Khoản lỗ hơn 20.700 tỷ đồng
Theo đó, báo cáo ghi nhận doanh thu hợp nhất của tập đoàn năm 2022 đạt 463.000 tỷ đồng, tăng 8,7% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, doanh thu từ bán điện chiếm tới 98%, đạt trên 456.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, do giá vốn hàng bán tăng cao, chiếm hơn 452.000 tỷ đồng nên lợi nhuận gộp của EVN giảm mạnh còn 10.580 tỷ đồng, giảm hơn 72% so với năm 2021.
Năm 2022, tập đoàn này cũng ghi nhận doanh thu hoạt động tài chính giảm xuống 7.382 tỷ đồng, giảm hơn 50% so với năm 2021. Trong khi đó, chi phí tài chính tăng 24% lên 18.192 tỷ đồng (chủ yếu do chênh lệch tỷ giá); chi phí bán hàng giảm 17% xuống còn 6.172 tỷ đồng; chi phí quản lý tăng nhẹ khoảng 1,2% lên mức 14.380 tỷ đồng.
Sau khi trừ các chi phí, EVN ghi nhận lỗ sau thuế là 20.747 tỷ đồng, trong khi năm 2021 lãi 14.726 tỷ đồng. Riêng công ty mẹ tập đoàn lỗ sau thuế 22.256 tỷ đồng.
Nợ vay dài hạn chiếm trên 85% tổng nợ tài chính
Về tình hình tài chính, tiền và tương đương tiền đến hết năm 2022 còn 38.640 tỷ đồng (giảm gần 1.100 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm), trong đó tiền gửi kỳ hạn dưới 3 tháng tại ngân hàng đạt 31.130 tỷ đồng và hơn 7.500 tỷ đồng tiền tại quỹ. Ngoài ra EVN còn khoản tiền gửi dài hạn gần 62.900 tỷ đồng, giảm hơn 29.900 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm. Tổng tiền đi gửi ngân hàng các kỳ hạn và tiền tại quỹ hơn 101.540 tỷ đồng. Tỷ trọng tiền gửi dài hạn trên tổng tiền gửi của EVN chỉ chiếm gần 62%, còn lại tiền và tương đương tiền chiếm đến 38%?
Nếu mang đi so sánh với các ông lớn giàu tiền trên sàn như Hòa Phát (24.500 tỷ đồng), như PV Gas (gần 34.300 tỷ đồng), như Tổng Công ty cảng hàng không Việt Nam (ACV - khoảng 33.000 tỷ đồng)... thì lượng tiền đi gửi ngân hàng của EVN đang lớn hơn cả 3 ông lớn này cộng lại.
Tổng tài sản EVN đến 31/12/2022 đạt 666.165 tỷ đồng, giảm 39.237 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm, tương ứng giảm 5,6% so với đầu kỳ.
Trong khi tiền nhiều đi gửi ngân hàng, thì EVN cũng là chủ nợ lớn. Tổng nợ phải trả 440.814 tỷ đồng, giảm được gần 16.700 tỷ đồng so với đầu kỳ. Trong số đó vay nợ thuê tài chính ngắn hạn 47.587 tỷ đồng và vay nợ thuê tài chính dài hạn 276.678 tỷ đồng. Tổng vay nợ thuê tài chính ngắn và dài hạn 324.274 tỷ đồng. Tổng nợ tài chính ngắn và dài hạn chiếm 73,6% tổng nợ phải trả, trong đó nợ vay dài hạn chiếm trên 85% tổng nợ tài chính.
Một trong những tiêu chí trên báo cáo tài chính năm 2022 của EVN đang được nhiều bên nhắc tới hiện nay là khoản “phải trả người bán ngắn hạn” hơn 79.143 tỷ đồng, tăng hơn 16.400 tỷ đồng so với đầu năm.
Trước đó tại buổi làm việc giữa Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Tổng Công ty điện lực Dầu khí Việt Nam PV Power (POW), Ban lãnh đạo đã cập nhật tình hình hoạt động 6 tháng đầu năm trong đó nhắc đến việc PV Power đang gặp khó khăn trong việc thu hồi công nợ từ Tập đoàn điện lực Việt Nam. PV Power cho biết số nợ tồn đọng đã xấp xỉ 13.000 tỷ đồng.
Ngoài khoản phải trả người bán, EVN còn khoản vay tài chính, trong đó phần lớn là vay từ các đơn vị thành viên. Trong số đó có những khoản vay hàng chục nghìn tỷ đồng. Ví dụ khoản vay của Tổng công ty điện lực miền Bắc hơn 36.400 tỷ đồng; vay Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia gần 38.900 tỷ đồng; vay Tổng Công ty phát điện 2 – CTCP hơn 10.900 tỷ đồng…
Trước đó, vào tháng 3/2023, Bộ Công Thương công bố kết quả kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2022. Theo đó, giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2022 là 2.032,26 đồng/kWh, tăng 9,27% so với năm 2021.
Như vậy, giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2022 của EVN cao hơn giá bán lẻ điện bình quân theo Quyết định 648 ngày 20-3-2019 của Bộ Công Thương gần 168 đồng/kWh. Theo Quyết định 648, giá bán lẻ điện bình quân từ áp dụng từ năm 2019 đến nay là 1.864,44 đồng/kWh.
Khoản lỗ của EVN trong năm 2022 cũng được các đại biểu Quốc hội quan tâm và đề nghị làm rõ tại kỳ họp thứ 5 vừa qua, EVN cũng đã có báo cáo làm rõ vấn đề này.
Anh Thư