Giá vàng SJC trong nước đã tăng mạnh tiến sát mốc 50 triệu đồng/lượng ngày 25/2. |
Rạng sáng nay 25/2 (giờ Việt Nam), giá vàng thế giới giao ngay đứng ở mức 1.681 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 4 năm 2020 trên sàn Comex New York đứng ở mức 1.685 USD/ounce. Giá vàng hiện tại đã tăng hơn 31,0% (398 USD/ounce) so với đầu năm 2019. Sau quy đổi, giá vàng thế giới hiện tương đương 46,6 triệu đồng/lượng (chưa tính thuế và phí), và thấp hơn 2,5 triệu đồng so với vàng trong nước.
Như vậy, giá vàng thế giới đã tăng vượt đỉnh giá của 7 năm khi làn sóng đầu cơ vàng dâng cao do lo ngại dịch bệnh Covid-19 bùng phát gây ảnh hưởng tiêu cực đến kinh tế thế giới. Dòng tiền tháo chạy khỏi các thị trường chứng khoán cũng được cho là tìm đến kênh trú ẩn an toàn là vàng, đẩy giá kim loại quý này tăng bất chấp.
Mở cửa thị trường sáng nay, lúc 8h02, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng miếng SJC mua vào ở mức 47,8 và bán ra là 49 triệu đồng/lượng. Đây là mức giá đóng cửa chiều hôm qua với biên độ chênh lệch mua - bán đẩy lên cao tới 2,2 triệu đồng/lượng ở chiều mua và tăng 2,9 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra so với sáng hôm qua.
Trong ngày hôm qua 24/2, các thương hiệu kinh doanh vàng bạc đá quý đều tăng đột biến và liên tục được điều chỉnh tăng. Cụ thể, Công ty vàng bạc đá quý Doji niêm yết giá vàng ở mức 47,7 – 49,2 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra), tăng 2 triệu đồng/lượng ở chiều mua vào và tăng 3,2 triệu đồng chiều bán ra so với phiên sáng. Đến sáng nay, Doji đã giữ giá mua vào ở mức 47,7 triệu đồng/lượng, nhưng tăng giá bán lên cao nhất 49,13 triệu đồng/lượng tại thị trường TP.HCM.
Trong khi đó, tại thị trường Hà Nội sáng nay, Doji đã điều chỉnh giảm giá bán ra xuống còn 47,6 triệu đồng/lượng và giảm giá mua vào 46,6 triệu đồng/lượng.
Doji điều chỉnh giảm giá vàng sáng nay xuống 47,6 triệu đồng/lượng. |
Chiều qua, Tập đoàn vàng bạc đá quý Phú Quý cũng tăng giá vàng SJC lên mức 47,5 triệu đồng/lượng (mua vào) – 48,5 triệu đồng/lượng (bán ra), tăng 1,8 triệu đồng/lượng ở chiều mua và tăng 2,5 triệu đồng/lượng ở chiều bán so với đầu giờ sáng.
Đây được xem là mức tăng kỷ lục trong một ngày từ trước tới nay. Việc giá vàng trong nước tăng đang bám sát diễn biến giá vàng tăng nhanh những ngày qua, tiến sát mức 1.680 USD/ounce, tăng gần 40 USD/ounce trong ngày 24/2. Có thể thấy, giá vàng hiện tại còn vượt xa cả các biến động của năm 2011 khi giá vàng phi mã.
Lý giải về nguyên do giá vàng tăng "đột biến" tiến sát mốc 50 triệu đồng/lượng trong ngày 24/2, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh TP. HCM cho biết, giá vàng trong nước biến động tăng theo giá vàng thế giới. Nguyên nhân chủ yếu do lo ngại dịch viêm phổi COVID-19 gây sức ép đến nền kinh tế toàn cầu.
Cũng theo ông Minh, mặc dù giá vàng trong nước tăng mạnh nhưng giao dịch ngoài thị trường hiện vẫn khá trầm lắng. Chênh lệch giữa giá mua và giá bán giao động trong khoảng từ 300 – 500 nghìn đồng/lượng trong những ngày qua cho thấy sức mua, bán vàng của thị trường vàng đã yếu và người dân không còn mặn mà với vàng.
Các đơn vị kinh doanh mua, bán vàng miếng cho biết, trong tuần từ 17-22/2/2020, doanh số mua bán vàng miếng trên thị trường có xu hướng giảm. Ghi nhận mua bán ngoài thị trường chỉ ở mức thấp và nhỏ lẻ.
Với mức tăng mạnh như ngày hôm nay, những nhà đầu tư sở hữu sẵn lượng lớn kim loại quý này chắc hẳn sẽ có một ngày sống trong sự "thăng hoa". Trong khi một số nhà đầu tư khác, mặc dù tiếc nuối khi không kịp "đón sóng" nhưng cũng khá thờ ơ về việc đầu tư mua vàng thời điểm này.
Tuy nhiên, nhiều dự báo cho rằng, vàng đang có một xu hướng tăng giá rõ ràng và sẽ hướng tới ngưỡng 1.700 USD/ounce. Một số chuyên gia thậm chí còn dự báo vàng sẽ lên đến 2.000 USD/ounce vì các ngân hàng trung ương thế giới tiếp nới lỏng chính sách tiền tệ. Những dự báo tăng giá mạnh của giá vàng được cho là diễn biến phù hợp khi dịch Covid-19 lan rộng ra nhiều nước, đã và đang làm gián đoạn các chuỗi cung ứng ở châu Á, khiến hoạt động sản xuất của nhiều doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp có cơ sở sản xuất tại Trung Quốc, hoặc phụ thuộc vào nguồn cung nguyên liệu từ Trung Quốc bị đình trệ. Hàng loạt ngành bị ảnh hưởng nặng, nhất là ngành du lịch, giao thông và bán lẻ ở các nước bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.