Thực trạng và các giải pháp quản lý rác thải sinh hoạt bằng các công cụ kinh tế ở Việt Nam

Thu gom, xử lý và quản lý rác thải sinh hoạt đang là vấn đề bất cập trong quản lý công tác bảo vệ môi trường ở Việt Nam.
Thực trạng và các giải pháp quản lý rác thải sinh hoạt bằng các công cụ kinh tế ở Việt Nam - Ảnh 1

Tóm tắt: Bài báo trình bày thực trạng công tác thu gom và xử lý rác thải sinh hoạt (RTSH) hiện nay ở Việt Nam, nêu lên các bất cập và đưa ra nguyên nhân chính là thiếu kinh phí xử lý. Từ đó nêu lên giải pháp áp dụng phí môi trường đối với RTSH theo tính chất và mức độ phân loại RTSH tại nguồn. Bài báo cũng đưa ra các dự báo tác động tích cực khi áp dụng thành công việc ban hành phí môi trường RTSH và một số giải pháp hỗ trợ cho việc triển khai áp dụng phí môi trường sau khi ban hành.

Thực trạng và các giải pháp quản lý rác thải sinh hoạt bằng các công cụ kinh tế ở Việt Nam - Ảnh 2

Thu gom, xử lý và quản lý rác thải sinh hoạt đang là vấn đề bất cập trong quản lý công tác bảo vệ môi trường ở Việt Nam. Sự phát triển mạnh mẽ về kinh tế trong mấy chục năm qua và sự gia tăng dân số của đất nước đang tạo ra nhiều chất thải rắn nói chung và rác thải sinh hoạt nói riêng. Tình trạng thu gom chưa triệt để, thiếu bãi chôn lấp hợp vệ sinh, thiếu các nhà máy hoặc cơ sở xử lý rác thải sinh hoạt đang tồn tại ở cả các khu đô thị và các vùng nông thôn trong cả nước.

Hiện trạng, nguyên nhân gây ra tình trạng trên đã được cơ quan quản lý môi trường Việt Nam là Bộ Tài nguyên và Môi trường rất quan tâm [1]. Tuy nhiên, các giải pháp để cải thiện tình trạng ô nhiễm do rác thải sinh hoạt chưa tỏ ra có hiệu quả. Vậy nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng trên đang là câu hỏi được các nhà khoa học và các nhà quản lý tìm lời giải đáp. Bài báo này trình bày quan điểm của nhóm tác giả từ khía cạnh kinh tế môi trường với mục tiêu góp phần cải thiện và nâng cao công tác quản lý rác thải sinh hoạt ở Việt Nam theo định hướng phát triển bền vững.

Thực trạng và các giải pháp quản lý rác thải sinh hoạt bằng các công cụ kinh tế ở Việt Nam - Ảnh 3

2.1. Thực trạng thu gom

Theo số liệu của Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia [1], quá trình tăng trưởng kinh tế và đô thị hóa làm tăng lượng rác thải sinh hoạt; chiếm đến hơn 50% tổng lượng RTSH của cả nước, từ 32.000 tấn/ngày năm 2014 lên 35.624 tấn/ngày trong năm 2019. RTSH phát sinh tại khu vực nông thôn cũng có khối lượng ngày càng tăng, từ 18.200 tấn/ngày trong năm 2011 lên 28.394 tấn/ngày năm 2019. Tỉ lệ thu gom RTSH đô thị trung bình cả nước đạt khoảng 92%. Như vậy, còn 8% khối lượng RTSH không được thu gom và bị thải bỏ vào môi trường xung quanh. Các thành phố trực thuộc Trung ương có tỉ lệ thu gom RTSH đô thị tương đối cao (Hà Nội đạt 99,0%, TP.HCM đạt 100%, Cần Thơ đạt 95,5%, Đà Nẵng đạt 100%, Hải Phòng đạt 97,0%). Tỉ lệ thu gom RTSH đô thị cao nhất là vùng Đông Nam Bộ với 98,6%; tiếp theo là vùng ĐBSH với 96,8%; thấp nhất là vùng Tây Nguyên với 62,5%.

Thực trạng và các giải pháp quản lý rác thải sinh hoạt bằng các công cụ kinh tế ở Việt Nam - Ảnh 4

2.2. Thực trạng quản lý

Tại các nước có thu nhập cao, quản lý RTSH đô thị tiếp cận theo hướng tái sử dụng, tái chế chất thải. Năm 2017, tại Hoa Kỳ, 25,1% lượng RTSH đô thị được tái chế, 10,1% được được chế biến thành phân compost, 12,7% được đốt để thu hồi năng lượng và phần còn lại (chiếm tỉ lệ 52,1%) được chôn lấp trong các bãi chôn lấp hợp vệ sinh. Đối với Nhật Bản, do diện tích đất hạn chế và dân cư đông nên giải pháp đốt để thu hồi năng lượng được lựa chọn. Trong năm 2016, 80,3% lượng RTSH đô thị của Nhật Bản được xử lý bằng phương pháp đốt để thu hồi năng lượng, 4,8% được tái chế, 13,9% được xử lý bằng các phương pháp khác và 1,0% được chôn lấp [1]. Tại các nước có thu nhập trung bình đến trung bình cao, quản lý RTSH tiếp cận theo hướng chú trọng vào xử lý, thải bỏ cuối cùng. Năm 2015, tại Bangkok (Thái Lan), 88% lượng RTSH được chôn lấp tại các bãi chôn lấp hợp vệ sinh và chỉ 12% được tái chế. Tại Trung Quốc, 61,16% lượng RTSH được chôn lấp, 29,84% được đốt để thu hồi năng lượng, khoảng 8,21% không được xử lý và 1,79% được xử lý bằng các phương pháp khác.

Số liệu báo cáo [1] cho thấy, ở Việt Nam khoảng 71% RTSH đã thu gom (tương đương 35.000 tấn/ngày) được xử lý bằng phương pháp chôn lấp (chưa tính lượng thải từ các cơ sở chế biến compost và tro xỉ phát sinh từ các lò đốt chuyển sang chôn lấp); 16% (tương đương 7.900 tấn/ ngày) được xử lý tại các nhà máy chế biến compost; 13% (tương đương 6.400 tấn/ngày) được xử lý bằng phương pháp đốt. Về thời điểm đưa vào vận hành, 34,4% các cơ sở chế biến compost và 31,8% bãi chôn lấp được xây dựng cũng như vận hành trước năm 2010. Trong khi đó, chỉ có 4,5% các cơ sở xử lý theo phương pháp đốt được vận hành trước năm 2010. Hầu hết các lò đốt được xây dựng sau năm 2014. Số liệu điều tra và dự kiến về phát sinh, thu gom RTSH của Quảng Ninh, một tỉnh phát triển vào loại cao của cả nước được trình bày trong bảng 1.

Thực trạng và các giải pháp quản lý rác thải sinh hoạt bằng các công cụ kinh tế ở Việt Nam - Ảnh 5

Tại khu vực nông thôn, việc thu gom, vận chuyển RTSH phần lớn là do các hợp tác xã, tổ đội thu gom tự quản đảm nhiệm, chi phí thu gom thỏa thuận với người dân đồng thời có sự chỉ đạo của chính quyền địa phương. Mức thu và cách thu tùy thuộc vào từng địa phương. Tại nhiều khu vực nông thôn, do không thuận tiện về giao thông, dân cư không tập trung, nên còn tồn tại hiện tượng người dân tự tiêu hủy RTSH tại gia đình bằng các hình thức thủ công hoặc vứt bừa bãi chất thải ra sông suối, đổ thải tại khu vực đất trống mà không có sự quản lý của chính quyền địa phương.

Nếu RTSH được thu gom thì hầu hết cũng để lộ thiên tập trung tại một khu vực riêng không hợp vệ sinh (lót thành đáy hố chôn, thu gom và xử lý nước rỉ rác, lấp đất che phủ…) hoặc được xử lý bằng hình thức đốt thủ công. Theo thống kê sơ bộ [1], tỉ lệ thu gom RTSH nông thôn trung bình toàn quốc đạt khoảng 66% và có sự chênh lệch lớn giữa các địa phương. Một số địa phương có tỉ lệ thu gom RTSH nông thôn cao như Hà Nội (88,0%), Ninh Thuận (85,8%), Đồng Nai (98,9%); trong khi đó, một số tỉnh có tỉ lệ thu gom thấp như Hòa Bình (31,0%), Đắk Lắk (22,4%), Điện Biên (12,0%) và thấp nhất là Lai Châu (11,7%).

Tại khu vực các vùng sâu, vùng xa, xã đảo, việc thu gom, vận chuyển, xử lý RTSH còn gặp khó khăn như: việc thu gom và vận chuyển RTSH vào đất liền, khu vực tập trung để xử lý của cấp huyện không đảm bảo hiệu quả về kinh tế và môi trường (cự ly vận chuyển xa, chi phí cao, tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường khi vận chuyển trên biển), diện tích đất đảo không lớn nên việc lựa chọn vị trí xây dựng các bãi chôn lấp RTSH khó khăn (quy mô, diện tích, khoảng cách an toàn môi trường…); khối lượng RTSH phát sinh không đủ lớn để đầu tư các lò đốt RTSH đảm bảo công suất theo quy định.

Như vậy, xử lý RTSH bằng biện pháp chôn lấp đang là phương pháp đang được áp dụng phổ biến tại Việt Nam. Trong số các bãi chôn lấp hiện nay chỉ có khoảng 20% là bãi chôn lấp hợp vệ sinh, còn lại là các bãi chôn lấp không hợp vệ sinh hoặc các bãi tập kết chất thải cấp xã. Khác biệt về đặc điểm giữa bãi chôn lấp hợp vệ sinh và bãi chôn lấp hở, không hợp vệ sinh là ở bãi chôn lấp hở: không thu gom, xử lý khí thải và nước rỉ rác; gây ô nhiễm môi trường không khí, nước và đất khu vực xung quanh do phát tán các khí thải, mùi, nước rỉ rác. Xử lý RTSH bằng phương pháp đốt đang gia tăng ở Việt Nam; nhưng phần lớn lò đốt được thiết kế, chế tạo trong nước, chưa đạt yêu cầu về nhiệt độ đốt và xử lý chất thải (khí, tro xỉ) đầu ra.

Thực trạng và các giải pháp quản lý rác thải sinh hoạt bằng các công cụ kinh tế ở Việt Nam - Ảnh 6

Theo Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về lò đốt RTSH (QCVN 61-MT:2016/BTNMT), RTSH sau khi phân loại được đưa vào lò đốt có buồng đốt sơ cấp (nhiệt độ ≥ 400oC) và thứ cấp để đốt ở nhiệt độ cao (≥ 950oC) tạo thành khí cháy và tro xỉ, giảm được 80 - 90% khối lượng chất thải. Nhiều lò đốt, đặc biệt là lò đốt cỡ nhỏ không có hệ thống xử lý khí thải hoặc hệ thống xử lý khí thải không đạt yêu cầu về môi trường. Một số nơi thử nghiệm xử lý RTSH để phát điện và sản xuất phân compost, nhưng chất lượng phân bón chưa cao, tiêu thụ chậm hoặc không tiêu thụ được; còn hiệu quả phát điện từ đốt RTSH không có và bán điện khó khăn vì so sánh với giá thành sản xuất điện từ các nguồn năng lượng khác thì giá thành sản xuất điện từ rác thải có chi phí cao hơn rất nhiều, nhưng nguồn kinh phí ngân sách cho xử lý RTSH ở Việt Nam chưa đáp ứng yêu cầu.

Bảng 1. Thống kê hiện trạng thu gom và xử lý rác thải sinh hoạt các huyện và thành phố tỉnh Quảng Ninh [4]

Thực trạng và các giải pháp quản lý rác thải sinh hoạt bằng các công cụ kinh tế ở Việt Nam - Ảnh 7

2.3. Chi phí xử lý CTRSH

Hiện nay, hầu hết kinh phí cho công tác quản lý RTSH được lấy từ ngân sách địa phương, bắt đầu từ ngân sách Nhà nước được phân bổ theo từng cấp tỉnh/thành phố, huyện/quận, xã/phường. Các nguồn ngân sách đóng góp để quản lý chất thải rác sinh hoạt (CTRSH) bao gồm:

- Phí vệ sinh hoặc giá dịch vụ thu gom, vận chuyển RTSH thường được tính bình quân theo hộ gia đình, đơn vị hành chính, doanh thu của doanh nghiệp; mà không tính trên lượng RTSH phát sinh. Do vậy, lượng phí vệ sinh thu được không đáp ứng yêu cầu chi cho hoạt động thu gom, vận chuyển RTSH. Ví dụ, tại tỉnh Bắc Ninh, tổng phí dịch vụ thu gom RTSH thu được từ các hộ gia đình và các hộ sản xuất kinh doanh năm 2018 là 62 tỉ đồng, chỉ gần đủ để phục vụ cho công tác thu gom (67 tỉ đồng), còn lại toàn bộ chi phí vận chuyển và xử lý được ngân sách địa phương chi trả. Tình trạng này còn khó khăn hơn ở các đô thị và thành phố lớn.

Thực trạng và các giải pháp quản lý rác thải sinh hoạt bằng các công cụ kinh tế ở Việt Nam - Ảnh 8

- Nguồn kinh phí sự nghiệp môi trường chi cho công tác xử lý RTSH theo [1] nằm trong nguồn kinh phí sự nghiệp môi trường tăng dần hàng năm, ở cả Trung ương và địa phương, cụ thể: năm 2019 là 20.442 tỉ đồng tương đương 1,25% tổng chi ngân sách Nhà nước (trong đó Trung ương: 2.290 tỉ đồng, địa phương: 18.152 tỉ đồng). Nhưng tùy thuộc vào mỗi địa phương mà mức chi trả cho công tác xử lý RTSH khác nhau, không thống nhất trên toàn quốc. Mức hỗ trợ xử lý của các cơ sở xử lý RTSH trung bình khoảng 250.000 đồng/tấn nhưng giá trị này có sự khác nhau giữa các loại hình công nghệ xử lý, giữa các tỉnh/thành phố. Mức chi trả này khoảng ~10 USD/tấn cho các doanh nghiệp thực hiện công tác thu gom và xử lý RTSH, kể cả mức chi trả lên tới 400.000-500.000 đồng/tấn tương đương 20 USD/tấn cũng thấp hơn nhiều các chi phí mà các quốc gia trên thế giới và khu vực chi cho xử lý RTSH. Ví dụ, các nước châu Mỹ La tinh theo số liệu của Ngân hàng Phát triển Liên Mỹ [8]; chi phí thu gom trung bình rác thải đô thị của 25 quốc gia là 34,22 USD/tấn, còn chi phí chôn lấp hợp vệ sinh là 22,43 USD/tấn. Còn chi phí đốt rác an toàn, sản xuất và tiêu thụ phân compost từ RTSH còn lớn nhiều.

Như vậy, thực trạng hiện nay ở nước ta; các doanh nghiệp thu gom và xử lý RTSH, kể cả của Nhà nước và tư nhân đều thiếu kinh phí đầu tư công nghệ và hỗ trợ sản phẩm phụ thu hồi (phân compost, điện từ rác, vật liệu xây dựng) do tiền thu lệ phí thu gom còn chưa đủ cho công tác thu gom; mọi chi phí xử lý RTSH đều phụ thuộc vào nguồn ngân sách do chính quyền cấp. Do vậy, chính quyền địa phương và các doanh nghiệp chỉ có thể lựa chọn phương pháp chôn lấp hoặc đốt rác không đảm bảo an toàn môi trường. Để giải quyết bất cập trên cần phải có chính sách mới theo cơ chế thị trường; trong đó việc tăng cường áp dụng công cụ kinh tế như: ban hành phí môi trường đối với RTSH, tính lệ phí và phí môi trường theo lượng RTSH phát sinh, áp dụng xử phạt các vi phạm trong lĩnh vực thu gom và xử lý RTSH, chính sách hỗ trợ đầu tư, chính sách tiêu thụ sản phẩm thu hồi.

Thực trạng và các giải pháp quản lý rác thải sinh hoạt bằng các công cụ kinh tế ở Việt Nam - Ảnh 9

Từ những điều đã trình bày ở trên, có thể nhận thấy trong quản lý RTSH ở Việt Nam chỉ có một số công cụ kinh tế môi trường được triển khai áp dụng, nhưng chưa đầy đủ. Đó là lệ phí môi trường trong thu gom rác, bước đầu thực hiện phí không tuân thủ. Công cụ quan trọng trong quản lý chất thải rắn nói chung và RTSH nói riêng là phí môi trường của RTSH chưa được áp dụng.

3.1. Phí môi trường

Về nguyên tắc, phí môi trường là khoản thu dành cho việc xử lý chất thải hoặc chi phí ngăn ngừa tác động có hại do chất thải gây ra. Công thức tổng quát tính phí môi trường đối với chất thải như sau:

Trong đó, Mij là là phí môi trường chung của chất thải; Pij là suất phí môi trường của loại tác động i của tác động có hại j; Eij là tổng lượng tác động i của của tác động có hại j trong chất thải; eij là lượng tác động i của tác động có hại j trong 1 đơn vị chất thải; K là tổng đơn vị chất thải được tính. Trong thực tế, phí môi trường là chi phí xử lý các thành phần môi trường hay chất thải gây ô nhiễm trở về trạng thái bình thường trong tự nhiên hoặc là chi phí khắc phục các tác động ô nhiễm mà thành phần hay chất thải có thể gây ra đối với môi trường sống của con người. Như vậy, nếu lượng hóa được phí môi trường của đơn vị chất thải, ta có thể tính được phí môi trường của bất kỳ doanh nghiệp hoặc nguồn thải nào.

Nhưng rác thải sinh hoạt không phải là chất thải mà còn là tài nguyên có thể khai thác để sử dụng cho các nhu cầu khác nhau của con người. Thật vậy, nếu để chúng lẫn lộn các loại trong RTSH thì RTSH là chất thải cần xử lý; nhưng từ RTSH các thành phần có thể tái sử dụng (các bộ phận chi tiết chưa hỏng), tái chế (kim loại, gỗ, giấy, nhựa, nilon, v.v.), tận dụng (thực phẩm thừa, chất hữu cơ dễ phân hủy, v.v.) thì đây sẽ là các loại tài nguyên có giá trị. Chúng ta đều biết nhiều tỉ phú và công ty lớn trên thế giới tạo ra nguồn vốn đầu tiên của mình từ khai thác các dạng tài nguyên chứa trong RTSH. Như vậy, phí môi trường nếu áp dụng, cần phải tính khác nhau cho mức độ phân loại của RTSH và khu vực tiếp nhận RTSH.

Về nguyên tắc có thể chia mức phí môi trường đối với RTSH thành bốn loại lớn:

- Phí môi trường đối với các thành phần nguy hại trong RTSH cần phải xử lý sâu, như acquy hỏng, pin hỏng, v.v.

- Phí môi trường đối với RTSH chưa phân loại tại nguồn.

- Phí môi trường đối với RTSH đã phân loại.

- Phí môi trường đối với các loại có thể tái sử dụng, tái chế, tận dụng.

- Phí môi trường đối với các loại đem chôn lấp.

Nếu xác định được các mức phí môi trường cho các loại trên một cách hợp lý, việc phân loại RTSH tại nguồn có là động lực kinh tế đối với các doanh nghiệp, làm giảm áp lực của công tác tuyên truyền vận động phân loại tại nguồn hay thanh tra xử phạt về xả thải RTSH.

3.2. Lệ phí thu gom

Đây là nguồn thu chính hiện nay của các doanh nghiệp thu gom và xử lý chất thải dựa trên nguyên tắc: các doanh nghiệp thu gom là người cung cấp dịch vụ cho khách hàng là người dân, các cơ quan tổ chức và các doanh nghiệp có nhu cầu. Trong nền kinh tế thị trường hoàn hảo đây là quan hệ bình đẳng giữa người bán hàng là doanh nghiệp thu gom và người mua hàng là những cá nhân, tổ chức có nhu cầu. Tuy nhiên, trong cơ chế quản lý hiện nay ở nước ta, đây chưa phải là quan hệ kinh tế mà đang là dịch vụ công. Trong đó, vai trò của chính quyền trong việc xác định doanh nghiệp thu gom, cũng như mức phí mà các cá nhân và các tổ chức đóng góp là rất lớn.

Các doanh nghiệp thu gom thường không tham gia vào quan hệ cạnh tranh nâng cao chất lượng và doanh thu của mình. Với việc áp dụng phí môi trường cho RTSH như đã nói ở trên, có thể xuất hiện nhiều doanh nghiệp thu gom nhỏ của một khu đô thị trong một thành phố làm chân rết cho nhiều doanh nghiệp xử lý chất thải của cả vùng và miền lớn hơn. Trong việc thu gom và xử lý RTSH sẽ xuất hiện quan hệ cạnh tranh mang tính thị trường giữa các doanh nghiệp thu gom và xử lý RTSH. Chất lượng môi trường sống sẽ tốt hơn, việc thu gom và xử lý RTSH sẽ mang lại hiệu quả cao về môi trường và kinh tế cho xã hội. Nguồn ngân sách môi trường có thể giảm dần vai trò trong điều tiết công tác quản lý chất thải rắn hiện nay. Người dân và các doanh nghiệp sẽ quan tâm nhiều hơn tới công tác giảm xả thải và phân loại RTSH tại nguồn một cách tự giác.

Thực trạng và các giải pháp quản lý rác thải sinh hoạt bằng các công cụ kinh tế ở Việt Nam - Ảnh 10
Thực trạng và các giải pháp quản lý rác thải sinh hoạt bằng các công cụ kinh tế ở Việt Nam - Ảnh 11
Nhiều nơi đã áp dụng việc phân loại RTSH tại nguồn. (Ảnh Internet)

3.3. Phí không tuân thủ

Về nguyên tắc, phí không tuân thủ thu gom RTSH là khoản thu có giá trị gấp nhiều lần phí môi trường khi người dân hay doanh nghiệp xả thải ra môi trường, không tuân thủ hợp đồng đã ký hay xả thải không có hợp đồng với doanh nghiệp thu gom RTSH. Trong hệ thống quản lý môi trường ở nước ta, có thể xem phí không tuân thủ là tiền phạt do vi phạm các quy định bảo vệ môi trường (Nghị định số 155/2016/NĐ-CP, Nghị định 55/2021/NĐ-CP). Công cụ kinh tế môi trường trong thực tế đã triển khai trong công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt. Công cụ này cần áp dụng và phát huy một cách mạnh mẽ và chặt chẽ khi áp dụng công cụ phí môi trường.

Thực trạng và các giải pháp quản lý rác thải sinh hoạt bằng các công cụ kinh tế ở Việt Nam - Ảnh 12

Quản lý RTSH đòi hỏi hoạt động đồng bộ của cơ cấu tổ chức trong xã hội từ chính quyền đến các tổ chức xã hội, đặc biệt là của toàn thể cộng đồng dân cư; cũng như việc áp dụng tất cả các công cụ, chính sách. Việc ban hành phí môi trường với RTSH có thể tạo ra các hiệu quả tích cực nhưng cũng đòi hỏi hỏi các giải pháp để hỗ trợ trong quá trình triển khai.

Tăng cường chính sách ưu đãi: Trong lĩnh vực thu gom và xử lý chất RTSH, mặc dù đã có các cơ chế chính sách ưu đãi, hỗ trợ về vốn đầu tư, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm sau xử lý, tuy nhiên, việc hướng dẫn triển khai còn thiếu và chưa kịp thời, cụ thể nên các quy định này chưa đi vào cuộc sống, số dự án xử lý RTSH được vay vốn từ các nguồn vốn ưu đãi rất ít. Các cơ chế cụ thể về ưu đãi cho các hoạt động tái chế, tái sử dụng RTSH, tận thu năng lượng từ quá trình xử lý RTSH còn thiếu và chưa đồng bộ. Cụ thể, Chính phủ về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án phát điện sử dụng RTSH tại Việt Nam có đã ban hành các quy định hỗ trợ về giá mua điện nhưng lại ràng buộc các dự án xử lý chất thải theo quy hoạch ngành điện, dẫn tới việc triển khai của nhiều dự án gặp khó khăn do chờ quy hoạch này của ngành điện. Nghị định số 32/2017/NĐ-CP ngày 31 tháng 3 năm 2017 của Chính phủ về tín dụng đầu tư của Nhà nước xác định đối tượng được hưởng ưu đãi tín dụng đầu tư bao gồm các cơ sở xử lý rác thải, trong đó chỉ quy định danh mục các dự án nhóm A, B, dự án trên 50 tỉ đồng, được tiếp cận nguồn vốn tín dụng.

Xã hội hóa công tác thu gom và xử lý: Cần xây dựng mô hình thu gom và quản lý RTSH theo cơ chế thị trường phù hợp với thực tiễn, tạo điều kiện cho tất cả các doanh nghiệp xã hội tham gia; nhất là sự tham gia của các doanh nghiệp tư nhân lớn, doanh nghiệp nước ngoài vào công tác thu gom và xử lý RTSH.

Tăng cường công tác phối hợp giữa các bộ, ngành, và địa phương trong việc thực hiện đầu tư thu gom, xử lý; xây dựng cơ sở dữ liệu và thanh tra, kiểm tra, giám sát thực hiện; đặc biệt giám sát việc thực hiện phân loại và xử lý RTSH.

Tăng cường phát huy sự sáng tạo của chính quyền cơ sở trong việc đa dạng hóa mô hình thu phí môi trường RTSH: thu theo mức độ phân loại, thu theo khối lượng và tính chất, thu bằng việc bán bao gói RTSH, kinh doanh tái chế RTSH.

Thực trạng và các giải pháp quản lý rác thải sinh hoạt bằng các công cụ kinh tế ở Việt Nam - Ảnh 13

Những nội dung trình bày trên cho phép đưa ra một số kết luận sơ bộ sau:

1. Thực trạng hiện nay ở nước ta: Các doanh nghiệp thu gom và xử lý RTSH, kể cả của Nhà nước và tư nhân đều thiếu kinh phí đầu tư công nghệ và hỗ trợ sản phẩm phụ thu hồi (phân compost, điện từ rác, vật liệu xây dựng) do tiền thu lệ phí thu gom còn chưa đủ cho công tác thu gom; mọi chi phí xử lý RTSH đều phụ thuộc vào nguồn ngân sách do chính quyền cấp. Do vậy, chính quyền địa phương và các doanh nghiệp chỉ có thể lựa chọn phương pháp chôn lấp hoặc đốt rác không đảm bảo an toàn môi trường. Nguyên nhân chính thiếu nguồn kinh phí là chưa áp dụng phí môi trường trong xử lý RTSH.

2. Nhà nước cần ban hành phí môi trường cho RTSH làm nguồn kinh phí quan trọng cho công tác thu gom và xử lý RTSH. Tuy nhiên, cần căn cứ vào tính chất và mức độ phân loại RTSH tại nguồn để tính phí môi trường RTSH phù hợp. Việc ban hành phí môi trường RTSH bên cạnh việc bổ sung nguồn kinh phí cho công tác thu gom và xử lý RTSH; đồng thời sẽ tạo điều kiện cho việc xã hội hóa công tác thu gom và xử lý RTSH.

3. Để hỗ trợ cho việc triển khai thu phí môi trường RTSH, cần tăng cường chính sách ưu đãi trong lĩnh vực thu gom và xử lý chất RTSH; xã hội hóa công tác thu gom và xử lý; tăng cường công tác phối hợp giữa các bộ, ngành, và địa phương trong thanh tra giám sát, đặc biệt giám sát việc thực hiện phân loại và xử lý RTSH; tăng cường phát huy sự sáng tạo của chính quyền cơ sở trong việc đa dạng hóa mô hình thu phí môi trường RTSH.

Phạm Thị Mai , Phạm Hùng Sơn, Lưu Đức Hải
Theo Tạp chí KTMT

Xem thêm

Liên kết