Đốt rơm rạ khiến không khí Hà Nội ô nhiễm nghiêm trọng vào ban đêm

Hà Nội và các tỉnh miền Bắc đang trong thời kỳ chất lượng không khí tốt nhất năm (tháng 5 đến tháng 8 hàng năm). Tuy nhiên, nhiều ngày qua, cứ vào chiều tối và đêm thì không khí tại Hà Nội lại chìm trong ô nhiễm.
Hà Nội tiếp tục là khu vực bị ô nhiễm không khí cao nhấtHà Nội ô nhiễm không khí kéo dài: Luật chưa đủ sức răn đe?Có nên thu thuế carbon để giảm thiểu ô nhiễm không khí?

Không khí ô nhiễm nghiêm trọng vào ban đêm

Chất lượng không khí xấu vào thời điểm ban đêm. (Ảnh: PAMAir)

Đại diện Chi cục Bảo vệ Môi trường Hà Nội cho biết, trên cơ sở dữ liệu thu được từ 34 trạm quan trắc chất lượng không khí tự động, liên tục từ ngày 1/6 đến ngày 7/6 trên địa bàn TP.Hà Nội cho thấy, nồng độ các chất ô nhiễm có trong không khí (đặc biệt là PM10 và PM2.5) thường có xu hướng tăng cao vào ban đêm và rạng sáng (từ 18 giờ đến 4 giờ ngày hôm sau), và giảm dần từ trưa sang chiều, sau khi bức xạ mặt trời tăng.

Đặc biệt, vào tối ngày 4/6, tất cả các điểm đo ở các quận, huyện của Hà Nội, chất lượng không khí đều ở ngưỡng báo động đỏ và tím, có nơi chỉ số AQI lên tới 205, ngưỡng rất ô nhiễm. Thời điểm này, trang Air Visual (thuộc Tổ chức IQAir có trụ sở chính tại Thụy Sĩ) xếp TP.Hà Nội đứng thứ 1 trong 10 thành phố trên thế giới có chỉ số AQI là 318, gần gấp đôi các thành phố ô nhiễm còn lại.

Tuy nhiên, đến sáng sớm ngày 5/6, chất lượng không khí tại hầu hết các quận, huyện tại Hà Nội đều chuyển sang ngưỡng xanh hoặc vàng, là mức không khí tốt và vừa phải.

Đêm ngày 6 và sáng sớm ngày 7/6, nồng độ bụi cũng tăng cao đột biến, chỉ số chất lượng không khí một số trạm tại Hà Nội đã chạm ngưỡng rất xấu.

Trả lời TTXVN, ông Hoàng Dũng, Giám đốc Công ty D&L, đơn vị sở hữu ứng dụng đo chất lượng không khí PAM Air cho biết, nguyên nhân của tình trạng này do hiện tượng đốt rơm rạ sau mùa gặt tại vùng ven đô Hà Nội và các tỉnh đồng bằng sông Hồng. Xu hướng ô nhiễm xảy ra từ chiều tối, tối đến đêm, buổi sáng thì được cải thiện.

Trong khi đó, đại diện Chi cục Bảo vệ Môi trường Hà Nội cho rằng, có nhiều nguyên nhân ảnh hưởng tới chất lượng không khí suy giảm trong thời gian gần đây như: Biến thiên nồng độ của các chất ô nhiễm không khí phụ thuộc vào nhiều yếu tố ảnh hưởng (nguồn phát thải, điều kiện khí tượng); tốc độ gió; khả năng khuấy trộn của không khí theo chiều dọc (độ ổn định); bức xạ mặt trời và các phản ứng quang hóa.

Bên cạnh đó, một số khu vực ngoại thành đã vào mùa thu hoạch, xuất hiện tình trạng đốt lộ thiên chất thải, phụ phẩm nông nghiệp, rác thải sinh hoạt vào chiều muộn và ban đêm khiến cho nồng độ chất ô nhiễm trong không khí tăng.

Ngoài ra, điều kiện khí tượng bất lợi, chênh lệch nhiệt độ ngày và đêm lớn (ban ngày nhiệt độ tăng cao, trời oi nóng, ban đêm nhiệt độ giảm mạnh, lặng gió) đã tạo thành lớp màng bao phủ TP, hạn chế sự tạo ra chuyển động rối trong lớp khí quyển sát đất, đã khiến chất ô nhiễm không được khuyếch tán lên cao mà tích lũy lại ở lớp không khí gần mặt đất vào ban đêm.

Nhất là trong ngày 7/6, nồng độ chất ô nhiễm tăng cao đột biến là do chất ô nhiễm tích tụ trong thời gian dài, điều kiện khí tượng bất lợi gây cản trở sự khuếch tán chất ô nhiễm.

Khói rơm rạ gây ảnh hưởng xấu tới sức khỏe con người

Khói rơm rạ gây ảnh hưởng xấu tới sức khỏe con người. (Ảnh minh họa)

Báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, sau mỗi vụ thu hoạch, hoạt động đốt rơm rạ đã gây hiện tượng khói mù cho các vùng lân cận. Việc đốt rơm rạ ngoài trời là quá trình đốt không kiểm soát, trong đó sản phẩm chủ yếu là các chất khí bụi, CO2, CO, NOx. Khi rơm rạ cháy không hết có thể tạo ra hợp chất Anđêhit và bụi mịn là những chất gây ảnh hưởng xấu tới sức khỏe con người.

Bên cạnh đó, khói rơm rạ có tính cay, làm chảy nước mắt, gây kích thích phản ứng ở họng, khiến người hít khói rơm rạ dễ bị ho, ngạt thở. Nếu hít phải loại khói này trong thời gian dài sẽ rất dễ dẫn đến mắc những bệnh liên quan đến hô hấp. Hành động này còn trực tiếp tạo nên hiện tượng mù khói, hạn chế tầm nhìn, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn cho người tham gia giao thông.

Trước tình trạng đốt rơm rạ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, đại diện Sở Tài Nguyên và Môi trường Hà Nội từng đề xuất, cấm đốt rơm rạ trong dự thảo Luật Bảo vệ Môi trường sửa đổi (vừa được trình Quốc hội).

Chia sẻ về vấn đề này, lãnh đạo Tổng cục Môi trường cho biết, quá trình dự thảo Luật Bảo vệ Môi trường sửa đổi, việc cấm đốt rơm rạ cũng được đề cập đến. Tuy nhiên nhiều ý kiến cho rằng quy định này không phù hợp vì nhiều hộ gia đình nông thôn vẫn dùng rơm rạ làm chất đốt trong sinh hoạt.

Ngoài ra, nhiều đề tài nghiên cứu cho thấy, rơm rạ có thể tận dụng làm nấm, phân hữu cơ. Vì vậy, dự thảo luật tạo cơ sở để các địa phương có chính sách hỗ trợ, khuyến khích để người dân tận dụng rơm rạ nhằm mục đích tái chế, tái sử dụng.

Theo các chuyên gia môi trường, việc xử phạt đốt rơm rạ gây ô nhiễm khó khả thi trong thực tế. Vì vậy, trước hết cần tập trung tuyên truyền nhận thức cho người dân thấy được tác hại của việc đốt rơm rạ với chính bản thân họ. Ngoài ra, có thể thiết lập một đường dây nóng để người dân báo về khi phát hiện ra hoạt động đốt rơm rạ, đốt rác, giúp cơ quan chức năng có biện pháp xử lý kịp thời.

Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng khuyến cáo, thay vì đốt rơm rạ ngay trên đồng ruộng, bà con nên thu gom về nhà phơi khô làm nguồn thức ăn sẵn cho trâu, bò. Đối với những gia đình không có trâu, bò, nên sử dụng phương pháp ủ rơm rạ tại ruộng để tận dụng làm nguồn phân bón. Rơm rạ là những phụ phẩm nông nghiệp sau quá trình thu hoạch lúa nếu tận dụng sẽ mang lại rất nhiều lợi ích.

Mai Anh
Theo Tạp chí Kinh tế Môi trường

Xem thêm

Liên kết