Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) thể hiện rõ mục tiêu xuyên suốt, trọng tâm là bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe người dân và đồng bộ các công cụ quản lý môi trường, thay đổi phương thức quản lý, cắt giảm hơn 40% thủ tục hành chính... Đáng chú ý, lần đầu tiên xác định cộng đồng dân cư là một chủ thể trong công tác bảo vệ môi trường.
Cải cách mạnh mẽ, hướng tới bảo vệ môi trường một cách tổng thể, toàn diện
Theo Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 10 có nhiều điểm mới.
Cụ thể, sau quá trình tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện theo ý kiến chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, các cơ quan, tổ chức, nhà khoa học, dự thảo Luật được bố cục lại so với Luật hiện hành (Luật Bảo vệ môi trường năm 2014), đưa các quy định về bảo vệ các thành phần môi trường lên đầu, thể hiện rõ mục tiêu xuyên suốt là bảo vệ các thành phần môi trường, bảo vệ sức khỏe người dân, coi đây là nội dung trọng tâm, quyết định cho các chính sách bảo vệ môi trường (BVMT) khác.
Bên cạnh đó, dự thảo Luật đã đồng bộ các công cụ quản lý môi trường theo từng giai đoạn của dự án, bắt đầu từ khâu xem xét chủ trương đầu tư, thẩm định dự án, thực hiện dự án cho đến khi dự án đi vào vận hành chính thức và kết thúc dự án, bao gồm: Chiến lược BVMT quốc gia, quy hoạch BVMT, đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá sơ bộ tác động môi trường, đánh giá tác động môi trường (ĐTM), giấy phép môi trường và đăng ký môi trường.
Đáng chú ý, dự thảo Luật lần đầu tiên thiết kế khung chính sách hướng tới việc hình thành đạo luật về BVMT có tính tổng thể, toàn diện và hài hòa với hệ thống pháp luật về kinh tế - xã hội, đồng thời cải cách mạnh mẽ, cắt giảm hơn 40% thủ tục hành chính (TTHC), giảm thời gian thực hiện các TTHC từ 20 đến 85 ngày, góp phần giảm chi phí tuân thủ của doanh nghiệp.
Phát huy vai trò giám sát, bảo đảm quyền, lợi ích của cộng đồng dân cư
Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, một trong những điểm mới nổi bật của dự thảo Luật là lần đầu tiên cộng đồng dân cư được quy định là một chủ thể trong công tác BVMT. Dự thảo Luật cũng quy định tăng cường công khai thông tin, tham vấn, phát huy vai trò giám sát, phản biện, đồng thời bảo đảm được quyền và lợi ích của cộng đồng dân cư khi tham gia các hoạt động BVMT.
Thời gian qua, cộng đồng dân cư đã thể hiện vai trò ngày càng quan trọng trong công tác BVMT, tiêu biểu nhất là thông qua việc hình thành các mô hình cộng đồng tham gia BVMT hiệu quả, thiết thực. Tuy nhiên, Luật BVMT hiện hành chưa quy định cộng đồng dân cư là một chủ thể trong công tác BVMT, vì vậy chưa phát huy được vai trò quan trọng của cộng đồng dân cư.
Dự thảo Luật đã bổ sung “cộng đồng dân cư” vào phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng nhằm khẳng định vị trí, vai trò của nhóm đối tượng quan trọng này trong công tác BVMT cũng như thực hiện một trong những mục tiêu xuyên suốt là bảo vệ sức khỏe người dân, bảo đảm người dân được sống trong môi trường trong lành.
Bên cạnh đó, để phát huy vai trò giám sát, phản biện của cộng đồng dân cư, dự thảo Luật đã luật hóa chính sách “Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cộng đồng dân cư, cá nhân tham gia thực hiện, kiểm tra, giám sát hoạt động bảo vệ môi trường”. Lần đầu tiên, trách nhiệm của chủ dự án trong việc tham vấn cộng đồng dân cư, được quy định ngay từ khi lập báo cáo ĐTM, cũng như quy định rõ trách nhiệm thực hiện tham vấn, đối tượng tham vấn, nội dung tham vấn của cơ quan thẩm định trong quá trình thẩm định báo cáo ĐTM thông qua nhiều hình thức.
Việc xác định cộng đồng dân cư là một chủ thể trong công tác bảo vệ môi trường thể hiện rất rõ quan điểm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”.
Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà
Nhằm tạo thuận lợi cho cộng đồng dân cư phát huy vai trò trong công tác BVMT, dự thảo Luật cũng xác lập, thể hiện rõ quyền, trách nhiệm của cộng đồng dân cư trong BVMT; quy định rõ các hoạt động hỗ trợ của Nhà nước đối với cộng đồng dân cư tham gia BVMT. Đặc biệt, đã bổ sung quy định thiết lập hệ thống trực tuyến tiếp nhận, xử lý, trả lời phản ánh, kiến nghị, tham vấn của tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư về BVMT. Người dân có thể tham gia giám sát thông qua công nghệ thông tin, qua các ứng dụng trên điện thoại.
Để ghi nhận, tôn vinh cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân có đóng góp tích cực trong hoạt động BVMT, dự thảo Luật cũng đã bổ sung chính sách về “Bảo đảm quyền lợi của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đóng góp cho hoạt động BVMT”.
Thay đổi phương thức quản lý, bảo đảm các hoạt động sản xuất phải hài hòa với tự nhiên
Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, dự thảo Luật phản ánh sự thay đổi mạnh mẽ trong tư duy quản lý môi trường thông qua thể chế hóa được chính sách phát triển dựa trên quy luật tự nhiên, không hy sinh môi trường để đổi lấy tăng trưởng kinh tế. BVMT không chỉ là phòng ngừa, kiểm soát, xử lý chất thải mà các hoạt động sản xuất, phát triển phải hài hòa với tự nhiên, khuyến khích bảo vệ và phát triển tự nhiên.
Đồng thời, dự thảo Luật cũng đặt ra các tiêu chuẩn, quy chuẩn môi trường nhằm thực hiện mục tiêu bảo đảm người dân Việt Nam được hưởng chất lượng môi trường ngang bằng với các nước trên thế giới, bảo đảm hài hòa với quy định của quốc tế, góp phần thực hiện các cam kết quốc tế của Việt Nam về BVMT, ứng phó với biến đổi khí hậu.
“Lần đầu tiên, dự thảo Luật tiếp cận phương pháp quản lý môi trường xuyên suốt, khoa học đối với dự án đầu tư dựa trên các tiêu chí môi trường; sàng lọc, không khuyến khích các dự án không tuân theo quy luật tự nhiên, chiếm dụng lớn diện tích rừng, đất lúa, có nguy cơ gây lũ lụt, suy thoái cạn kiệt dòng chảy, tác động đến các di sản tự nhiên, khu bảo tồn. Dự thảo Luật cũng áp dụng công cụ quản lý môi trường phù hợp theo từng giai đoạn từ việc xây dựng chiến lược, quy hoạch, chương trình đến thực hiện dự án”, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết.
Theo đó, dự án đầu tư được phân thành bốn nhóm: có nguy cơ tác động xấu đến môi trường mức độ cao, có nguy cơ, ít có nguy cơ hoặc không có nguy cơ tác động xấu đến môi trường. Tương ứng với từng đối tượng dự án cụ thể, cơ quan quản lý nhà nước về môi trường sẽ áp dụng các cơ chế quản lý phù hợp.
Thúc đẩy phân loại rác thải tại nguồn, khuyến khích tái chế, tái sử dụng rác thải
Theo Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường, hiện nay tỉ lệ chôn lấp rác thải ở Việt Nam còn cao, một trong những nguyên nhân là do rác thải chưa được phân loại dẫn đến khó khăn trong xử lý. Để khắc phục tình trạng này, dự thảo Luật đã quy định việc thu phí rác thải dựa trên khối lượng, thể tích thay cho việc tính bình quân theo hộ gia đình hoặc đầu người như hiện nay.
Cơ chế thu phí sẽ góp phần thúc đẩy người dân phân loại, giảm thiểu rác thải phát sinh tại nguồn, vì nếu không thực hiện thì chi phí xử lý rác thải phải nộp sẽ cao. Theo đó, quy định rác thải sinh hoạt phải được phân chia làm ba loại: chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế; chất thải thực phẩm; chất thải rắn sinh hoạt khác.
“Bộ Tài nguyên và Môi trường đã nghiên cứu kỹ lưỡng mô hình và kinh nghiệm của các quốc gia trên thế giới hiện đang thực hiện rất thành công việc thu phí xử lý rác thải qua hình thức bán bao bì, thiết bị đựng rác như Nhật Bản, Hàn Quốc và các quốc gia phát triển khác”, Bộ trưởng cho biết.
Ngoài ra, rác thải sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân khu vực nông thôn sau khi phân loại được khuyến khích tận dụng tối đa lượng chất thải thực phẩm để làm phân bón hữu cơ, làm thức ăn chăn nuôi phù hợp với điều kiện nông thôn tại Việt Nam.
Theo Bộ trưởng, nhằm hướng tới phát triển kinh tế tuần hoàn, tăng cường tái chế, tái sử dụng phế liệu trong nước để hạn chế việc nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất, ngoài quy định trách nhiệm phân loại chất thải rắn công nghiệp phát sinh từ cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thành ba loại, dự thảo Luật lần đầu tiên quy định trách nhiệm mở rộng của tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu các sản phẩm, bao bì có khả năng tái chế hoặc khó có khả năng tái chế phải thu hồi với tỉ lệ và quy cách bắt buộc, hoặc thông qua hợp đồng dịch vụ hay cơ chế đóng góp tài chính để hỗ trợ tái chế sản phẩm, bao bì do mình sản xuất, nhập khẩu.
Cũng theo Bộ trưởng, bên cạnh việc xác định người dân cũng tham gia vào công tác phân loại rác và được nhà nước hỗ trợ một phần trong cả công đoạn thu gom và xử lý rác, dự thảo Luật trình Quốc hội lần này cũng xác định quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật đối với công nghệ xử lý rác và xác định xử lý rác là một dịch vụ sẽ tiến hành lâu dài.