Với 5 trạm trung chuyển đang hoạt động gồm Lê Thanh Nghị, Chợ Đầu Mối, Nguyễn Đức Trung, Hòa An, Hòa Thọ, công suất hoạt động trung bình 72 tấn/ngày, toàn thành phố có 133 điểm tập kết thùng, trung chuyển rác tạm thời. Tuy vậy, tình trạng vệ sinh môi trường tại các điểm tập kết hiện nay chưa được giải quyết tốt. Ông Nguyễn Văn Thê, tổ trưởng tổ 4, phường Phước Mỹ, quận Sơn Trà, TP.Đà Nẵng cho biết, hàng ngày, chỉ có một chuyến xe thu gom rác là quá ít trong khi dân ở đây không có ý thức nên các điểm tập kết rác tạm thường xuyên ô nhiễm.
Gia tăng rác thải sinh hoạt trong thành phố đang gây áp lực lên các công nhân ngành môi trường |
“Rác luôn tràn thùng, nhếch nhác, hôi thối cả một khu phố. Người dân phản ánh rất nhiều lần nhưng Công ty Môi trường Đô thị không xử lý dứt điểm. Chúng tôi đề nghị Công ty di dời bãi rác tạm, buộc các doanh nghiệp đặt thùng rác ngay tại cơ sở của mình thay vì tập kết về đây hoặc tăng cường chuyến thu gom để hạn chế ô nhiễm” - ông Nguyễn Văn Thê kiến nghị.
Hay tại, khu vực đô thị mới Phước Lý (địa bàn giáp ranh giữa hai quận Liên Chiểu và Cẩm Lệ), Hòa Xuân… rác thải được tập kết rất bừa bãi. Có lúc tràn xuống cả lòng đường nhiều ngày nhưng không được thu gom kịp thời, các điểm thu gom không được vệ sinh sạch sẽ sau khi chuyển rác đi dẫn đến tình trạng rác tồn đọng, tràn ngập ra lòng, lề đường... gây bức xúc trong người dân.
Theo đại diện Sở TN&MT, gần đây, chất thải trong sinh hoạt gia tăng nhưng nguồn lực, phương tiện thu gom, vận chuyển của Công ty CP Môi trường Đô thị Đà Nẵng chưa tương xứng với sự phát triển đô thị, mở rộng địa bàn thu gom. Giai đoạn 2012 - 2017, thành phố triển khai Đề án “Thu gom rác theo giờ” đạt hiệu quả. Nhưng đến năm 2018, việc triển khai Đề án bị gián đoạn vì không đủ kinh phí, Công ty CP Môi trường đô thị phải quay trở lại hình thu gom bằng các phương tiện thô sơ. Điều này làm tăng thêm những tồn tại, hạn chế công tác thu gom chất thải sinh hoạt.
Cả thành phố hiện chỉ có 1 Khu Xử lý chất thải Khánh Sơn với công nghệ xử lý chôn lấp. Với lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh như hiện nay, Công ty CP Môi trường Đô thị Đà Nẵng tính toán, khoảng cuối năm 2019 - đầu năm 2020 nếu không thực hiện các giải pháp nâng cấp, cải tạo, các ô rác sẽ đạt cao trình thiết kế. Do đó, thành phố sẽ phải đối mặt với vấn đề an ninh rác vô cùng nghiêm trọng, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội, du lịch, mỹ quan đô thị và hình ảnh thành phố.
Ông Phan Thanh Phúc - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty CP Môi trường Đô thị Đà Nẵng cho biết, bãi rác Khánh Sơn do Dự án Thoát nước và vệ sinh Môi trường TP.Đà Nẵng đầu tư xây dựng từ nguồn vốn vay ODA của Ngân hàng Thế giới và bàn giao cho Công ty vận hành từ năm 2007. Sau hơn 10 năm hoạt động, lượng rác chôn lấp hơn 4 triệu tấn chất thải rắn thông thường (sinh hoạt, công nghiệp không nguy hại, y tế không nguy hại, bùn từ hệ thống thoát nước...). Qua tính toán sơ bộ của Công ty, khả năng đến tháng 9/2019 bãi rác Khánh Sơn sẽ đạt cao trình theo hướng dẫn vận hành của Ngân hàng Thế giới.
“Để tăng sức chứa của bãi rác Khánh Sơn cho đến khi các dự án về xử lý chất thải rắn được đầu tư đưa vào sử dụng, theo chỉ đạo của UBND thành phố, Công ty Môi trường Đô thị Đà Nẵng đã thuê đơn vị tư vấn lập phương án nâng cao trình bãi rác, đồng thời, nghiên cứu thay thế việc phủ lớp rác đã đạt cao trình bằng đất có độ dày 0,2m lớp bằng vật liệu khác để giảm chiều cao, tăng sức chứa bãi rác để trình Sở TN&MT báo cáo UBND thành phố” - ông Phúc cho biết.
Được biết, tháng 4/2019, TP.Đà Nẵng đã ban hành Kế hoạch triển khai phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn toàn thành phố đến năm 2025 với mục tiêu phấn đấu là tỷ lệ chất thải rắn được tái sử dụng, tái chế đạt ít nhất 12% vào năm 2020 và 15% vào năm 2025.
Bên cạnh đó, TP.Đà Nẵng đang tích cực hưởng ứng Phong trào “Chống rác thải nhựa”, từ tháng 10/2018, với sự phát động của Bộ TN&MT. Gần một năm thực hiện, phong trào bước đầu đã có nhiều hoạt động, hình thức tiêu biểu, đặc biệt sự tham gia, hưởng ứng tích cực của các tổ chức, cộng đồng và người dân; đã có những doanh nghiệp tiên phong trong các sáng kiến, lồng ghép các hoạt động giảm thiểu nhựa dùng một lần vào chiến lược phát triển và coi đó là giá trị cốt lõi cho sự phát triển doanh nghiệp. Tuy vậy, số lượng doanh nghiệp vẫn còn hạn chế, do đó, việc huy động thêm các doanh nghiệp khác cùng tham gia trong thời gian sắp tới là vô cùng cần thiết...