Trong bài phát biểu về chính sách trước Nghị viện châu Âu ở Strasbourg, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cho biết, EU sẽ đề xuất tăng thêm 4 tỉ euro cho các dự án tài chính khí hậu cho đến năm 2027.
Bên cạnh đó, bà von der Leyen cũng hi vọng Mỹ và các đối tác của EU cũng sẽ thúc đẩy thúc đẩy đóng góp tài chính cho quá trình chống biến đổi khí hậu. “Điều này rất quan trọng, bởi vì việc thu hẹp khoảng cách tài chính khí hậu với nhau, Mỹ và Liên minh châu Âu, sẽ là một tín hiệu mạnh mẽ cho vai trò lãnh đạo trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu toàn cầu”.
Theo bà von der Leyen, EU đã đóng góp 25 tỉ USD mỗi năm tài trợ cho các dự án khí hậu và sẽ tăng gấp đôi nguồn tài trợ quốc tế của mình để bảo vệ thiên nhiên và ngăn chặn sự suy giảm đa dạng sinh học của thế giới.
Tài chính khí hậu dự kiến sẽ là một vấn đề quyết định tại Hội nghị thượng đỉnh của Liên Hợp Quốc về Biến đổi khí hậu (COP26) diễn ra vào tháng 11. Tại sự kiện này, các nhà lãnh đạo thế giới sẽ nỗ lực thực hiện các cam kết cắt giảm khí thải nhanh hơn để cố gắng ngăn chặn quá trình biến đổi khí hậu thảm khốc.
Trong bối cảnh chỉ còn 7 tuần nữa diễn ra Hội nghị COP26, nguồn tài chính vẫn đang là một vấn đề nhức nhối. Các nước phát triển đến nay đã không thực hiện được cam kết năm 2009 về việc hỗ trợ 100 tỉ USD cho các dự án khí hậu mỗi năm để hỗ trợ các nước nghèo đối phó biến đổi khí hậu vào năm 2020.
Nếu không có sự hỗ trợ từ các quốc gia giàu có, các quốc gia đang phát triển sẽ khó có thể thực hiện các khoản đầu tư khổng lồ cần thiết để đưa nền kinh tế chấm dứt phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch và chuyển sang năng lượng sạch, hoặc củng cố cơ sở hạ tầng để đối phó với các tác động của biến đổi khí hậu.
Trước đó, theo các quan chức chính phủ ở Ấn Độ, quốc gia này dự kiến sẽ hoàn thành vượt mức các mục tiêu về cắt giảm khí thải nhà kính và thúc đẩy tỉ trọng sử dụng nhiên liệu không hóa thạch trong sản xuất điện. Tuy nhiên, bất kỳ cam kết nào để cắt giảm lượng khí thải carbon đều sẽ phụ thuộc vào nguồn tài chính khí hậu từ các nước phát triển. Được biết, Ấn Độ là quốc gia phát thải khí nhà kính lớn thứ tư thế giới sau Trung Quốc, Mỹ và EU.
Bên cạnh đó, vào tháng 4/2021, Mỹ đã cam kết sẽ tăng gấp đôi tài chính về khí hậu công cộng cho các nước đang phát triển vào năm 2024 so với mức trung bình dưới thời chính quyền Obama.
Theo đó, các quốc gia giàu có đã cùng nhau đóng góp gần 80 tỉ USD cho các dự án khí hậu vào năm 2018. Theo thống kế từ Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), EU và các nước thành viên hiện đang là nhà cung cấp tài chính khí hậu lớn nhất cho các quốc gia đang phát triển.