Đợt nắng nóng hiện nay ở Bắc Bộ có thể kéo dài kỷ lục trong 27 năm qua

Nhiều khả năng đợt nắng nóng hiện nay ở Bắc Bộ sẽ là đợt nóng dài nhất từ năm 1993 tới nay.
Chỉ số tia UV ở Hà Nội, Đà Nẵng ở mức gây hại cao đến rất caoNắng nóng 42 độ C 'thiêu đốt' Bắc và Trung Bộ khi nào chấm dứt?Biến đổi hậu có thể khiến 1/5 diện tích trái đất nóng như sa mạc Sahara

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, do ảnh hưởng của vùng áp thấp nóng phía tây kết hợp với hiệu ứng phơn nên từ 1/6 đến nay, Bắc Bộ xảy ra nắng nóng diện rộng.

Trung tâm Dự báo Khí tượng nhận định, nắng nóng có thể sẽ kéo dài ở miền Bắc đến ngày 13/6 với mức nhiệt độ phổ biến 36-39 độ, thủ đô Hà Nội 37-39 độ.

Các tỉnh miền Bắc dự báo sẽ có đợt nắng nóng dài nhất tính từ năm 1993 đến nay. (Ảnh minh họa)

Nhiều khả năng đây sẽ là đợt nóng dài nhất từ năm 1993 tới nay ở khu vực này.

Tại miền Trung, nắng nóng đã duy trì được 10 ngày, dự báo sẽ có còn kéo dài thêm 6 -7 ngày (đến khoảng ngày 15-16/6). Như vậy, đợt nắng nóng ở miền Trung có thể kéo dài khoảng 17-18 ngày. Đây được coi là đợt nắng nóng dài trung bình tại miền Trung.

Kỷ lục nắng nóng từng ghi nhận ở đây vào năm 2015 khi nắng nóng kéo dài tới 32 ngày ở Nam Trung Bộ, 36 ngày ở các tỉnh Trung Trung Bộ và 39 ngày ở các tỉnh Bắc Trung Bộ.

Cũng theo dự báo của Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, trong ngày hôm nay (9/6), do ảnh hưởng của rìa Đông Nam vùng áp thấp nóng phía Tây kết hợp với hiệu ứng phơn, các tỉnh Bắc Bộ và Trung Bộ tiếp tục có nắng nóng và nắng nóng gay gắt với nền nhiệt độ cao nhất phổ biến 36-39 độ C; có nơi đặc biệt gay gắt với nhiệt độ cao nhất trên 39 độ C; độ ẩm tương đối thấp nhất trong ngày phổ biến 45-55%. Thời gian có nhiệt độ trên 35 độ C từ 10-18 giờ.

Khu vực Hà Nội ngày hôm nay sẽ có nắng nóng gay gắt và đặc biệt gay gắt với nền nhiệt độ cao nhất phổ biến 37-39 độ. Chỉ số tia UV ở Hà Nội và Đà Nẵng có giá trị từ 8-10 với mức ảnh hưởng nguy cơ gây hại rất cao đối với cơ thể con người khi tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng, người dân cần hết sức phòng tránh tác hại nắng nóng.

Cảnh báo, do ảnh hưởng của nắng nóng và nắng nóng gay gắt kết hợp với độ ẩm trong không khí giảm thấp và gió Tây Nam gây hiệu ứng phơn thổi mạnh nên có nhiều nguy cơ xảy ra cháy nổ và hỏa hoạn ở khu vực dân cư do nhu cầu sử dụng điện tăng cao và nguy cơ cao cháy rừng ở các tỉnh Trung Bộ.

Ngoài ra, nắng nóng còn có thể gây tình trạng mất nước, kiệt sức, đột quỵ do sốc nhiệt đối với cơ thể người khi tiếp xúc lâu với nền nhiệt độ cao.

Có khả năng xuất hiện những điểm nắng nóng kỷ lục trong tháng 6

Về diễn biến nắng nóng trong thời gian tới, Tiến sĩ Hoàng Phúc Lâm - Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia cho biết: “Nhận định chung về tình hình nắng nóng tháng 6 năm nay xảy ra nhiều hơn và diện rộng hơn so với tháng 5. Nắng nóng sẽ liên tục xảy ra trong cả tháng, ít có khả năng gián đoạn và nếu có gián đoạn cũng chỉ trong 1 - 2 ngày. Đây cũng là khoảng thời gian có thể xảy ra nắng nóng cực kì gay gắt ở các tỉnh Tây Bắc Bộ và các tỉnh vùng núi từ Thanh Hoá đến Quảng Ngãi. Chúng tôi nhận định vẫn có khả năng xuất hiện những điểm nắng nóng kỷ lục trong tháng 6 này”..

Cơ quan khí tượng thuỷ văn đã nhận định, nhiệt độ trung bình toàn mùa từ tháng 5 - 10/2020 ở mức 28 - 29 độ C, cao hơn so với trung bình nhiều năm (TBNN) 27,4 - 27,9 độ C. Trong đó, tháng 6, cao hơn TBNN (28,7 - 29,2 độ C); tháng 7, xấp xỉ TBNN (28,8 - 29,2 độ C). Trong tháng 8, 9, nhiệt độ sẽ xấp xỉ cao hơn TBNN và tháng 10 là xấp xỉ TBNN.

Đặc biệt, toàn mùa sẽ có 8 - 10 đợt nắng nóng (kéo dài từ 2 ngày trở lên). Trong đó có 1 - 2 đợt nắng nóng gay gắt và đặc biệt gay gắt. Các đợt nắng nóng tập trung chủ yếu vào tháng 6, 7. Nhiệt độ cao nhất tuyệt đối từ 39 - 41 độ C.

Theo các bác sĩ, trong điều kiện thời tiết nắng nóng, người dân hạn chế đến mức tối đa ra ngoài trời trong khoảng thời gian 11-15h. Tùy theo tính chất, đặc thù công việc mỗi người cần chống nắng khác nhau, có mũ rộng vành, áo dài tay, kính mắt để che chắn, giảm tác động của nhiệt.

Đặc biệt cần phải uống đủ nước. Bởi nước mất đi rất nhiều qua mồ hôi, nếu không uống đủ nước cũng khiến nhiệt độ cơ thể tăng lên, dễ gây sốc nhiệt. Thời tiết nóng như hiện nay cần uống 2 - 3 lít nước mỗi ngày.

Thời gian làm việc nên buổi sáng bắt đầu từ sớm và kết thúc sớm, buổi chiều bắt đầu muộn và kết thúc muộn. Khi làm việc nếu thấy nóng quá, mệt hoặc khó chịu nên tạm nghỉ và thường xuyên uống các loại nước pha muối (như oresol, nước quả, nước rau luộc cho thêm muối, nước khoáng….).

Mai Anh
Theo Tạp chí Kinh tế Môi trường