Bảo tồn vùng đất ngập nước để phát triển bền vững

Đất ngập nước cung cấp các dịch vụ hệ sinh thái quan trọng cho sự phát triển thịnh vượng của mỗi quốc gia. Do đó, cần thực hiện các biện pháp bảo tồn vùng đất ngập nước để phát triển bền vững.
Bảo tồn giống lúa trời ở Vườn quốc gia Tràm ChimQuảng Nam: Lũ quét khiến làng mạc, hoa màu ở vùng cao ngập sâu trong nướcĐồng Tháp bảo tồn và phát triển đa dạng sinh học 3 vùng đất ngập nước

Các vùng đất ngập nước có vai trò vô cùng to lớn, cung cấp các dịch vụ hệ sinh thái quan trọng cho sự phát triển thịnh vượng của mỗi quốc gia, cung cấp nguồn lợi phục vụ cho phát triển nhiều ngành kinh tế, đặc biệt là thủy sản, nông nghiệp, du lịch.

Ngoài ra, đất ngập nước còn có khả năng dự trữ carbon, điều tiết nguồn nước, điều hòa khí hậu, hạn chế lũ lụt, là nơi lắng đọng phù sa, hình thành đất và tham gia tích cực trong vòng tuần hoàn các chất dinh dưỡng của hệ sinh thái toàn cầu. Đất ngập nước cũng là “cái nôi” quan trọng của đa dạng sinh học; bảo vệ, giảm thiểu tác động của bão, nhất là các hệ sinh thái rừng ngập mặn là tấm chắn bảo vệ vùng ven biển…

Nhiều nghiên cứu cho thấy, đất ngập nước có thể làm giảm những tác động từ sự biến đổi khí hậu, mặc dù chúng chỉ chiếm 6-8% diện tích bề mặt Trái Đất. Do chu trình trao đổi chất và nước trong các hệ sinh thái, nhờ lớp phủ thực vật của đất ngập nước, sự cân bằng của khí oxy và carbonic trong khí quyển làm cho khí hậu địa phương được ổn định, đặc biệt là về nhiệt độ và lượng mưa.

bao ton vung dat ngap nuoc de phat trien ben vung
Đất ngập nước có nhiều chức năng và giá trị về kinh tế, xã hội, văn hóa… rất quan trọng.

Ở Việt Nam, đất ngập nước có diện tích khoảng 12 triệu hecta, phân bố trên tất cả các vùng đang góp phần quan trọng giúp cân bằng sinh thái, “cái nôi” sinh tồn của hàng nghìn loài sinh vật và là nguồn sống của hàng triệu người dân.

Hiện Việt Nam có 9 khu Ramsar là Vườn Quốc gia Xuân Thủy, Vùng đất ngập nước Bàu Sấu của Vườn Quốc gia Cát Tiên, Hồ Ba Bể, Vườn Quốc gia Tràm Chim, Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau Vườn Quốc gia Côn Đảo, Khu Ramsar Láng Sen, Vườn Quốc gia U Minh Thượng, Khu Bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long. Đặc biệt, các ramsar có khả năng chắn sóng làm giảm xói lở bờ biển, giảm thiệt hại do bão, lũ và sóng thần ở vùng ven biển trong bối cảnh biến đổi khí hậu.

Theo phân loại của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Việt Nam có 26 kiểu loại đất ngập nước khác nhau với đa dạng sinh học hết sức phong phú gồm khoảng 1.028 loài cá, 848 loài chim, 800 loài động vật không xương sống ở hệ sinh thái nước ngọt và trên 11.000 loài sống ở hệ sinh thái đất ngập nước biển, ven biển.

Theo số liệu thống kê, các vùng đất ngập nước đã cung cấp lương thực, thủy sản cho nhu cầu trong nước và xuất khẩu đạt trên 10 tỉ USD chỉ riêng trong năm 2017. Khoảng 20 triệu người dân Việt Nam có thu nhập chính hoặc thu nhập một phần từ tài nguyên thủy sản và đang khai thác, sử dụng trên 300 loài hải sản và trên 50 loài thủy sản nước ngọt có giá trị kinh tế.

Trong những năm gần đây, giá trị của đất ngập nước được khai thác mạnh cho phát triển ngành du lịch như đảo Cát Bà, Côn Đảo, Phong Nha - Kẻ Bàng, Cần Giờ, Ba Bể, Tràm Chim,... là những điểm thu hút rất nhiều khách trong và ngoài nước.

Tuy nhiên, việc khai thác các vùng đất ngập nước hiện nay còn thiếu bền vững và có nguy cơ gây tổn hại đến các khu vực này.

Các vùng đất ngập nước đang ngày càng bị tác động mạnh mẽ bởi các hoạt động phát triển kinh tế của con người và ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Nhiều vùng đất ngập nước đã bị biến mất và diện tích các vùng đất ngập nước bị thu hẹp do sức ép khai thác, sử dụng đất ngập nước và các nguồn tài nguyên thiên nhiên trên các vùng đất ngập nước gia tăng.

Việc quai đê, lấn biển hoặc san lấp các ao, hồ để phát triển các khu công nghiệp, các đô thị hoặc hạ tầng du lịch, ngăn các dòng chảy để làm thủy điện, hồ chứa có thể làm suy thoái, thu hẹp một cách nhanh chóng các vùng đất ngập nước.

Bên cạnh đó, ô nhiễm môi trường, khai thác và đánh bắt quá mức… đang khiến hệ sinh thái vùng đất ngập nước suy giảm nghiêm trọng. Theo Sách Đỏ năm 2012 của Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên thế giới, Việt Nam có ít nhất 135 loài đang bị đe dọa trên toàn cầu cư trú tại các sinh cảnh nước ngọt lục địa, bãi triều và ven biển, có thể gia tăng nếu không có giải pháp quản lý hiệu quả.

Ngày 29/7/2019 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 66/2019/NĐ-CP ngày về bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước. Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã xây dựng dự thảo và trình ban hành Kế hoạch Hành động quốc gia về bảo tồn và sử dụng bền vững đất ngập nước giai đoạn 2020 đến 2030.

Theo dự thảo này, đến năm 2025, Việt Nam sẽ kiện toàn hệ thống chính sách, pháp luật, tổ chức quản lý và cơ chế phối hợp liên ngành cấp Trung ương và địa phương về bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước; hoàn thành việc kiểm kê, phân loại đất ngập nước Việt Nam và lồng ghép cơ sở dữ liệu về các vùng đất ngập nước vào cơ sở dữ liệu quốc gia về đa dạng sinh học, dữ liệu kiểm kê đất đai.

Đến năm 2030, Việt Nam sẽ đảm bảo tất cả các vùng đất ngập nước quan trọng trên toàn quốc được tổ chức quản lý, bảo tồn và sử dụng khôn khéo cùng với việc phục hồi 25% diện tích các vùng đất ngập nước quan trọng; thành lập ít nhất 10 khu bảo tồn đất ngập nước và đề cử thành công ít nhất 5 khu Ramsar trên toàn quốc.

Nguyễn Luận
Theo Tạp chí Kinh tế Môi trường