Một diện tích nghệ năm 2019 của người dân thôn Thôm Mèo đã trồng theo sự vận động của công ty nhưng đến nay vẫn chưa ký hợp đồng bao tiêu. |
Năm 2017, CTCP Nông sản Bắc Kạn (công ty) phối hợp Hội Nông dân tỉnh Bắc Kạn vận động nhân dân ở các xã Bộc Bố, Xuân La, Cổ Linh… của huyện Pác Nặm trồng nghệ. Sau vụ đầu thu mua đầy đủ do diện tích ít, đến năm 2018, công ty ký hợp đồng với dân, mở rộng diện tích lên tới gần 60ha. Công ty cam kết hướng dẫn kỹ thuật, bao tiêu nghệ củ với giá thu mua 5.500 đồng/kg. Vì vậy,người dân phấn khởi trồng, chăm sóc. Đến kỳ thu hoạch, công ty tới gom nghệ củ chở đi nhưng chỉ trả một ít tiền. Đến nay, sản lượng nghệ củ năm 2018 hơn 1.000 tấn, trong đó phần lớn công ty đã thu gom, chế biến, bán lấy tiền nhưng vẫn nợ dân hơn 1,7 tỉ đồng.
Dẫn chúng tôi ra ruộng nghệ vụ 2019, Tổ trưởng trồng nghệ thôn Thôm Mèo (xã Xuân La) Cà Thị Sen cho biết, tiền vụ trước còn chưa thấy đâu, không biết vụ này sẽ thế nào nữa. Năm 2018, với trách nhiệm là Chi hội trưởng nông dân, theo chỉ đạo của Hội Nông dân huyện, chị Sen đứng ra vận động 54 hộ trong thôn tham gia trồng nghệ cho công ty với diện tích hơn 10ha. Sản lượng nghệ củ thu hoạch hơn 100 tấn, với giá thu mua 5.500 đồng/kg, bà con hứa hẹn sẽ thu về hơn 500 triệu đồng. Nghệ củ thì công ty đã chở đi, đến nay đã qua gần một năm nhưng công ty mới chỉ trả cho dân 150 triệu đồng, số còn lại vẫn bặt vô âm tín.
Mặc dù vậy, năm 2019, công ty vẫn tiếp tục hứa hẹn, vận động nhân dân thôn Thôm Mèo trồng thêm tới 20ha nữa. Chị Sen cho biết thêm, là Chi hội trưởng nông dân, trực tiếp đứng ra vận động, giờ chị không biết ăn nói thế nào với nhân dân. Trước đây, công ty có hứa là đến 15-10 sẽ trả hết tiền nhưng giờ đã là tháng 11 rồi mà vẫn chưa thấy đâu. Chưa kể diện tích trồng mới năm 2019, công ty vận động, hứa hẹn nhưng đến nay vẫn chưa ký hợp đồng.
Tìm hiểu được biết, vụ trồng nghệ năm 2018, Hội Nông dân tỉnh đã phối hợp công ty tuyên truyền, vận động nông dân trồng nghệ theo hướng hữu cơ tại huyện Pác Nặm trên địa bàn các xã Bộc Bố, Giáo Hiệu, Nhạn Môn, Cao Tân, Cổ Linh, Công Bằng, Xuân La và Nghiên Loan với 20 tổ hợp tác tham gia trồng hơn 54 ha. Công ty đã ký kết hợp đồng thu mua sản phẩm củ nghệ với các tổ hợp tác, thời điểm kết thúc hợp đồng là ngày 30/4/2019. Theo hợp đồng bao tiêu, sau khi công ty thu mua 15 ngày sẽ thanh toán tiền cho người dân, nhưng đến nay đã quá gần một năm, dân vẫn chưa nhận đủ.
Trước sự lo lắng, bức xúc của người dân, ngày 9/8, chính quyền huyện Pác Nặm đã có buổi làm việc với công ty này và nhận được cam kết sẽ thanh toán toàn bộ tiền nợ cho người dân xong trước ngày 15/10. Tuy nhiên, hiện nay đã quá thời hạn nhưng công ty mới chi trả cho người dân được thêm hơn 100 triệu đồng.
Lý giải việc chậm trễ này với huyện Pác Nặm, công ty cho rằng, chất lượng củ nghệ năm 2018 không được tốt, hàm lượng Curcumin trong củ thấp hơn so mọi năm nên một số đối tác của công ty hạn chế nhập sản phẩm, một số sản phẩm bán ra trên thị trường chậm nên việc quay vòng đồng vốn có chậm hơn so cam kết đã thực hiện với người dân.
Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Đình Điệp cho biết, huyện đã nhiều lần đôn đốc nhưng công ty vẫn chưa trả cho dân. Công ty tiếp tục hứa hẹn sẽ ký hợp đồng bao tiêu đối với diện tích đã trồng năm 2019 nhưng đến nay vẫn chưa ký. Diện tích năm nay lên tới 70ha là rất lớn, sản lượng nghệ củ sẽ khoảng 1.400 tấn, tương đương giá trị hơn 7 tỉ đồng. Huyện đã chủ động liên hệ một số doanh nghiệp tại Hà Nội, Hưng Yên để bao tiêu và sẽ sớm làm việc, thống nhất phương án, giá cả để thu mua nghệ củ cho nhân dân.
Việc phối hợp, liên kết để nhân dân phát triển sản xuất là điều cần được khuyến khích. Tuy nhiên, việc chậm trả nợ của công ty nói trên đang gây khó khăn cho người dân, cũng cần sớm có biện pháp xử lý, giải quyết dứt điểm.