Phát triển kinh tế xã hội đảm bảo phát triển bền vững
Tháng 9/2015, tại Hội nghị Thượng đỉnh Liên hợp quốc về phát triển bền vững, các quốc gia trên thế giới đã thông qua Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững với 17 mục tiêu về phát triển bền vững.
Ngày 25/9/2020, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 136/NQ-CP về phát triển bền vững, trong đó đưa ra quan điểm: “Phát triển bền vững là yêu cầu xuyên suốt trong quá trình phát triển đất nước; kết hợp chặt chẽ, hợp lý và hài hòa giữa phát triển kinh tế với phát triển xã hội và bảo vệ tài nguyên, môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội và bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền quốc gia. Việc xây dựng, thực hiện các chiến lược, chính sách, kế hoạch, chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội phải đảm bảo yêu cầu phát triển bền vững”.
Có thể thấy, phát triển bền vững không chỉ khẩu hiệu, mà là một vấn đề của cuộc sống và đi sâu vào mọi lĩnh vực của cuộc sống, mọi hoạt động của con người và nền kinh tế. Các hoạt động sản xuất, kinh doanh, sinh hoạt dân sinh, xây dựng và thực thi pháp luật… đều phải gắn liền và nhất quán với các mục tiêu phát triển bền vững. Phát triển bền vững là mục tiêu của thời đại và trở thành hơi thở của thời đại, không chỉ riêng tại bất kỳ quốc gia riêng lẻ nào, mà có tính toàn cầu.
Theo đó, nhân loại cần giải quyết được hai bài toán. Đó là vượt qua được tính khan hiếm của nguồn lực tự nhiên không tái tạo và giảm thiểu được chất thải phát thải ra môi trường nhưng vẫn đảm bảo sản xuất đủ tổng lượng hàng hóa phục vụ cho cuộc sống.
Để có thể hài hòa được giữa các mục tiêu phát triển sản xuất với các mục tiêu bảo vệ môi trường, đảm bảo an sinh xã hội thì hoạt động sản xuất phải tuân thủ một số nguyên tắc cơ bản. Trong đó, nguyên tắc mức khai thác và sử dụng tài nguyên tái tạo phải luôn nhỏ hơn mức tái tạo của tài nguyên và nguyên tắc luôn duy trì lượng chất thải vào môi trường nhỏ hơn khả năng hấp thụ của môi trường.
Vậy, bằng cách nào để vừa đảm bảo hoạt động sản xuất, duy trì khả năng phát triển kinh tế, vừa đảm bảo mục tiêu bảo vệ môi trường? Câu trả lời khả dĩ được chấp nhận là ứng dụng công nghệ vào sản xuất và xử lý chất thải.
Ứng dụng công nghệ vào sản xuất đặc biệt quan trọng trong nền kinh tế tuần hoàn. Bởi việc áp dụng công nghệ mới có thể làm khai thác triệt để và chuyển hóa hết giá trị của tài nguyên vào sản phẩm, giảm mỗi đơn vị tài nguyên đầu vào, nhưng vẫn đảm bảo số lượng hàng hóa đầu ra, giảm phát thải rác thải sản xuất. Công nghệ tân tiến còn tạo khả năng tái sử dụng rác thải, chất thải, biến rác thải và chất thải thành nguyên liệu đầu vào cho một chu trình sản xuất kế tiếp hoặc của lĩnh vực, ngành kinh tế khác.
Từ mô hình kinh tế tuyến tính tới mô hình kinh tế tuần hoàn là một chặng đường dài, có tính tiến hóa liên tục. Các hoạt động đổi mới sáng tạo là sợi dây xuyên suốt trong quá trình tiến hóa đó. Sự hình thành những công nghệ mới hoặc cải tiến, hoàn thiện công nghệ hiện hữu phản ánh những đòi hỏi và yêu cầu có tính tự nhiên của con người trong việc “xanh” hóa nền kinh tế, và đó là một quá trình biến đổi có tính tất yếu.
Đổi mới sáng tạo trong nền kinh tế tuần hoàn
Hoạt động đổi mới sáng tạo, một mặt biểu đạt quá trình tiến hóa của công nghệ và mặt khác, biểu đạt những nỗ lực của nhân loại trong việc thiết kế lại chất lượng sống của chính bản thân mình theo định hướng bền vững. Đổi mới sáng tạo thực chất là quá trình chuyển hóa các ý tưởng thành các sản phẩm mới hoặc cải tiến sản phẩm hiện có trong sản xuất, kinh doanh và quản lý xã hội. Điều này hết sức có ý nghĩa, đặc biệt trong nền kinh tế tuần hoàn, bởi ở bất kỳ cấp độ nào, công đoạn nào của nền kinh tế sản xuất và tiêu dùng cũng tồn tại những nhu cầu áp dụng công nghệ mới, cải tiến và thay đổi để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững.
Đổi mới sáng tạo không chỉ để liên tục ra đời các sản phẩm mới, các chức năng và tiện ích mới của sản phẩm, mà còn để hướng tới xử lý các vấn đề về tối ưu nguồn lực đầu vào, giảm lượng chất thải phát thải ra môi trường, biến chất thải thành nguyên liệu đầu vào của sản xuất.
Hoạt động đổi mới sáng tạo trong thời đại phát triển bền vững vượt ra khỏi phạm vi của một doanh nghiệp, cơ sở nghiên cứu phát triển và mở rộng tới toàn xã hội. Sự chia sẻ thông tin, tri thức và bản quyền sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực công nghệ tái chế, công nghệ xử lý ô nhiễm môi trường giữa các doanh nghiệp; hay sự kết hợp của nhiều công nghệ phát triển bởi nhiều cơ sở nghiên cứu khác nhau thành một hệ thống; hay sự kế thừa thành quả nghiên cứu lẫn nhau, cũng như việc chia sẻ các chi phí và tài chính là những vấn đề đặt ra và đòi hỏi trong hoạt động đổi mới sáng tạo hiện nay.
Đổi mới sáng tạo không chỉ để nhằm tạo nên những sản phẩm và thị trường độc quyền của riêng mỗi doanh nghiệp và ngành kinh tế mà còn nhằm giải quyết những vấn đề của phát triển bền vững trong một nỗ lực chung của toàn thể loài người.
Môi trường không phải là vấn đề riêng của các chủ thể sản xuất, kinh doanh mà là vấn đề của cả xã hội, của hiện tại và tương lai. Đó là trách nhiệm của thế hệ hiện tại với các thế hệ tương lai. Do đó, chủ thể quan trọng nhất có tính chất dẫn dắt phải là Chính phủ của các Quốc gia. Vai trò hoạch định, kiến tạo và điều tiết của Chính phủ không chỉ giới hạn trong phạm vi đất nước mà còn phải liên kết, hợp tác với các Quốc gia khác.
Nói cách khác, môi trường là vấn đề toàn cầu và những tác động của môi trường không thể đánh giá một cách đúng mực nếu cố tình khu trú vào một lãnh thổ địa lý hay một tác nhân cụ thể. Do đó, cần có sự hợp lực, chia sẻ và hành động của tất cả các Quốc gia, của mọi chủ thể khác trong xã hội. Trong dòng chảy đó, hoạt động đổi mới sáng tạo cũng cần nhìn nhận và triển khai trên phạm vi toàn cầu, với các mối quan hệ liên kết, hợp tác, chia sẻ và đồng đầu tư.
Có thể nói rằng, đổi mới sáng tạo, đặc biệt là đổi mới sáng tạo trong nền kinh tế tuần hoàn là công cụ và giải pháp để hiện thực hóa các mục tiêu phát triển bền vững, là “công nghệ” của thời đại phát triển bền vững.