“Điệp khúc” cứ mưa là nước thải chưa qua xử lý tràn ra biển, bao giờ chấm dứt?

Thời gian gần đây, “điệp khúc” mưa lớn là nước thải chưa qua xử lý lại tràn ra biển qua các cửa xả, đặc biệt là ở Sơn Trà và Ngũ Hành Sơn lại tiếp diễn. Mặc dù ngành chức năng và chính quyền các địa phương đã có nhiều động thái khắc phục, nhưng xem ra tình trạng này vẫn chưa được giải quyết một cách căn cơ.

diep khuc cu mua la nuoc thai chua qua xu ly tran ra bien bao gio cham dut
Hạ tầng đô thị ở khu vực phía Đông luôn bị động chạy theo các công trình xây dựng cũng là nguyên nhân gây tình trạng nước thải chưa qua xử lý tràn ra, gây ô nhiễm môi trường biển.

Hạ tầng đô thị luôn “bị động” chạy theo các công trình

Theo ông Tô Văn Hùng, hệ thống thoát nước khu vực phía Đông thành phố được đầu tư xây dựng chủ yếu là thoát nước chung, chia thành 4 lưu vực, gồm: Đoạn từ chân núi Sơn Trà đến đường Phạm Văn Đồng, nước thải được dẫn về trạm xử lý nước thải (XLNT) Sơn Trà để xử lý, công suất chuyển tải theo thiết kế lớn nhất là hơn 15.000 m3/ngày đêm; đoạn từ đường Phạm Văn Đồng đến khách sạn Furama, nước thải phát sinh từ lưu vực này được dẫn về trạm XLNT Ngũ Hành Sơn để xử lý, công suất chuyển tải lớn nhất là hơn 16.000 m3/ngày đêm (công suất thiết kế là 11,6 ngàn m3/ngày đêm); đoạn từ khách sạn Furama đến đường Huyền Trân Công Chúa và đoạn từ Huyền Trân Công Chúa đến tỉnh Quảng Nam thì cả 2 lưu vực này hầu hết nước mưa và nước thải được chảy về sông Cổ Cò.

Thực tế cho thấy, hệ thống thu gom và XLNT hiện nay không đáp ứng được tốc độ phát triển du lịch, dịch vụ tại khu vực. Theo số liệu thống kê, từ tháng 4-2018 đến nay đã xử lý hơn 200 sự cố nước thải tràn ra biển. So sánh số liệu nước cấp của lưu vực này thì đã quá tải khoảng 3,6 ngàn m3/ngày đêm và dự báo đến năm 2020, lượng nước phát sinh khoảng 26,5 ngàn m3/ngày đêm. Như vậy, hệ thống thu gom hiện trạng còn thiếu khoảng 10,75 ngàn m3/ngày đêm, hệ thống XLNT còn thiếu khoảng 10,3 ngàn m3/ngày đêm.

Bên cạnh quá tải hệ thống XLNT, thì theo ông Hùng, quy định pháp luật về công tác bảo vệ môi trường (BVMT) chưa được chặt chẽ, nhận thức của người dân, cơ sở kinh doanh, doanh nghiệp chưa đầy đủ, năng lực kiểm soát và xử lý vi phạm hạn chế nên việc tuân thủ quy định liên quan đến bảo vệ môi trường (BVMT) là chưa cao. Quy trình đấu nối, xả thải chưa hoàn thiện và chưa được các cơ quan, đơn vị, người dân quan tâm đúng mức, nên việc đấu nối, xả thải còn mang tính tự phát, tùy tiện, không theo quy định, không có hồ sơ, bản vẽ.

“Tốc độ phát triển của các cơ sở kinh doanh dịch vụ khu vực ven biển phía Đông thời gian qua là rất nhanh, nhưng đến nay vẫn chưa tiến hành điều tra và khảo sát thống kê đầy đủ số lượng các điểm đấu nối, xả thải để phục vụ công tác quản lý”, ông Hùng cho biết. Thực tế hiện nay, việc quản lý đấu nối XLNT được thực hiện theo Quyết định 1350 ngày 9-3-2015 của UBND TP, quá trình triển khai thực hiện Quyết định này hiện bộc lộ nhiều bất cập, rườm rà, qua nhiều cửa, nhiều cơ quan xét duyệt khiến người dân, doanh nghiệp lúng túng.

Công tác kiểm tra hạn chế, cơ chế phối hợp còn nhiều bất cập, chưa quy định cụ thể ràng buộc trách nhiệm đơn vị, cá nhân liên quan nên hiệu quả công tác quản lý, giám sát chưa cao. Hiện nay, Công ty Thoát nước và XLNT là đơn vị được giao nhiệm vụ trực tiếp quản lý, vận hành hệ thống thoát nước đô thị và chịu trách nhiệm chính trong trường hợp nước thải chảy tràn ra biển gây ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, Công ty lại không có chức năng kiểm tra, xử lý vi phạm. Đội ngũ cán bộ thực thi nhiệm vụ kiểm tra, giám sát lĩnh vực này vừa thiếu lại vừa yếu, trong khi đó chế tài xử lý các vi phạm về BVMT chưa đủ sức răn đe.

Giải pháp nào?

Theo ông Tô Văn Hùng, trước hết về mặt nhận thức, các cấp, ngành và mọi tầng lớp nhân dân cần nâng cao nhận thức về công tác BVMT, nhất là môi trường biển của thành phố. “Bởi đây vừa là điều kiện, nguồn lực và là cơ hội quan trọng để có thể duy trì thương hiệu của thành phố đáng sống cũng như thu hút đầu tư trong thời gian đến”, ông Hùng nói.

Bên cạnh đó, cần tiếp cận phương thức phát triển hạ tầng hợp lý có vai trò quyết định đến sự phát triển bền vững của đô thị chứ không chỉ nhìn nhận trên giải pháp thiết kế hay quy hoạch. “Đây là khâu còn thiếu trong các chính sách quản lý phát triển đô thị, định hướng thiết kế, quy hoạch hiện nay”, ông Hùng nhìn nhận. Theo ông Hùng, thay vì thiết kế những cống thoát nước mưa lớn hơn để tránh ngập úng, thì cần thu gom nước mưa để tái sử dụng hoặc đưa nước mưa trở lại lòng đất tối đa. Các giải pháp đã được triển khai ở nhiều nước là xây dựng các bể chứa nước mưa lớn nơi công cộng, bể chứa nước mưa hộ gia đình, thay đổi lại các giải pháp thiết kế cấp nước trong công trình bằng việc xây dựng 2 hệ thống cấp (nước sạch và nước mưa tái sử dụng), các bề mặt nền, bãi đỗ xe mềm để nước có thể thấm xuống đất…

Về mặt kỹ thuật, ông Hùng đề nghị cần sớm hoàn chỉnh thiết kế đô thị khu vực làm cơ sở cấp phép xây dựng trên cơ sở đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật tại khu vực này. Đồng thời cần nghiên cứu quy định cụ thể ban hành hướng dẫn quy định về đấu nối nước thải (phải quy định cụ thể vị trí, biển báo, lắp đặt đồng hồ đo lưu lượng nước, thiết kế hố ga đấu nối bên ngoài tường rào để thuận tiện cho việc kiểm tra, giám sát của từng đơn vị; hoàn chỉnh bản vẽ, sơ đồ toàn bộ hệ thống thoát nước kể cả các vị trí đấu nối, thăm dò, làm cơ sở pháp lý để kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm… Ngoài ra, cần sớm nghiên cứu các giải pháp phân lưu, chia tách dòng, tăng khả năng lưu trữ nước thải trong hệ thống thoát nước một cách hợp lý. Giải pháp này sẽ giảm áp lực cho hệ thống thu gom nước thải chính ven biển hiện nay đã quá tải trong khi các dự án thu gom chưa được triển khai nhằm giảm thiểu nước thải tràn ra các cửa xả ven biển.

Về mặt quản lý, ngoài các giải pháp đã được quy định cụ thể, phân cấp cho các đơn vị, địa phương thì ông Hùng đề nghị cần xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, tiếp tục kiểm tra giám sát các đối tượng về sử dụng nước dưới đất, thoát nước, tuân thủ các quy định về BVMT. Đồng thời cần đẩy nhanh tiến độ các dự án đã có chủ trương đầu tư, hoàn thành theo đúng tiến độ đã cam kết. Tiếp tục nghiên cứu đầu tư hoàn thiện hệ thống đảm bảo hạ tầng kỹ thuật phù hợp với đô thị hiện đại và theo hướng sinh thái (tuần hoàn, tái sử dụng nước thải…).

* Khu vực ven biển phía Đông Đà Nẵng là nơi có mật độ các cơ sở lưu trú, dịch vụ lớn nhất thành phố, tập trung tại 2 quận Sơn Trà và Ngũ Hành Sơn với diện tích khoảng 1.130 ha. Theo thống kê của Sở Du lịch, toàn bộ khu vực có hơn 440 cơ sở lưu trú với tổng số khoảng 18.600 phòng và hơn 250 nhà hàng ở các trục đường chính.

Theo D.Hùng(CAND)

Theo Tạp chí Kinh tế Môi trường

Xem thêm

Liên kết