Trên cơ sở báo cáo về kết quả kiểm tra chất lượng nước sạch sông Đà của Sở Y tế Hà Nội công bố trong chiều 20/10, Sở Xây dựng khẳng định nguồn nước này hoàn toàn có thể dùng được trong ăn uống.
Theo Sở Xây dựng Hà Nội, đến ngày 20/10, các kết quả xét nghiệm mẫu nước trong những ngày qua tại các vị trí, từ đầu nguồn cấp, nhà máy, các bể chứa tăng áp, đến hộ dân đều đạt quy chuẩn chất lượng nước ăn uống của Bộ Y tế.
Chiều 20/10, Sở Y tế Hà Nội tiếp tục có thông tin nhanh về kết quả kiểm tra chất lượng nước sạch của Nhà máy nước sông Đà.
Theo đó, các mẫu nước được Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội lấy vào ngày 19/10, tại các vị trí: Mẫu nước thành phẩm tại nhà máy, bể chứa trung gian tại xã Yên Bình (Thạch Thất), trạm điều tiết Tây Mỗ, họng kiểm soát 1.200 BigC.
Ngoài ra, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội cũng lấy thêm 15 mẫu nước tại các chung cư, hộ gia đình sử dụng nước trong mạng cấp của Công ty Nước sạch sông Đà thuộc 4 quận huyện: Thanh Xuân (Thanh Xuân Trung), Cầu Giấy (Trung Hòa, Mai Dịch), Nam Từ Liêm (Phương Canh, Mễ Trì, Đại Mỗ) và Hoài Đức (Di Trạch, Đức Thượng, Vân Côn).
Kết quả tất cả các mẫu đều đạt quy chuẩn về styren theo QCVN 01:2009/BYT. Đây là kết quả của Viện Công nghệ Môi trường - Viện Hàn lâm khoa học Việt Nam cung cấp.
Hà Nội rơi vào khủng hoảng nước trong tuần qua. Ảnh: Internet. |
Lên án nhưng vẫn phải dùng
Sau hàng loạt bê bối (nước nhiễm dầu và 22 lần vỡ đường ống dẫn nước) của Nhà máy nước sạch sông Đà làm ảnh hưởng cuộc sống người dân Hà Nội, Công ty nước sạch sông Đà đã từng bị dư luận lên án gay gắt. Thế nhưng, lên án thì dễ, không dùng nước của họ thì biết dùng nước của ai?
Thực tế có thể thấy, những ngày qua, khi Công ty nước sạch sông Đà (Viwasupco) tạm ngừng cung cấp nước, hàng ngàn hộ dân tại các quận Thanh Xuân, Hoàng Mai, Nam Từ Liêm,... đã rơi vào cơn khủng hoảng nước. Sở dĩ có sự khủng hoảng ở đây là vị thế độc quyền cung cấp nước nguồn của Viwasupco.
Theo báo cáo thường niên, Viwasupco là đầu mối cấp nước cho toàn bộ khu vực Tây Nam Hà Nội, gồm 3 quận Thanh Xuân, Hoàng Mai, Hà Đông, một phần quận Cầu Giấy, Đống Đa, Nam Từ Liêm và một số đơn vị nằm dọc hệ thống truyền tải nước Đại lộ Thăng Long. Công ty bán nước cho 13 khách hàng, trong đó 90% lượng nước bán cho 3 khách hàng lớn nhất là Viwaco, Hawaco và Nước sạch Hà Đông.
Nhờ tính độc quyền khu vực, Viwasupco có hoạt động kinh doanh tương đối ổn định với doanh thu hàng năm trên 400 tỉ đồng. Biên lợi nhuận gộp của công ty cũng ở mức cao khoảng 55%, tương đương một số công ty lớn khác như Biwase hay Nước Thủ Dầu Một. Lợi nhuận sau thuế của công ty tăng trưởng khá đều và đạt kỷ lục 219 tỉ đồng trong năm 2018.
Nhìn vào đây có thể thấy “sức khỏe” kinh doanh của công ty này vẫn rất tốt, cho dù trước khi có sự việc “nước có mùi lạ” tại Hà Nội thì Viwasupco đã từng là trung tâm của một cơn cuồng nộ không kém - đường ống cấp nước bị vỡ 22 lần, trở thành một vụ án hình sự.
Hiện, Viwasupco là đơn vị vận hành Nhà máy nước mặt sông Đà có công suất thiết kế 300.000 m3/ngày và đang đầu tư giai đoạn II để nâng công suất lên 600.000 m3/ngày. Năm ngoái, tổng sản lượng tiêu thụ nước sạch của công ty mới chỉ đạt đến 91 triệu m3 (tương đương 250.000 m3/ngày), nghĩa là chưa vận dụng hết công suất của giai đoạn 1.
Làm thế nào để tránh “độc quyền”?
Theo các chuyên gia môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), Bộ Y tế đều có quy định để kiểm soát nguồn nước. Thông tư 24 của Bộ TN&MT quy định việc xác định và công bố vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt, phạm vi vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt của công trình khai thác nước mặt đã được quy định rất rõ với khoảng cách từ 1.000-1.500 m tùy theo quy mô công trình.
Thông tư 41 của Bộ Y tế đưa ra các quy chuẩn về giám sát chất lượng nước sinh hoạt. Trước khi đưa nguồn nước vào sử dụng phải xét nghiệm tất cả các chỉ tiêu theo quy chuẩn của Bộ Y tế. Khi xảy ra sự cố phải thông báo chất lượng nước hằng ngày cho cơ quan quản lý và khách hàng.
Trao đổi với báo Tiền phong, ông Nguyễn Xuân Lai - Phó Chủ tịch, kiêm Tổng Thư ký Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam cho rằng, mặc dù nước là loại hình đặc thù nhưng không phải vì thế mà chỉ cho 1 doanh nghiệp làm, khiến người dân không có quyền lựa chọn. Như vậy khi xảy ra sự cố, người dân chỉ có 2 phương án: Một là ngưng dùng nước, hai là chấp nhận dùng nước không an toàn. Vấn đề đặt ra là tránh “độc quyền” cung cấp nước.
Theo quy hoạch cấp nước Thủ đô Hà Nội đến 2030, tầm nhìn 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt dự báo đến 2030, nhu cầu nước của Hà Nội đạt 1.939.000 m3/ngày đêm; tới năm 2050 dự báo đạt 2.576.000 m3/ngày đêm.
Trong đó, nguồn cung cấp nước đến từ 3 nhà máy nước mặt Sông Đà, Sông Hồng và Sông Đuống (phần cấp cho Hà Nội). Địa bàn cung cấp và mục tiêu nâng cấp công suất cho các nhà máy cũng được xác định rõ.
Cụ thể, tới năm 2020, Nhà máy nước sông Đà dự kiến sẽ khai thác lưu lượng 600.000 m3/ngày đêm; Nhà máy nước sông Hồng khai thác với lưu lượng 300.000 m3/ngày đêm và Nhà máy nước sông Đuống (phần cấp cho Hà Nội) là 240.000 m3/ngày đêm.
Tuy nhiên, mới đây, trao đổi với báo chí, bà Đỗ Thị Kim Liên – Chủ tịch HĐQT CTCP nước mặt sông Đuống cho biết, hiện mỗi ngày Hà Nội mới mua được lượng nước tương đương khoảng 1/3 công suất của Nhà máy và mua “chập chờn” chứ không đều đặn.
Nhà máy nước mặt Sông Đuống có công suất 300.000m3/ngày. |
Trong khi đó, Nhà máy nước mặt Sông Đuống có công suất 300.000m3/ngày. Như vậy có thể thấy, nếu đấu nối liên thông được hệ thống cấp nước sạch thì công suất cấp của Nhà máy nước mặt sông Đuống thừa khả năng đáp ứng lượng thiếu hụt nước sạch do Nhà máy sông Đà ngừng cấp (40.000m3/ngày).
Theo bà Liên, Hà Nội mới chỉ mua 1/3 công suất 300.000m3/ ngày của Nhà nước mặt sông Đuống và lại không thường xuyên, trong khi nhà máy này đang thừa sức cung cấp. Lý do theo bà Liên là Hà Nội hiện chưa có giá mua nước chính thức của Nhà máy nước mặt sông Đuống.
Bên cạnh đó, giá nước mà Nhà máy bán cho các doanh nghiệp kinh doanh nước sạch thuộc Hà Nội vẫn đang là giá tạm tính. Các doanh nghiệp này mua nước “chập chờn” vì lo ngại chưa có giá nước bán sỉ chính thức.