Đồng Nai: Tháng 10 bàn giao mặt bằng sạch dự án sân bay Long Thành

Cuối tháng 4 này, toàn bộ các cơ quan, tổ chức sẽ bàn giao mặt bằng và đến tháng 10 sẽ bàn giao mặt bằng sạch (giai đoạn 1) cho chủ đầu tư dự án Cảng Hàng không quốc tế sân bay Long Thành.
Xây dựng sân bay Long Thành sử dụng 5.000ha đất là rất lãng phíSáng 12/11, Quốc hội thảo luận Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án sân bay Long Thành giai đoạn 1Lý do nào giao ACV đầu tư vào sân bay Long Thành?
Nhà nước sẽ thu hồi khoảng 5.000 ha đất để xây dựng dự án sân bay Long Thành, tỉnh Đồng Nai.

Theo Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh Đồng Nai, cơ quan này đang phối hợp cùng ngành chức năng trong tỉnh đẩy nhanh công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ đối với các cơ quan, tổ chức trong vùng dự án Cảng Hàng không quốc tế sân bay Long Thành. Dự kiến, toàn bộ các cơ quan, tổ chức sẽ bàn giao mặt bằng phục vụ dự án vào cuối tháng 4 này. Việc bàn giao mặt bằng sạch (giai đoạn 1) cho chủ đầu tư sẽ thực hiện vào tháng 10/2020.

Được biết, để đầu tư dự án sân bay Long Thành, Nhà nước sẽ thu hồi khoảng 5.000 ha đất, trong đó có khoảng 1.800 ha là đất của 17 cơ quan, tổ chức. Trong số này, Công ty TNHH MTV Tổng công ty Cao su Đồng Nai có diện tích đất bị thu hồi nhiều nhất với hơn 1.700 ha. Đến nay, tỉnh Đồng Nai đã hoàn thành chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ cho Tổng công ty Cao su Đồng Nai. Doanh nghiệp này cũng đã thực hiện thanh lý cây cao su, bàn giao mặt bằng cho địa phương.

Ông Nguyễn Đồng Thanh, Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh Đồng Nai cho biết, cơ quan chức năng tỉnh Đồng Nai đã hoàn thành việc kiểm kê, xác định nguồn gốc đất đối với diện tích thuộc quản lý của các cơ quan, tổ chức còn lại, ban hành quyết định thu hồi đất đối với 10 khu đất của các cơ quan, tổ chức như: Trường Tiểu học Suối Trầu, Trạm Y tế xã Suối Trầu, Trường THCS Suối Trầu...

Công tác giải phóng mặt bằng tại các cơ quan, tổ chức nhằm phục vụ dự án Cảng Hàng không quốc tế sân bay Long Thành cơ bản thuận lợi bởi đa phần các khu đất do cơ quan Nhà nước sử dụng. Tuy nhiên, việc kiểm kê, xác định nguồn gốc đất của một số doanh nghiệp khác gặp nhiều khó khăn do quy hoạch dự án sân bay đã có từ lâu. Những năm qua, các doanh nghiệp đã dừng hoạt động trong vùng dự án, đất thuộc quản lý của doanh nghiệp để trống… khiến cơ quan chức năng phải rà soát, kiểm kê chặt chẽ nhằm bảo đảm tính chính xác.

Bản đồ quy hoạch các tuyến giao thông kết nối với Sân bay Long Thành.

Cảng Hàng không quốc tế sân bay Long Thành là dự án trọng điểm quốc gia, dự kiến năm 2021 sẽ khởi công giai đoạn 1. Tổng mức đầu tư của dự án lên tới 336.630 tỉ đồng, tương đương 16 tỉ USD. Tháng 11/2017, Quốc hội đã thông qua nghị quyết về dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư sân bay Long Thành với tổng mức đầu tư gần 23.000 tỉ đồng.

Báo cáo nghiên cứu khả thi do Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) lập. Nhà thầu lập báo cáo là Liên danh JFV (Liên danh Nhật - Pháp - Việt Nam) gồm các thành viên: Japan Airport Consultants, Inc. (JAC), ADP Ingeniere (ADPi), Nippon Koei Co., Ltd (NK), Oriental Consultants Global., Ltd (OCG), Công ty Thiết kế và Tư vấn xây dựng công trình hàng không (ADCC), Tổng công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải (TEDI).

Tháng 10/2019, Bộ Giao thông Vận tải đã đọc tờ trình của Chính phủ báo cáo nghiên cứu khả thi dự án xây dựng cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1, bao gồm: một đường cất hạ cánh; một nhà ga hành khách công suất 25 triệu khách, nhà ga hàng hóa 1,2 triệu tấn hàng hóa mỗi năm; các hạng mục phụ trợ. Tổng mức đầu tư dự kiến giai đoạn 1 là gần 111.690 tỉ đồng (tương đương 4,77 tỉ USD), gồm: chi phí xây dựng, thiết bị, dự phòng trượt giá, lãi vay...

Theo nghiên cứu tiền khả thi, diện tích đất xây sân bay giai đoạn một là 1.165 ha. Tư vấn kiến nghị mở rộng lên 1.810 ha để làm kho giao nhận hàng hóa, nhà ga hàng hóa chuyển phát nhanh, dẫn đường hàng không, điện năng lượng mặt trời, khu diễn tập phòng cháy chữa cháy, hồ điều hòa thoát nước.

Chính phủ kiến nghị Quốc hội xem xét, ban hành Nghị quyết thông qua một số nội dung báo cáo nghiên cứu khả thi, cụ thể là chấp nhận hình thức đầu tư; điều chỉnh diện tích đất theo kiến nghị của tư vấn, điều chỉnh 1.050 ha đất quốc phòng thành 570 ha đất dùng riêng cho quốc phòng và 480 ha đất dùng chung quốc phòng và dân dụng. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng kiến nghị bổ sung hai tuyến đường bộ vào dự án sân bay Long Thành.

Về huy động vốn cho sân bay Long Thành, báo cáo nghiên cứu khả thi đã đề xuất 3 phương án gồm:

Một là, nhà đầu tư khai thác sân bay sử dụng vốn vay ODA của Nhật Bản và Hàn Quốc thông qua việc Chính phủ đi vay, rồi cho doanh nghiệp vay lại. Tuy vậy, phương án này sẽ làm tăng nợ công và phải sử dụng tư vấn, nhà thầu xây lắp của nước cho vay.

Hai là, giao cho Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đầu tư bằng vốn doanh nghiệp. Với lợi thế là doanh nghiệp Nhà nước nắm giữ 95% cổ phần và đang quản lý 21 cảng hàng không trên cả nước, việc ACV đầu tư sẽ giúp Nhà nước kiểm soát được tài sản chiến lược của quốc gia, chủ động điều hành, đảm bảo an toàn, an ninh. Phương án này không làm tăng nợ công do không sử dụng vốn ODA và dự án có thể triển khai ngay công tác thiết kế kỹ thuật để khởi công đầu năm 2021, hoàn thành vào năm 2025.

Ba là, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, khai thác cảng bằng vốn doanh nghiệp theo hình thức đối tác công - tư (PPP), hợp đồng BOT. Phương án này không làm tăng nợ công do không sử dụng vốn ODA và Nhà nước có nguồn thu từ việc khai thác tài sản sau khi hết thời hạn hợp đồng BOT.

Việc lựa chọn nhà đầu tư thông qua đấu thầu sẽ đảm bảo công bằng, minh bạch và tạo cơ hội tham gia cho các doanh nghiệp có năng lực. Tuy nhiên, việc đấu thầu chọn nhà đầu tư sẽ khiến dự án chậm khoảng 18 tháng, khó hoàn thành vào năm 2025.

Hải Nam
Theo Tạp chí Kinh tế Môi trường