Gắn rác thải với trách nhiệm của nhà sản xuất: Nền móng cho nền kinh tế tuần hoàn Việt Nam

Theo Vụ trưởng Vụ Pháp chế, trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, nhập khẩu (EPR) được kỳ vọng là giải pháp hiệu quả nhất giúp giải quyết vấn đề rác thải nhựa hiện nay, từ đó đặt nền móng cho nền kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam.
Thực trạng và các giải pháp quản lý rác thải sinh hoạt bằng các công cụ kinh tế ở Việt NamTạp chí Kinh tế Môi trường đứng thứ 4 về tuyên truyền chống ô nhiễm rác thải nhựa'Rác thải thời đại 4.0' đang được Việt Nam xử lý thế nào?'Biến rác thải thành điện năng', xu hướng đang lan rộng trên toàn cầu

Giải quyết hiệu quả vấn đề rác thải nhựa

Tại Việt Nam, Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, nhập khẩu (EPR) đã được nêu ra trong Luật Bảo vệ môi trường năm 2005 và năm 2014 đều quy định thu hồi, xử lý sản phẩm thải bỏ. Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 (có hiệu lực từ 1/1/2022) đã quy định về trách nhiệm tái chế, trách nhiệm thu gom xử lý chất thải. Các Nghị định, Thông tư của Chính phủ ban hành gần đây cũng đã quy định cụ thể trách nhiệm này.

Theo ông Phan Tuấn Hùng, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Tài nguyên và Môi trường, EPR là cách tiếp cận của chính sách môi trường, trong đó trách nhiệm của nhà sản xuất một loại sản phẩm được mở rộng tới giai đoạn thải bỏ trong vòng đời của sản phẩm đó.

Theo đó, nhà sản xuất, nhập khẩu được yêu cầu có trách nhiệm đối với các tác động môi trường vòng đời sản phẩm. EPR là một công cụ kinh tế và được xem là một cách tiếp cận mới nhằm tìm kiếm giải pháp tài chính xử lý vấn đề quản lý chất thải, tăng cường tái chế, giúp Chính phủ đạt được mục tiêu về môi trường mà không cần tăng thuế hay phí môi trường.

Tại “Hội thảo phổ biến và tập huấn thực hiện quy định trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, nhập khẩu (EPR) theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường” diễn ra mới đây, Bộ Tài nguyên và Môi trường mong muốn các nhà sản xuất, nhập khẩu hiểu và nắm bắt rõ hơn về các quy định pháp luật, thực hiện đúng trách nhiệm tái chế sản phẩm, bao bì và trách nhiệm thu gom, xử lý chất thải.

Gắn rác thải với trách nhiệm của nhà sản xuất: Nền móng cho nền kinh tế tuần hoàn Việt Nam - Ảnh 1
EPR được kỳ vọng là một giải pháp hiệu quả và rõ ràng nhất giúp giải quyết vấn đề rác thải nhựa hiện nay.

Về trách nhiệm tái chế của các nhà sản xuất, nhập khẩu, quy định các đối tượng cụ thể gồm: bao bì; pin - ắc quy; dầu nhớt; săm lốp; sản phẩm điện, điện tử và phương tiện giao thông. Theo đó, bao bì (tùy theo quy mô), pin - ắc quy, dầu nhớt, săm lốp sẽ phải áp dụng thực hiện trách nhiệm tái chế sản phẩm bao bì từ năm 2024. Đối với các sản phẩm điện, điện tử sẽ sang năm 2025 và phương tiện giao thông từ năm 2027.

Có 6 nhóm bao bì nằm trong đối tượng phải áp dụng là thực phẩm; mỹ phẩm; thuốc; phân bón, thức ăn chăn nuôi, thú y; chất tẩy rửa, chế phẩm gia dụng nông, nghiệp, y tế và xi măng. Ngoại trừ các trường hợp nhà sản xuất, nhập khẩu sản phẩm bao bì để xuất khẩu hoặc tạm nhập tái xuất hoặc sản xuất nhập khẩu cho mục đích nghiên cứu, học tập thử nghiệm. Các nhà sản xuất bao bì có doanh thu từ bán hàng và cung cấp dịch vụ của năm trước dưới 30 tỷ đồng; Nhà nhập khẩu bao bì có tổng giá trị nhập khẩu (tính theo trị giá hải quan) của năm trước dưới 20 tỷ đồng cũng được loại trừ.

Quy định cũng nêu rõ về tỷ lệ tái chế, quy cách tái chế bắt buộc cũng như hình thức thực hiện trách nhiệm tái chế với các nhà sản xuất, nhập khẩu. Theo đó, nha sản xuất nhập khẩu có 2 hình thức thực hiện trách nhiệm tái chế: tổ chức tái chế hoặc đóng góp tài chính hỗ trợ tái chế vào quỹ Bảo vệ môi trường.

Đối với trách nhiệm xử lý chất thải, nhà sản xuất, nhập khẩu thuốc bảo vệ thực vật (có bao bì), pin sử dụng một lần, tã bỉm, kẹo cao su, thuốc lá và một số sản phẩm có thành phần nhựa tổng hợp như bóng bay, đồ chơi trẻ em, giầy dép, quần áo, đồ nhựa dùng một lần, đồ dùng một lần, đồ nội thất, vật liệu xây dựng, túi nilon kích thước nhỏ… phải có trách nhiệm đóng góp tài chính vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam để hỗ trợ thu gom, xử lý chất thải từ ngày 1/1/2022.

Trách nhiệm của doanh nghiệp với môi trường

Từng trao đổi về vấn đề này, ông Fausto Tazzi - Tổng giám đốc Công ty TNHH La Vie, Phó Chủ tịch Liên minh tái chế bao bì Việt Nam cho rằng, hiện nay, không chỉ ở các nước phát triển mà nhiều quốc gia đang phát triển đã triển khai áp dụng EPR. Thực tế, các doanh nghiệp lớn đều mong muốn phát triển bền vững và sẵn sàng nguồn lực để xây dựng lộ trình phát triển, sản xuất bền vững, thân thiện với môi trường.

“Việc thực thi nghiêm túc các quy định về EPR vừa thể hiện trách nhiệm của doanh nghiệp, vừa là cơ hội phát triển, tăng sức cạnh tranh đối với doanh nghiệp làm tốt công tác bảo vệ môi trường. Chính vì vậy, dưới góc độ doanh nghiệp, chúng tôi hoàn toàn ủng hộ việc xây dựng và thực thi các quy định về EPR tại Việt Nam ở thời điểm hiện tại”, ông Fausto Tazzi nhấn mạnh.

Hiện nay, Việt Nam là quốc gia đứng thứ hai trên thế giới về nhập khẩu phế liệu tái chế. Theo thống kê, đã có hơn 70 doanh nghiệp hoạt động tái chế được cấp phép. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng có tiềm lực rất lớn về tái chế tại các làng nghề. Với hơn 2 triệu lao động đang hoạt động tái chế tại Việt Nam, tỷ lệ tái chế như quy định sẽ không đáp ứng đủ nguyên liệu đầu vào trong nước cho hoạt động này.

Theo ông Hoàng Đức Vượng, Chủ tịch Chi hội nhựa tái sinh (Hiệp hội Nhựa Việt Nam), trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, nhập khẩu là công cụ mang tính đột phá của Chính phủ trong việc bảo vệ môi trường, hướng tới nền kinh tế tuần hoàn.

Việc thực thi chính sách này là thách thức lớn đối với các nhà quản lý và doanh nghiệp nhưng nó là xu hướng tất yếu với một số lợi ích cơ bản như: Thúc đẩy hệ thống thu gom, tái chế cả những loại bao bì và sản phẩm ít giá trị, khó tái chế đang gây ô nhiễm môi trường và làm quá tải các bãi rác như hiện nay. Đồng thời, khuyến khích các doanh nghiệp nỗ lực thiết kế sản phẩm và bao bì sinh thái có khả năng thu gom, tái chế cao hơn, từ đó giảm chi phí và gánh nặng cho nhà tái chế.

Để thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn, phát triển bền vững thì EPR là một trong những công cụ có quan hệ mật thiết và cũng là một động lực để thúc đẩy, duy trì.

Ngoài ra, EPR còn giúp tái cấu trúc hệ thống quản lý chất thải hiện nay, góp phần hình thành ngành công nghiệp tái chế hiện đại. Nếu thực hiện đúng, đáp ứng theo các yêu cầu, Việt Nam hoàn toàn có thể đảm bảo sự khép kín, tuần hoàn tài nguyên giữa nguồn nguyên liệu đầu vào và chất thải sinh ra trong các hoạt động sản xuất.

Với tầm quan trọng trên, đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường tin tưởng rằng EPR được kỳ vọng là một giải pháp hiệu quả và rõ ràng nhất giúp giải quyết vấn đề rác thải nhựa hiện nay, từ đó đặt nền móng cho nền kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam.

Liên quan đến vấn đề này, Chuyên gia tư vấn chính sách và pháp luật Nguyễn Hoàng Phượng cho rằng, trước khi Việt Nam áp dụng các quy định EPR, hoạt động tái chế tại Việt Nam vẫn khá phát triển. Tuy nhiên, hoạt động này chỉ dừng ở việc thu gom, tái chế những sản phẩm có giá trị, còn đối với dòng sản phẩm không có giá trị vẫn chưa thu gom và tái chế.

Theo bà Phượng, những tồn tại trên chỉ có thể được giải quyết khi Việt Nam xây dựng và thực thi hiệu quả các quy định EPR, bởi đây là cách tốt nhất để huy động trách nhiệm của tất cả cộng đồng vào công cuộc thu gom và hạn chế chất thải.

Lan Anh (T/h)

Xem thêm

Liên kết