Chất lượng không khí Hà Nội liên tục ở mức xấu trong những ngày qua. Ảnh: Zing. |
Theo các hệ thống đo chỉ số chất lượng không khí, sáng 22/2, chất lượng không khí ở Hà Nội vẫn ở mức rất xấu. Lúc 6 giờ, tại khu vực Minh Khai (Bắc Từ Liêm) ghi nhận chỉ số màu tím, tức ở mức 249 AQI , khu vực Hàng Đậu là 248 AQI, theo đó nhóm người nhạy cảm gặp phải các vấn đề về sức khỏe khá nghiêm trọng.
Trước đó, tối 21/2, Trạm quan trắc tại 556 Nguyễn Văn Cừ (Tổng cục Môi trường thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường) ghi nhận chỉ số màu đỏ, tức ở mức 181, theo đó nhóm người nhạy cảm gặp phải các vấn đề về sức khỏe khá nghiêm trọng.
Trang web moitruongthudo.vn của Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội cho thấy, 7/11 điểm quan trắc có màu đỏ, tức ở mức 178-199, có 4 điểm có màu tím, tức ở mức 231-256. Ứng dụng Air Visual (Tổ chức IQAir có trụ sở chính tại Thụy Sỹ) cũng ghi nhận tại Hà Nội có 8 điểm có chất lượng không khí màu tím, tức ở mức 223-284 (cao hơn so với buổi sáng cùng ngày cả về chỉ số và số điểm), cảnh báo người dân bị ảnh hưởng tới sức khỏe khá nghiêm trọng.
Trang thông tin điện tử và nền tảng ứng dụng PAM Air (do Công ty Cổ phần Tư vấn và Tích hợp công nghệ D&L quản lý) ghi nhận có tới 27 điểm có màu tím, vẫn còn 2 điểm ở Cầu Diễn (Nam Từ Liêm), Trần Hưng Đạo (thị xã Sơn Tây) có màu nâu, tức ở mức 304-347, mức cao nhất trong thang cảnh báo, toàn bộ người dân bị ảnh hưởng tới sức khỏe mức nghiêm trọng.
Ô nhiễm không khí trong suốt gần một tuần qua và ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn. Theo các chuyên gia môi trường, chất lượng không khí Hà Nội những ngày qua liên tục ở mức kém là do, sự gia tăng của các phương tiện giao thông ngoài đường và hoạt động thi công công trình xây dựng trong bối cảnh sương mù và độ ẩm tăng đã khiến bụi mịn lơ lửng trong không khí.
Trao đổi với báo Tiền phong, TS. Hoàng Dương Tùng cho biết, đợt ô nhiễm xảy ra đúng vào thời điểm trẻ em vẫn đang nghỉ học, lượng người tham gia giao thông không tăng đột biến cho thấy nguồn ô nhiễm từ các cơ sở sản xuất, các làng tái chế xung quanh Hà Nội rất đáng lo ngại. Các điểm ô nhiễm đột biến lên ngưỡng nâu có thể gần nơi đang có hoạt động đốt ngoài trời.
Ô nhiễm không khí được cảnh báo nhiều năm nay ở Việt Nam, nhất là trong thời gian gần đây nhưng tình hình chưa được cải thiện. Một trong những nguyên nhân là công cụ chính sách chưa đầy đủ, chưa phát huy được hiệu quả.
Luật Bảo vệ Môi trường hiện tại (đã qua 3 lần sửa đổi) nhưng còn chung chung với các nguồn ô nhiễm khác nhau, chưa đi sâu và cụ thể vào quản lý ô nhiễm không khí, thiếu công cụ quản lý hiệu quả và phân tán trách nhiệm đối với các nguồn khí thải, mức xử phạt không đủ tính răn đe.
PGS.TS Nguyễn Thế Chinh, Viện trưởng Viện Chiến lược chính sách Tài nguyên và Môi trường cho biết, Việt Nam đang thiếu những định hướng cụ thể cho giải quyết vấn đề ô nhiễm không khí. Hiện nay, công cụ giám sát, kiểm soát khí thải giao thông, đặc biệt với phương tiện cũ, khí thải từ làng nghề, cụm công nghiệp chưa được kiểm soát chặt.
Bộ Tài nguyên và Môi trường đang dự thảo Luật Bảo vệ Môi trường sửa đổi. Tuy nhiên, theo TS. Tùng, dự thảo cũng chưa có những bước đột phá để giải quyết vấn đề ô nhiễm không khí. Nhiều vấn đề chưa được làm rõ, ví dụ kiểm soát khí thải đối với các cơ sở sản xuất trong làng nghề thế nào? Với các nguồn ô nhiễm nhỏ, chưa đến mức phải yêu cầu lắp quan trắc tự động thì quản lý như nào? Tại sao tiêu chuẩn phát thải, khí thải các phương tiện giao thông lại do Bộ Giao thông Vận tải phụ trách? Các mức xử phạt đối với các nguồn ô nhiễm không khí có đủ tính răn đe hay chưa.
“Nếu chúng ta không tạo ra được đột phá trong dự thảo luật lần này thì vấn đề ô nhiễm không khí sẽ không thể có bước cải tiến thực sự”, ông Tùng nói.