Đua đầu tư năng lượng tái tạo, đại gia có ‘bỏng tay’?

Cơn sốt năng lượng tái tạo đang lan rộng khắp Việt Nam, đặc biệt là những địa phương có thế mạnh về bức xạ mặt trời, điện gió. Tuy nhiên, việc cấp phép ồ ạt gần 90 dự án điện mặt trời hòa lưới điện dễ dẫn tới tình trạng "rã lưới", thừa điện...
Năng lượng tái tạo dần thay thế thủy điện và nhiệt điện tại CampuchiaĐất nông nghiệp ở Fukushima được chuyển đổi để sản xuất năng lượng tái tạoTiềm năng phát triển điện mặt trời trên hồ chứa thủy lợi
dua dau tu nang luong tai tao dai gia co bong tay
Hàng trăm dự án năng lượng tái tạo lớn nhỏ được kỳ vọng sẽ đáp ứng nhu cầu điện tăng cao. (Ảnh minh họa)

Thấy gì từ những dự án nghìn tỉ?

Theo quy hoạch phát triển năng lượng Việt Nam đến năm 2030, cơ cấu nguồn năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời, điện gió, điện sinh khối sẽ tăng dần tỉ trọng lên tới 30%. Hiện, có 89 dự án điện mặt trời với tổng công suất 4.460 MW đã hòa vào lưới điện quốc gia, đóng góp khoảng 8,28% tổng sản lượng điện cả nước. Ngoài ra, có khoảng 13 dự án đang được hoàn thành với tổng công suất 630 MW, dự kiến sẽ phát điện cuối năm nay.

Ðiển hình, Tập đoàn BIM Group – một doanh nghiệp có tên tuổi với các dự án bất động sản lớn – cũng nhanh chân nhảy vào lĩnh vực điện mặt trời. Chỉ trong vòng 9 tháng thi công gấp rút, BIM Group đã khánh thành cụm Nhà máy điện mặt trời tại Thuận Nam và hòa lưới điện quốc gia với công suất 330 MW. Ðây là tổ hợp nhà máy năng lượng điện mặt trời lớn nhất Ðông Nam Á và dự kiến sản xuất khoảng 600 triệu kWh điện mỗi năm.

Không kém cạnh, Tập đoàn Thành Thành Công cũng là chủ của hàng loạt dự án điện mặt trời lớn nhất cả nước. Tập đoàn này đã đưa vào hoạt động 2 nhà máy tại Phong Ðiền, Thừa Thiên Huế (35 MW) và Krong Pa (49 MW) chỉ sau một thời gian ngắn thi công xây dựng, vận hành...

Hồi tháng 6/2019, Công ty Cổ phần TTP Phú Yên cũng đã khánh thành, chính thức đưa vào vận hành Nhà máy điện mặt trời Hòa Hội tại xã Hòa Hội, huyện Phú Hòa (Phú Yên). Ðây là dự án năng lượng tái tạo lớn nhất tại tỉnh này. Tổng vốn đầu tư lên đến 4.985 tỉ đồng.

Vài năm gần đây, các dự án điện mặt trời được đầu tư ồ ạt tại nhiều địa phương trong cả nước, đặc biệt là khu vực miền Nam và miền Trung, như Long An, Ninh Thuận, Sóc Trăng, Tây Nguyên, Tây Ninh… Ðây là những địa phương đang có nhiều chính sách về quỹ đất, tài chính để tạo động lực thu hút các nhà đầu tư trong nước. Ðơn cử, tỉnh Long An đã thu hút được 16 dự án điện mặt trời đã và đang triển khai, có tổng công suất tới 1.072 MW.

Hay dự án Nhà máy điện năng lượng mặt trời BCG - CME Long An 1 (Long An) có tổng mức đầu tư hơn 1.000 tỉ đồng đã đi vào hoạt động và hòa mạng lưới điện quốc gia, có công suất 40,6 MWp. Dự án này sử dụng tới 123.000 tấm pin năng lượng mặt trời.

dua dau tu nang luong tai tao dai gia co bong tay
Việt Nam có tiềm năng phát triển mạnh dự án điện gió lớn. (Ảnh minh họa)

Hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài

Việc phát triển thêm các nguôn năng lượng sạch bên cạnh nguồn điện hiện có được Bộ Công thương ước tính sẽ đáp ứng nhu cầu điện cho kinh tế tăng trưởng từ 6,5-7,5% mỗi năm. Do đó, năng lượng tái tạo tại Việt Nam đã trở thành “miếng bánh” hấp dẫn dòng vốn ngoại, thu hút hàng trăm dự án điện mặt trời có vốn đầu tư nước ngoài, tổng công suất lên tới 17.000 MW.

Nhiều nhà đầu tư Thái Lan đã mua lại cổ phần các dự án điện mặt trời tại Việt Nam. Chẳng hạn, Ngân hàng Xuất nhập khẩu Thái Lan (EXIM Thailand) đã công bố tăng thêm 65 triệu USD cho 2 công ty Eastern Power Group Plc và Communication & System Solution Plc để cấp vốn cho việc xây dựng 2 nhà máy điện mặt trời tại Phú Yên. Công suất phát điện kết hợp của nhà máy lên tới khoảng 100 MW.

Trong năm 2018, Tập đoàn năng lượng B.Grimm Power PLC (Thái Lan) đã ký thỏa thuận mua 80% cổ phần tại Công ty cổ phần TTP Phú Yên – là chủ đầu tư dự án nhà máy điện mặt trời công suất 257 MW tại Phú Yên. Trước đó, nhà đầu tư này cũng hợp tác với một công ty trong nước để xây dựng dự án điện mặt trời lớn nhất Ðông Nam Á tại tỉnh Tây Ninh.

Thông qua việc hợp tác đầu tư, hồi tháng 3/2019, Tập đoàn Quadran International (Pháp) đã hợp tác cấp tín dụng cho Dự án Nhà máy điện mặt trời Cát Hiệp (Bình Ðịnh) của Tập đoàn Trường Thành Việt Nam. Dự án này khởi công từ tháng 9/2018, có quy mô công suất 50 MWp, sản lượng điện năng dự kiến khoảng 76.500 MWh mỗi năm.

Ngoài ra, Quadran International cũng đang triển khai 2 dự án năng lượng mặt trời tại các tỉnh Bình Ðịnh và Khánh Hòa. Tổng công suất là 85 MW và dự kiến sẽ nâng lên 100-200 MW mỗi năm.

Bên cạnh đó, hàng loạt các dự án điện do nước ngoài đầu tư như: Nhà máy Tata Power công suất 300 MW tại Hà Tĩnh, Nhà máy Hanwha công suất 100-200 MW tại Thừa Thiên Huế, Nhà máy GT& Associates và Mashall & Street Ltd công suất 150 MW tại Quảng Nam.

Tuy vậy, việc phát triển quá “nóng” của hàng trăm dự án năng lượng tái tạo đã bộc lộ nhiều vấn đề bất cập, thách thức. Chi phí đầu tư cao, số giờ vận hành nguồn điện thấp, cơ sở hạ tầng lưới điện ở nơi tiềm năng về năng lượng tái tạo lại chưa đáp ứng việc giải phóng công suất tối đa. Một điểm bất cập nữa là các dự án điện mặt trời đòi hỏi sử dụng quỹ đất lớn.

Nhưng vấn đề vướng mắc lớn nhất là cơ chế giá cho điện mặt trời chưa phù hợp khi “cào bằng” 9,5 cent (gần 2.100 đồng/kWh), làm giảm sức hấp dẫn và cạnh tranh. Hiện, Bộ Công thương đã xây dựng dự thảo giá mua bán điện mặt trời theo thướng ưu tiên dự án đặt tại khu vực bức xạ thấp. Cùng với đó phân tán bớt dự án tại các “điểm nóng” có bức xạ nhiệt cao như Bình Thuận, Ninh Thuận.

Một bất cập nữa, theo chuyên gia năng lượng Nguyễn Thế Mịch, với mức giá ưu đãi 9,35 Uscents/kWh, nhà đầu tư thuần tuý nhìn thấy khả năng thu hồi vốn nên tìm mọi cách để có thể xin giấy phép đầu tư ở cả cấp Trung ương lẫn địa phương. Ðối với dự án điện mặt trời công suất dưới 30 MW, địa phương đã có quyền cấp phép đầu tư. Dự án điện mặt trời từ khi khảo sát đầu tư đến khi lắp đặt có khi chỉ 5-6 tháng hoàn thành. Khi việc cấp phép đầu tư ồ ạt, trong một thời gian ngắn, 89 nhà máy được hoà lưới điện sẽ dẫn tới tình trạng rã lưới, dư thừa nguồn cấp điện là hoàn toàn có thể xảy ra.

Theo Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN), đến cuối tháng 6/2019, cả nước có 89 nhà máy điện gió và mặt trời, với tổng công suất đạt 4.543,8 MW, chiếm 8,3% tổng công suất của hệ thống điện quốc gia. Con số này đã vượt xa so với dự kiến của Quy hoạch điện VII điều chỉnh (chỉ 850 MW điện mặt trời vào năm 2020). Trong đó, riêng 2 tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận hiện có 38 nhà máy điện gió, điện mặt trời, với tổng công suất đặt 2.027 MW. Dự kiến, đến tháng 12/2020, công suất điện gió và điện mặt trời ở 2 tỉnh này sẽ tăng lên 4.240 MW.
Nguyễn Luận
Theo Tạp chí Kinh tế Môi trường

Xem thêm

Liên kết