúc rưng rưng xúc động khi được báo Nhân Dân điện tử cùng Hội nạn nhân chất độc da cam huyện Bình Lục trao quà "Tết ấm".

Nằm một chỗ nhiều năm, nỗi cô đơn của người già, người bệnh cũng phần nào được xoa dịu khi được các cấp cơ sở, được Hội nạn nhân chất độc da cam và nhiều đoàn thiện nguyện tới thăm hỏi, chúc Tết. “Tết với chúng tôi như thế là ấm tình người, phần nào nguôi ngoai nỗi buồn cô đơn của người già”, bà Chúc nói.

Đón Tết ấm trên quê hương Bình Lục

Trong 10 năm, từ tháng 8-1961 đến tháng 8-1971, Mỹ phun rải hơn 80 triệu lít hóa học, trong đó có 81% chất da cam, chứa 366 kg dioxin là chất độc nhất với con người và nhân loại xuống Việt Nam, làm1/4 diện tích miền Nam Việt Nam bị phơi nhiễm và phá hủy. 4,6 triệu người Việt Nam bị phơi nhiễm chất độc da cam.

Chất độc này đã khiến những thế hệ con, cháu, chắt bị di chứng nặng nề về sức khỏe. Nhiều người bị mắc vô sinh, mất đi giống nòi. Nhưng có những gia đình, dù sinh lần lượt cả chục người con, cũng không nhìn được chúng sống thành người, phải nuôi nhốt, xích con cái trong nhà. Đau đớn nhất, có gia đình sinh được 15 người con thì đã phải xây phần mộ cho 12 người con, chỉ cầu mong còn đủ sức khỏe để chôn cất ba người con dại còn lại.

Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam huyện Bình Lục Nguyễn Đình Ngự cho biết, cả nước còn ba triệu người là nạn nhân chất độc da cam dioxin và họ mang nỗi đau da cam suốt đời. Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về, xây dựng gia đình, họ phải chịu những gánh nặng bệnh tật và sinh ra những đứa con tật nguyền, vô tri vô giác. Có nạn nhân thế hệ thứ hai năm nay đã bước vào tuổi 40 tuổi - gần bằng thời gian Mỹ dải chất độc hóa học xuống chiến trường miền nam.

don tet am ben o cua xep mang ten hy vong
Huyện Bình Lục, Hà Nam có 564 nạn nhân chất độc da cam.

Thực hiện chương trình cả nước “Chung tay xoa dịu nỗi đau da cam”, Tết Canh Tý năm nay, Hội Nạn nhân chất độc da cam huyện Bình Lục, Hà Nam cùng một số đơn vị thiện nguyện dành tặng những món quà nhỏ cho hàng trăm nạn nhân chất độc da cam tại huyện.

Những ngày cuối cùng của năm Kỷ Hợi, Báo Nhân Dân điện tử đã phối hợp Hội Nạn nhân chất độc da cam huyện Bình Lục tổ chức gặp mặt và trao tặng gần 300 suất quà “Tết ấm” cho các nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam trong huyện.

Huyện Bình Lục hiện có 564 người được nhà nước công nhận là nạn nhân chất độc da cam, trong đó có 355 nạn nhân trực tiếp, và 209 người bị ảnh hưởng gián tiếp. Toàn huyện có 476 gia đình là nạn nhân, trong đó, có 378 gia đình có một nạn nhân, 83 có hai nạn nhân, 15 gia đình có ba nạn nhân và đặc biệt có hai gia đình có bốn nạn nhân.

Chủ tịch Hội kể, các nạn nhân bị nhiễm chất độc hóa học đến nay đều tuổi cao, sức khỏe suy giảm, mắc bệnh hiểm nghèo như ung thư gan, phổi, thanh quản, phế quản, có người bị tai biến nằm liệt giường nhiều năm nay. “Nạn nhân chất độc da cam là người nghèo nhất trong những người nghèo, đau khổ nhất trong những người đau khổ. Có những nạn nhân bị phơi nhiễm thế hệ thứ hai sinh ra bị tật nguyền suốt đời, sống thực vật hơn 40 năm nay, bị thần kinh, dị dạng…”, ông Ngự chua xót kể.

don tet am ben o cua xep mang ten hy vong
Những món quà "Tết ấm" góp phần xoa dịu nỗi đau của những nạn nhân chất độc da cam.

Nhiều năm qua, với sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân trong trong huyện, cũng như sự ủng hộ của nhiều cá nhân, tập thể, doanh nghiệp, những người con của quê hương Bình Lục, gần 600 nạn nhân chất độc da cam tại huyện đã được chia sẻ, thăm hỏi, phần nào xoa dịu nỗi đau da cam của họ. Đó là nghĩa cử cao đẹp, đạo lý uống nước nhớ nguồn, thắp lên ngọn lửa tinh thần nhân văn cao đẹp của dân tộc ta.

“Những món quà nhỏ nhưng là sự sẻ chia rất ấm áp, kịp thời, để góp phần mang đến Tết ấm cho những nạn nhân chất độc da cam. Chúng tôi luôn mong các đơn vị tiếp tục đồng hành để không chỉ Tết năm nay mà nhiều năm sau đó, những nạn nhân chất độc da cam ở huyện Bình Lục chúng tôi được đón cái Tết trong sự sẻ chia, làm vợi bớt nỗi đau bệnh tật”, Chủ tịch Hội nạn nhân chất độc da cam huyện Bình Lục bày tỏ.

Theo Nhân dân

Xem thêm

Liên kết