FE Credit được chấp thuận tăng vốn, có tính đường giảm vốn của VPBank?

Sau khi chuyển đổi thành công ty cổ phần, Công ty Tài chính TNHH một thành viên Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (FE Credit) sẽ được tăng vốn điều lệ từ 7.328 tỉ đồng lên 7.333 tỉ đồng.
Cảnh giác các thủ đoạn lừa đảo tài chính dịp Tết Nguyên đánThủ tướng phê duyệt Chiến lược tài chính toàn diện quốc giaLộ rõ tham vọng 'đế chế' tài chính, Grab xin mở ngân hàng 1,1 tỉ USD
fe credit duoc chap thuan tang von co tinh duong giam von cua vpbank
Bán công ty tài chính tiêu dùng có thể khiến lợi nhuận của VPBank co hẹp trong dài hạn.

Ngày 13/2, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có văn bản số 762/NHNN-TTGSNH về việc chấp thuận nguyên tắc chuyển đổi hình thức pháp lý Công ty Tài chính TNHH một thành viên Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (FE Credit) thành công ty cổ phần hoạt động theo Luật doanh nghiệp.

Ngân hàng Nhà nước cũng chấp thuận việc tăng vốn điều lệ cho Công ty Tài chính TNHH một thành viên Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng từ mức 7.328 tỉ đồng hiện tại lên 7.333 tỉ đồng.

Như vậy, FE Credit đang có những bước đi quan trọng trong việc thay đổi hình thức sở hữu từ công ty có 100% vốn của VPBank sang công ty cổ phần với đa dạng sở hữu hơn. Điều này được cho là bước chuẩn bị cần thiết cho việc VPBank triển khai kế hoạch bán cổ phần tại FE Credit - là công ty tài chính đóng góp doanh thu và lợi nhuận đáng kể cho ngân hàng này trong nhiều năm qua. Ngân hàng cho biết sẽ tìm kiếm và lựa chọn đối tác để bán cổ phần, quyết định mức giá phù hợp để chào bán.

Về kết quả kinh doanh, FE Credit hiện là công ty tài chính tiêu dùng dẫn đầu về thị phần với khối lượng giải ngân 2019 đạt 72.500 tỉ đồng, tăng 19% so với năm trước. Dư nợ cho vay đạt 60.594 tỉ đồng, tăng 13,8%. Lợi nhuận trước thuế đạt 4.488 tỉ đồng, tăng 8% so với năm 2018. FE Credit được xem là "con gà đẻ trứng vàng" của VPbank trong giai đoạn ngân hàng này tăng trưởng mạnh mẽ về tín dụng với mức hơn 30-40% mỗi năm, liên tục chinh phục các mốc lợi nhuận "khủng" chưa từng có. Và cũng nhờ sở hữu FE Credit nên VPbank thu hút được các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm mua cổ phiếu trước thời điểm ngân hàng niêm yết trên sàn chứng khoán (tỉ lệ sở hữu của tổ chức nước ngoài là 22,34% vốn ngân hàng tính tới tháng 6/2017).

Còn nhớ tại sự kiện giới thiệu về cơ hội đầu tư vào cổ phiếu VPBank năm 2017, ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng Giám đốc VPBank bất ngờ công bố thông tin VPBank ở thời điểm đó không có kế hoạch bán bớt cổ phần tại FE Credit hay bán bất cứ tài sản nào. Trong khi trước đó, ngân hàng đã lên kế hoạch bán 49% cổ phần FE Credit cho đối tác nước ngoài, thậm chí đang xúc tiến đàm phán với các đối tác như Nhật Bản... Thời điểm 2016, FE Credit đang đóng góp một nửa tổng lợi nhuận hợp nhất của VPBank, tạo nên sức hấp dẫn "không thể chối từ" cho ngân hàng này khi IPO, niêm yết trên sàn. Việc thoái vốn này sẽ tạo nguồn tài chính để ngân hàng mẹ VPBank tập trung củng cố hoạt động kinh doanh.

"FE Credit hoạt động trong lĩnh vực cho vay tiêu dùng rất rủi ro và cũng rất mới ở Việt Nam. Ban lãnh đạo ngân hàng xác định, cần phải có một đối tác có kinh nghiệm sâu. Thậm chí là một đối tác đã trải qua cuộc khủng hoảng, đặc biệt là khủng hoảng tài chính tiêu dùng", ông Vinh nhấn mạnh.

Đến nay, VPBank dường như đang tái khởi động kế hoạch bán cổ phần FE Credit ra ngoài trong bối cảnh hoạt động tài chính tiêu dùng có dấu hiệu chững lại sau thời gian tăng trưởng quá nóng. Đáng chú ý, nợ xấu của VPBank đã tăng rất mạnh trong 3 năm gần đây (2017-2018-2019) lên tới 3,42% dư nợ vào cuối năm 2019, tương ứng hơn 8.796 tỉ đồng nợ xấu. Riêng nợ xấu có nguy cơ mất vốn tiếp tục tăng gần 10% lên tới 2.038 tỉ đồng. Số dư trái phiếu VAMC giảm mạnh từ 3.100 tỉ đồng xuống dưới 908 tỉ đồng, tương ứng giảm hơn 71%.

Lợi nhuận năm 2019 của VPbank tăng lên mức kỷ lục 10.334 tỉ đồng, trong số này, FE Credit đã đóng góp 43,4% trong tổng lợi nhuận của ngân hàng.

Thế nhưng, vấn đề đáng ngại là FE Credit hoạt động ở lĩnh vực cho vay rủi ro cao, luôn duy trì tỉ lệ nợ xấu lớn. Đến cuối năm 2019, tỷ lệ nợ xấu của FE Credit là 6%, không thay đổi so với cuối năm 2018 và có xu hướng tăng khá mạnh trở lại trong nửa cuối năm vừa qua.

Theo phân tích của Công ty chứng khoán Phú Hưng, VPbank đang đối mặt với rủi ro khi hoạt động cho vay tín dụng tiêu dùng gặp khó khăn khi nền kinh tế bước vào chu kỳ đi xuống, cạnh tranh khốc liệt hơn khiến lợi nhuận co hẹp. Bên cạnh đó, Thông tư 18/2019/TT-NHNN của NHNN quy định về việc cho vay của các công ty tài chính tiêu dùng là bất lợi lớn cho hoạt động của FE Credit, có thể khiến lợi nhuận của VPBank không tăng trưởng như kì vọng.

Theo Nhật My/ Tin Nhanh Online

Xem thêm

Liên kết