Doanh nghiệp đồng hành trong việc hiện thực hóa cam kết Net Zero

Trong bối cảnh thế giới cùng thực hiện các cam kết quốc tế, doanh nghiệp sẽ có thể tiếp cận các nguồn tài chính xanh, công nghệ tiên tiến cùng các giải pháp đổi mới sáng tạo và nâng cao uy tín thương hiệu.
Thanh niên Việt Nam là lực lượng nòng cốt trong việc ứng phó với biến đổi khí hậuThúc đẩy dự án hợp tác hỗ trợ khả năng thích ứng của ĐBSCL trước biến đổi khí hậuViệt Nam cam kết chủ động thích ứng hiệu quả với biến đổi khí hậuTăng cường trao đổi quốc tế, hành động mạnh mẽ vì các mục tiêu khí hậu

Chiến lược phát triển cho nhiều doanh nghiệp

Biến đổi khí hậu là thách thức nghiêm trọng toàn cầu. Việt Nam là một trong các quốc gia đang phát triển, chịu ảnh hưởng nặng nề bởi tác động của biến đổi khí hậu. Cùng với hơn 100 quốc gia, Việt Nam đã tham gia Tuyên bố Glassgow của các nhà lãnh đạo về rừng và sử dụng đất; cùng 48 quốc gia tham gia Tuyên bố toàn cầu về chuyển đổi điện than sang năng lượng sạch; cùng 150 quốc gia tham gia Liên minh hành động 2 thích ứng an toàn…

Báo cáo Quốc gia về khí hậu và phát triển vào tháng 7/2022 nêu rõ, hiện nay 100 triệu người Việt Nam nằm trong nhóm đối tượng dễ bị tổn thương nhất trên thế giới trước sự tàn phá của biến đổi khí hậu, đe dọa mục tiêu trở thành nền kinh tế có thu nhập cao vào năm 2045.

Gần một năm kể từ tuyên bố cam kết đạt Phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 của Thủ tướng Chính phủ, Việt Nam đã và đang tích cực triển khai các công tác cập nhật chính sách, chiến lược quốc gia trong công tác ứng phó với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính.

Doanh nghiệp đồng hành trong tiến trình hiện thực hóa cam kết Net Zero - Ảnh 1
Vấn đề phát triển bền vững đã và đang trở thành chiến lược được nhiều doanh nghiệp trên thị trường quốc tế lựa chọn. (Ảnh minh họa)

Theo PGS.TS Nguyễn Văn Thắng, Viện trưởng Viện Khoa học KTTV&BĐKH, Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050 đặt mục tiêu: Chủ động thích ứng hiệu quả, giảm mức độ dễ bị tổn thương, tổn thất và thiệt hại do biến đổi khí hậu; giảm phát thải khí nhà kính theo mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, hệ thống khí hậu trái đất; tận dụng cơ hội từ ứng phó biến đổi khí hậu đóng góp tích cực và trách nhiệm với cộng đồng quốc tế trong bảo vệ để chuyển dịch mô hình tăng trưởng, nâng cao sức chống chịu và cạnh tranh của nền kinh tế. Để đạt được mục tiêu này cần sự quyết tâm rất lớn từ tất cả các Bộ, ngành, địa phương và đặc biệt là khu vực tư nhân.

Phát biểu tại Hội thảo “Tư duy lãnh đạo và Thực thi quản trị hiệu quả về Biến đổi khí hậu gắn với Phát triển bền vững” Deloitte Việt Nam diễn ra mới đây, ông Vũ Chí Dũng, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Uỷ ban chứng khoán Nhà nước) nhấn mạnh: “Vấn đề phát triển bền vững đã và đang trở thành chiến lược được nhiều doanh nghiệp trên thị trường quốc tế lựa chọn. Trong đó đề cao chính sách quản lý rủi ro về môi trường và xã hội cũng như công bố thông tin về cách thức doanh nghiệp quản lý các vấn đề này. Tuy nhiên đây lại là một vấn đề tương đối mới mẻ đối với thị trường Việt Nam”.

Theo ông Đặng Hoài Nam, Phó Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh TP Hồ Chí Minh, phần lớn khối doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn đang đứng ngoài cuộc, trong khi khối này chiếm tới 96,7% số lượng doanh nghiệp trên cả nước. Đây chính là đối tượng cần được hỗ trợ để thúc đẩy thực hiện giảm phát thải khí nhà kính trong thời gian tới.

Tại Việt Nam, thực tế mới chỉ có một phần doanh nghiệp lớn cùng số ít doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia thực hiện mục tiêu Net Zero.

Trong bối cảnh thế giới cùng thực hiện các cam kết quốc tế, doanh nghiệp sẽ có thể tiếp cận các nguồn tài chính xanh, công nghệ tiên tiến cùng các giải pháp đổi mới sáng tạo, nghiên cứu và phát triển, cải tiến, đổi mới mô hình sản xuất và nâng cao uy tín thương hiệu.

Đây chính là tiền đề cho phát triển bền vững. Các doanh nghiệp cần chủ động thúc đẩy các sáng kiến để thực hiện mục tiêu Net Zero, ưu tiên sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, sử dụng năng lượng tái tạo và giảm phát thải ra môi trường. Khi đó, lợi ích thấy rõ là chi phí tiêu thụ điện năng giảm; giảm nhiệt độ cho nhà xưởng, công trình; nâng cao uy tín bảo và bảo vệ môi trường của doanh nghiệp và góp phần cung cấp thêm năng lượng cho điện lưới quốc gia khi không dùng hết.

Luật hóa các cam kết khí hậu

Cùng với cam kết phát thải ròng bằng “0” của Chính phủ, hệ thống quy định pháp luật sẽ tiếp tục được kiện toàn, theo đó, đây cũng chính là con đường tất yếu và là một cơ hội trên hành trình phát triển doanh nghiệp một cách bền vững.

Trong những năm gần đây, nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, các Bộ, ngành cũng đặt ra mục tiêu phát triển thị trường tín dụng xanh, trái phiếu xanh như Chiến lược Quốc gia về tăng trưởng xanh.

Đặc biệt, Luật Bảo vệ môi trường 2020 lần đầu tiên đưa quy định về tín dụng xanh và trái phiếu xanh và Nghị định số 08/2022/NĐ-CP Quy định một số điều của Luật Bảo vệ môi trường đã quy định chi tiết về lộ trình, cơ chế khuyến khích cấp tín dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh.

Cũng theo Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế Uỷ ban chứng khoán Nhà nước Vũ Chí Dũng, trong bối cảnh nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đóng vai trò rất quan trọng bởi doanh nghiệp vừa là chủ thể chịu tác động của biến đổi khí hậu vừa là đối tượng quan trọng trực tiếp tham gia.

Vì vậy, việc thực hiện tốt công tác quản trị chống biến đổi khí hậu và có trách nhiệm với xã hội không phải chỉ là trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp mà thực sự đã trở thành một yếu tố giúp doanh nghiệp nâng cao khả năng cạnh tranh, đảm bảo phát triển bền vững.

Bên cạnh đó, thông tin về phát thải khí nhà kính là thông tin mà các doanh nghiệp niêm yết sẽ phải đưa ra trong báo cáo năm nay. Việc công bố thông tin liên quan đến môi trường cũng sẽ ngày càng chặt chẽ hơn trong bối cảnh chính phủ, nhà đầu tư và cả công chúng đòi hỏi doanh nghiệp nâng cao tiêu chuẩn môi trường – trách nhiệm – xã hội (ESG).

Các chuyên gia cũng đồng ý với nhận định cho rằng, doanh nghiệp Việt Nam cần nhanh chóng xây dựng chiến lược, quan tâm đến yếu tố ESG trong quá trình phát triển, như là một yếu tố quan trọng và trọng tâm để có thể thu hút nguồn lực đầu tư dài hạn.

Chia sẻ kinh nghiệm về việc tham gia tiến trình Net Zero, ông Daisuke Hori, Tổng giám đốc ESPON Việt Nam cho biết, Tập đoàn ESPON đã đề ra lộ trình giảm phát thải đến năm 2030 và năm 2050, tập trung vào 4 vấn đề: Giảm dấu chân các-bon trong các hoạt động sản xuất và vận hành; làm mới sản phẩm, tái sử dụng và tái chế vật liệu; giảm nhẹ tác động của khách hàng tới môi trường bằng cách làm ra các sản phẩm thân thiện môi trường; hợp tác sản xuất các vật liệu sinh thái. Rất nhiều nhà máy lớn của ESPON hiện đã chuyển đổi hoàn toàn sản xuất bằng năng lượng tái tạo. Việc có một kế hoạch với tầm nhìn dài hạn sẽ giúp doanh nghiệp định hướng các hoạt động một cách tập trung hơn.

Lan Anh