Gần 90 nước cam kết nỗ lực giảm lượng phát thải khí metan trong cuộc đua với biến đổi khí hậu

Theo báo cáo của Liên Hợp Quốc cho thấy việc cắt giảm mạnh lượng khí thải metan trong thập kỉ này có thể ngăn nhiệt độ Trái Đất tăng thêm gần 0,3 độ C vào những năm 2040.
Giảm trừ hiệu ứng nhà kính để bảo vệ Trái đấtHiệu ứng nhà kính và những hậu quả khó lườngHiệu ứng nhà kính là gì?Mật độ khí thải gây hiệu ứng nhà kính cao kỷ lục

Hiện nay, lượng khí metan được thải ra môi trường đã tăng khoảng 50 triệu tấn/năm so với mức trung bình trong giai đoạn từ năm 2000-2006. Nồng độ khí metan cũng đã tăng gấp 2,5 lần kể từ năm 1750, thời điểm ngay trước khi diễn ra cuộc Cách mạng Công nghiệp.

Cho đến nay, metan cũng là nguyên nhân gây ra sự ấm lên toàn cầu lớn thứ 2 sau CO2, khi ảnh hưởng của khí này chiếm tới 23% trong số tất cả các loại khí gây hiệu ứng nhà kính. Khí này có khả năng giữ nhiệt cao hơn CO2 nhưng phân hủy trong khí quyển nhanh hơn - đồng nghĩa việc cắt giảm lượng khí thải metan có thể có tác động nhanh chóng đến việc khống chế hiện tượng ấm lên toàn cầu.

Trước thực trạng đó, gần 90 quốc gia đã tham gia sáng kiến Cam kết cắt giảm khí metan toàn cầu được Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) khởi xướng nhằm giảm 30% lượng phát thải khí metan gây hiệu ứng nhà kính vào năm 2030 so với mức năm 2020.

Việc cắt giảm 30% khí thải metan sẽ do các bên ký kết cùng đạt được và trải rộng trên tất cả các lĩnh vực. Các nguồn phát thải khí metan chính bao gồm cơ sở hạ tầng dầu khí bị rò rỉ, các mỏ than cũ, nông nghiệp và các bãi chôn lấp.

Gần 90 nước cam kết nỗ lực giảm lượng phát thải khí metan trong cuộc đua với biến đổi khí hậu - Ảnh 1
Lượng phát thải khí metan trên toàn cầu hàng năm tăng mạnh. (Ảnh minh họa)

Nếu được thực hiện, cam kết có thể sẽ có tác động lớn đến ngành năng lượng, khi các nhà phân tích cho rằng việc cải tạo cơ sở hạ tầng dầu khí bị rò rỉ là cách nhanh nhất và ít tốn kém nhất để hạn chế phát thải khí metan.

Kể từ khi được công bố lần đầu tiên vào tháng Chín với một số ít các bên ký kết, Mỹ và EU đã nỗ lực thuyết phục các quốc gia phát thải khí metan lớn nhất thế giới tham gia vào hiệp ước trên.

Chỉ trong tuần qua đã có khoảng 60 quốc gia đồng ý tham gia, sau khi Mỹ và EU thúc đẩy nỗ lực ngoại giao vào phút chót trước thềm Hội nghị thượng đỉnh khí hậu được tổ chức trong khuôn khổ Hội nghị COP26 ở Glasgow (Scotland, Vương quốc Anh).

Mặc dù không phải là một phần trong các cuộc đàm phán chính thức của Liên Hợp Quốc, nhưng những cam kết cắt giảm khí metan có thể được xem là một trong những kết quả quan trọng nhất của Hội nghị COP26.

Theo Liên Hợp Quốc, “phát thải ròng bằng 0” có nghĩa là cắt giảm phát thải về mức càng gần 0 càng tốt, thí dụ thông qua chuyển sang nền kinh tế xanh và năng lượng tái tạo sạch. Bên cạnh đó, tất cả các khí thải còn lại phải được tái hấp thụ bởi rừng và đại dương "khỏe mạnh".

Nếu thế giới tiếp tục phát thải gây biến đổi khí hậu thì nhiệt độ Trái đất sẽ tăng vượt ngưỡng 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Mức tăng này sẽ đe dọa cuộc sống và sinh kế của người dân trên toàn cầu. Đó là lý do ngày càng có nhiều quốc gia cam kết đưa phát thải ròng về 0 trong vài thập kỉ tới.

Hơn 10 quốc gia, trong đó có Đan Mạch, Mỹ cùng ký tuyên bố ủng hộ mục tiêu đưa mức phát thải ròng về 0 vào năm 2050 đối với ngành hàng hải trên toàn cầu. Dự kiến, mục tiêu này sẽ được đưa ra thảo luận tại các cuộc đàm phán của Tổ chức hàng hải quốc tế (IMO) trong thời gian tới.

Ngoài Đan Mạch và Mỹ, 12 nước gồm Bỉ, Anh, Phần Lan, Pháp, Đức, Honduras, Hungary, Iceland, quần đảo Marshall, Na Uy, Panama và Thụy Điển cũng đã ký tuyên bố chung về lĩnh vực hàng hải.

Theo đó, các nước cam kết phối hợp tại IMO nhằm thông qua mục tiêu cho năm 2030 và 2040, đưa ngành hàng hải vào lộ trình khử carbon hoàn toàn vào năm 2050, cũng như thông qua các biện pháp để đạt được những mục tiêu này.

Linh Chi

Xem thêm

Liên kết