Đô thị xanh hướng phát triển bền vững đi vào cuộc sống

Phát triển ‘đô thị xanh’ là giải pháp giúp các thành phố Việt Nam phát triển thịnh vượng, bền vững, có bản sắc và thân thiện với môi trường.
Phát triển 'đô thị xanh' trong lòng Thành phố Hồ Chí MinhDoanh nghiệp trụ lại trong bối cảnh đại dịch nhờ định hướng con đường phát triển bền vữngHoàn thiện hệ thống pháp luật về môi trường, hướng đến phát triển bền vữngĐảm bảo an ninh nguồn nước vì sự phát triển bền vững

Phát triển đô thị xanh là xu hướng phát triển đặc biệt thích hợp với các đô thị có lợi thế về khí hậu và địa hình tự nhiên phong phú, đa dạng. Điều này đang phụ thuộc về các đô thị trung bình và đô thị nhỏ với lợi thế dễ dàng phát triển thành các đô thị du lịch, đô thị truyền thống làng nghề, cho phép khai thác tài nguyên thiên nhiên một cách bền vững, hạn chế xây dựng mà vẫn tạo nguồn lực phát triển đô thị, hạn chế việc khai thác tài nguyên theo kiểu làm gia tăng các quỹ đất dành cho xây dựng, dẫn đến bê tông hóa bề mặt đô thị.

tm-img-alt

Đô thị xanh trên thế giới

Thái Lan là một trong số ít quốc gia đề xuất vấn đề đô thị xanh từ rất sớm. Đất nước này đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng môi trường, đó là hậu quả của quá trình tăng trưởng kinh tế và dân số nóng. Đi kèm theo đó là quá trình đô thị mở rộng và thay đổi nhanh. Ngoài ra, công nghệ hiện đại đã gây ra những vấn đề ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và đang diễn ra tại hầu hết các TP, ảnh hưởng đến điều kiện sống của dân cư đô thị. Vì vậy, chính quyền địa phương trong từng TP cụ thể ngoài đáp ứng nhu cầu hạ tầng và dịch vụ công cộng, phải đóng một vai trò quan trọng hơn trong quản lý môi trường đô thị bằng cách xây dựng kiến thức, kỹ thuật và phương pháp luận, tiêu chuẩn chung, để giảm bớt các vấn đề ô nhiễm môi trường.

Gần đây tại Hàn Quốc vấn đề đô thị xanh đã được đề cập trong quy hoạch đô thị xanh hàm lượng carbon thấp. Quy hoạch này bao gồm cả quy hoạch cơ bản và kế hoạch quản lý đô thị nhằm đối phó với thảm họa môi trường tự nhiên do biến đổi khí hậu bằng cách phát triển không gian đô thị xanh với hàm lượng carbon thấp. Nội dung của quy hoạch: Mô tả hiện trạng cũng như dự báo về hiệu ứng nhà kính; thiết lập kế hoạch để ứng phó với vấn đề biến đổi khí hậu. Quy hoạch này đã được áp dụng trong khảo sát, lập quy hoạch chiến lược không gian xây dựng đảo Ulleung-gun xanh.

Có 7 Tiêu chí đô thị xanh mà các nước châu Âu hiện đang áp dụng:

1. Không gian xanh: Đô thị có mật độ cây xanh cao, tỉ lệ cây xanh/đầu người cao, không gian công cộng, không gian công viên, mặt nước được được đảm bào.

2. Công trình xanh: Xanh hóa công trình, công trình dung vật liệu xanh, tiết kiệm năng lượng, sử dụng năng lượng tái tạo, thân thiện môi trường.

3. Giao thông xanh: Nâng cao tỉ lệ giao thông công cộng, giảm sử dụng các phương tiện cá nhân, giảm khí thải CO2. Sử dụng các phương tiện giao thông không thải khí độc.

4. Công nghiệp xanh: Công nghiệp công nghệ cao, công nghệ sạch, hạn chế ônhiễm.

5. Chất lượng môi trường đô thị xanh: Môi trường không khí sạch, giảm rác thải, khói, bụi, độ ồn trong đô thị.

6. Bảo tồn cảnh quan văn hóa lịch sử danh lam thắng cảnh, cảnh quan thiên nhiên.

7. Cộng đồng dân cư sống thân thiện với môi trường.

Đô thị xanh ở Việt Nam

Trong những năm gần đây vấn đề quy hoạch đô thị xanh thị đã có những chuyển biến tích cực, chính quyền các đô thị đã dần nhận ra vai trò của không gian xanh đô thị trong gắn kết hài hòa các yếu tố tự nhiên - con người - xã hội, cải thiện nâng cao chất lượng môi trường sống và cảnh quan đô thị, dần trở thành mục tiêu trọng tâm hàng đầu trong quy hoạch phát triển đô thị theo hướng bền vững. “Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050” là một điển hình về quy hoạch đô thị xanh ở Việt Nam.

Mục tiêu tổng quát của Chương trình nhằm tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết và Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết và Văn kiện Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội, nhiệm kỳ 2020 – 2025. Phát triển Thủ đô nhanh và bền vững theo hướng đô thị xanh, thành phố thông minh, hiện đại. Đẩy mạnh công tác quy hoạch, tạo tiền đề cho công tác quản lý đất đai, đầu tư, xây dựng, phát triển đô thị theo quy hoạch. Quản lý, sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên; chú trọng tạo lập, gìn giữ và bảo vệ môi trường xanh, sạch, đẹp. Chủ động phòng, chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn, ứng phó biến đổi khí hậu tạo lập môi trường sống an toàn, văn minh, hiện đại.

Chương trình đề ra một số chỉ tiêu chủ yếu:

Về công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch: tỉ lệ diện tích phủ kín của các quy hoạch phân khu đô thị 100%; tỉ lệ phủ kín Quy hoạch xây dựng vùng huyện (các huyện có trên 30% diện tích tự nhiên nằm ngoài phạm vi phát triển đô thị) 100%; tỉ lệ hoàn thành rà soát, điều chỉnh các quy hoạch chung xây dựng xã 100%.

Về quản lý, sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường: tỉ lệ thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị và nông thôn bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn 100%; tỉ lệ chất thải nguy hại được xử lý 100%; tỉ lệ chất thải y tế được xử lý đạt tiêu chuẩn môi trường 100%; tỉ lệ cụm công nghiệp, cụm công nghiệp làng nghề (đang hoạt động và xây dựng mới) có trạm xử lý nước thải 100%; tỉ lệ nước thải đô thị được xử lý 50-55%; Diện tích cây xanh bình quân đầu người khu vực đô thị năm 2025 là 7,8 - 8,1 m2/người; tăng cường trồng hoa, cây xanh khu vực trống ở nông thôn.

Về phòng, chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn, ứng phó biến đổi khí hậu: Đảm bảo an toàn tuyệt đối cho các tuyến để tương ứng với mực nước lũ thiết kế trên sông Hồng, sông Đà, sông Đuống, sông Đáy,...; Đảm bảo thoát nước khu vực nội thành nhanh về các nguồn tiêu với trận mưa có cường độ dưới 100 mm/2h (đối với hệ thống cống) và dưới 310 mm/2 ngày (đối với toàn bộ hệ thống); Triển khai chống úng thắng lợi cho khu vực ngoại thành khi có mưa dưới 300 mm/3 ngày vào giữa vụ; đảm bảo an toàn công trình thủy lợi ở mức thiết kế; Kiềm chế số vụ cháy, nổ, sự cố, tai nạn xảy ra, trong đó số vụ cháy lớn, cháy nghiêm trọng, cháy lớn gây thiệt hại nghiêm trọng không quá 3% tổng số vụ cháy.

Về lộ trình tổ chức thực hiện, năm 2021, tổ chức phổ biến, quán triệt nội dung chương trình đến các cấp ủy và cơ quan, đơn vị trong toàn Thành phố; xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện trong cả nhiệm kỳ; triển khai nghiên cứu, xây dựng các kế hoạch, đề án, dự án, chuyên đề, cụ thể hóa thực hiện Chương trình.

Từ năm 2021 đến năm 2024: tập trung tổ chức thực hiện các đề án, dự án, chuyên đề, kế hoạch công tác; tổ chức kiểm tra, đánh giá, báo cáo kết quả thực hiện Chương trình hàng năm; sơ kết thực hiện Chương trình. Năm 2025, tổ chức kiểm tra, đánh giá, tổng kết thực hiện Chương trình.

tm-img-alt

Vấn đề đô thị xanh được xem là trọng tâm và mục tiêu phát triển trong quy hoạch của nhiều TP trên thế giới nhằm cải thiện môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống, thích ứng với biến đổi khí hậu trong giai đoạn mới. Tuy nhiên khái niệm về đô thị xanh vẫn còn khá mới mẻ ở Việt Nam. Vì vậy cần nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm quốc tế để đưa ra được khái niệm và các tiêu chuẩn về đô thị xanh áp dụng cho các đô thị Việt Nam.

Phát triển đô thị tăng trưởng xanh ở Việt Nam nhằm thúc đẩy chuyển dịch mô hình tăng trưởng kinh tế đô thị theo hướng tăng trưởng xanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, đảm bảo phát triển kinh tế khu vực đô thị nhanh, hiệu quả, bền vững, góp phần tạo việc làm, xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân, nâng cao năng lực chống chịu ứng phó biến đổi khí hậu của hệ thống các đô thị, đóng góp cho cam kết quốc gia về giảm phát thải khí nhà kính.

Cần rà soát lại hệ thống văn bản pháp luật, quy chuẩn, tiêu chuẩn để bổ sung và hoàn thiện hơn nữa nhằm đáp ứng được nhu cầu phát triển đô thị xanh hiện tại và tương lai. Ngoài cây xanh công cộng, cần quan tâm hơn nữa đến hệ thống cây xanh nằm trong các công trình tư nhân như nhà ở đơn lẻ, cơ quan... Xác định thêm vai trò của sân golf trong đô thị xanh ở hiện tại và tương lai.

Quy hoạch đô thị cần phải đặt yếu tố xanh lên hàng đầu. Không gian xanh đô thị không chỉ có cây xanh đường phố, công viên mặt nước mà cần phải có cái nhìn toàn diện hơn bao gồm các hành lang xanh, vành đai xanh, nêm xanh, thị trấn sinh thái, công viên sinh thái, khu sản xuất nông nghiệp chất lượng cao, vùng trồng hoa, vùng bảo tồn cây xanh, trục xanh cảnh quan... Cần phải nhận thức đầy đủ các yếu tố trên trong quy hoạch và quản lý quy hoạch không gian xanh của đô thị xanh hiện đại.

Cấu trúc của hệ thống giao thông đô thị sẽ quyết định tới khả năng khia thác và sử dụng đất, đồng thời cơ cấu sử dụng đất sẽ quyết định tới nhu cầu đi lại. Đặc biệt, để phát triển một đô thị xanh, điều kiện tiên quyết chính là ngay trong công tác quy hoạch cần phải có sự thống nhất và định hướng rõ nhằm đem lại hiệu quả cao, quy định quỹ đất cây xanh và mặt nước hay trong hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hướng tới tính tiện ích và hiện đại, phù hợp với nhu cầu sinh hoạt đi lại của người dân, việc tuyên truyền, vận động khuyến khích cộng đồng xã hội tham gia phát triển đô thị xanh, xây dựng nếp sống văn minh đô thị, bảo vệ môi trường sống cũng là một trong những yếu tố quan trọng để phát triển đô thị xanh.

Thanh Thúy

Theo Tạp chí Kinh tế Môi trường

Xem thêm

Liên kết