Dự báo bão đến muộn, tình hình lũ sẽ phức tạp trong năm 2020

Theo Tổng cục Khí tượng Thủy văn, mùa bão năm 2020 trên khu vực Biển Đông có xu hướng muộn hơn so với trung bình nhiều năm. Dự báo sẽ có khoảng 11-13 cơn bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên Biển Đông, trong đó có khoảng 5-6 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta.
ĐBSCL đón cơn mưa ‘vàng’ giữa cao điểm hạn mặnGermanwatch: Việt Nam chịu thiệt hại nặng nề do biến đổi khí hậuMưa, lũ lan rộng ra Bắc Trung Bộ và Tây Nguyên

Số lượng bão xấp xỉ trung bình nhiều năm

Theo Tổng cục Khí tượng Thủy văn (Bộ Tài nguyên và Môi trường), số lượng bão năm 2020 dự báo ở mức xấp xỉ trung bình nhiều năm (TBNN), tập trung nhiều ở khu vực Trung Bộ và phía Nam trong những tháng nửa cuối năm 2020.

Mưa lớn nhiều vào giai đoạn cuối năm, tập trung ở khu vực Trung và Nam Trung Bộ. Tổng lượng mưa tại khu vực phía Tây Bắc Bộ từ tháng 6 - 9 phổ biến ở mức xấp xỉ TBNN, riêng tháng 5 và tháng 10 ở mức thấp hơn từ 10 - 25% so với TBNN cùng thời kỳ.

du ba o bao den muon tinh hinh lu se phuc tap trong nam 2020
Dự báo năm 2020 sẽ có 11 - 13 cơn bão và áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông. (Ảnh: TTXVN)

Khu vực phía Đông Bắc Bộ, tổng lượng mưa các tháng 5, tháng 7, tháng 8 và tháng 10 phổ biến ở mức xấp xỉ TBNN; các tháng 6 và tháng 9 phổ biến ở mức cao hơn so với TBNN từ 10 - 25%.

Lượng mưa ở khu vực Trung Bộ có xu hướng thấp hơn TBNN vào đầu mùa, giảm 20 - 40%, xấp xỉ TBNN vào giữa mùa và cao hơn TBNN vào cuối mùa, cao hơn 15 - 30%.

Mùa mưa trên khu vực Tây Nguyên, Nam Bộ có khả năng đến muộn hơn so với TBNN, do vậy tình trạng ít mưa và khô hạn còn tiếp diễn cho tới nửa đầu tháng 5. Từ tháng 6 - 9, lượng mưa có xu hướng gia tăng trên khu vực và phổ biến ở mức xấp xỉ với giá trị TBNN cùng thời kỳ. Đến tháng 10, tổng lượng mưa trên toàn khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ phổ biến cao hơn từ 15 - 30% so với TBNN cùng thời kỳ và khả năng cao mùa mưa sẽ kết thúc muộn hơn so với TBNN.

Dự báo tình hình lũ sẽ phức tạp

Đỉnh lũ năm các sông Bắc Bộ phổ biến ở mức báo động 1 - báo động 12, các sông suối nhỏ từ báo động 2 - báo động 3, riêng hạ lưu sông Hồng tại Hà Nội và hạ lưu sông Thái Bình ở mức dưới báo động 1.

Trên các sông ở khu vực Tây Nguyên mùa lũ đến muộn hơn TBNN, các sông ở Trung Bộ tương đương TBNN. Đỉnh lũ năm 2020, trên các sông ở khu vực Trung Bộ và Bắc Tây Nguyên ở mức cao hơn năm 2019. Đỉnh lũ năm vùng hạ lưu các sông ở Bắc Trung Bộ ở mức báo động 1 - báo động 2, xấp xỉ đỉnh lũ TBNN; các sông từ Quảng Bình đến Bình Thuận và khu vực Tây Nguyên ở mức báo động 2 - báo động 3, một số sông trên báo động 3, tương đương đỉnh lũ TBNN.

Thời gian xuất hiện đỉnh lũ năm 2020, trên các sông ở Thanh Hóa, Bình Thuận xảy ra vào tháng 8, 9; trên các sông từ Nghệ An đến Quảng Bình và Tây Nguyên vào tháng 9, 10; trên các sông từ Quảng Trị đến Ninh Thuận vào tháng 10 và 11.

Trong năm 2020, ít có khả năng xuất hiện lũ sớm tại Đồng bằng Nam Bộ. Đỉnh lũ năm ở đầu nguồn sông Cửu Long trên sông Tiền tại Tân Châu và sông Hậu tại Châu Đốc ở mức báo động 1 - báo động 2, thấp hơn đỉnh lũ TBNN từ 0,2 - 0,4m. Thời gian xuất hiện đỉnh lũ năm vào nửa cuối tháng 9.

Theo Tổng cục Khí tượng thủy văn, các nhận định vào thời điểm này của các mô hình dự báo về đỉnh lũ trong mùa lũ trên các hệ thống sông hầu hết sẽ ở mức TBNN, tuy nhiên các số liệu thống kê về các năm hạn nặng và lũ lớn trong khoảng 20 năm qua cho thông tin ban đầu về diễn biến lũ trong mùa lũ năm nay và năm 2021.

Trong hơn 20 năm vừa qua, ở nước ta đã xuất hiện 10 đợt hạn hán trên diện rộng trong các năm: 1993 - 1994, 1994 - 1995, 1995 - 1996, 1997 - 1998, 2001 - 2002, 2004 - 2005, 2006 - 2007, 2009 - 2010, 2015 - 2016 và 2019 - 2020.

Trong các năm kể trên, lũ lịch sử đã xuất hiện trên sông Đà năm 1996, sông Gianh, sông Thu Bồn năm 2007 và sông Hoàng Long năm 2017; lũ lớn diện rộng trên nhiều sông đã xuất hiện trong các năm 1996, 2002, 2005, 2006, 2008, 2010, 2016, 2017, cho thấy mối liên hệ nhất định giữa các năm lũ lớn xuất hiện vào mùa lũ ngay sau năm có hạn hán nặng.

Đặc biệt, trong 15 - 20 năm qua, xuất hiện 4 đợt hạn nặng với chu kỳ lặp lại khoảng 5 năm và sau đó đều xuất hiện lũ lớn diện rộng. Cụ thể, năm 2006 (sau đợt hạn 2004 - 2005), xuất hiện lũ lớn trên các sông từ Hà Tĩnh đến Bình Định, đỉnh lũ 6/9 sông trên báo động 3. Năm 2010 (sau đợt hạn 2009 - 2010), lũ lớn xuất hiện từ Nghệ An đến Ninh Thuận, đỉnh lũ 8/9 sông trong khu vực trên báo động 3. Năm 2016 (sau đợt hạn kỷ lục 2015 - 2016), xuất hiện lũ lớn diện rộng từ Quảng Bình đến Ninh Thuận, đỉnh lũ 6/9 sông trong khu vực trên báo động 3.

Với dấu hiệu thống kê như vậy, có cơ sở để nhận định về tính phức tạp theo hướng lũ lớn trên các hệ thống sông trong mùa lũ năm nay và năm 2021.

“Do đó, song song với công tác phòng, chống thiên tai hạn hán, xâm nhập mặn hiện nay chúng ta cần cần sớm rà soát các phương án ứng phó bão, mưa, lũ lớn để chủ động hơn trong công tác phòng chống”, đại diện Tổng cục Khí tượng thủy văn khuyến nghị.

Thu Trang
Theo Báo Tin tức

Xem thêm

Liên kết