Giải ngân vốn đầu tư công: ‘Đòn bẩy’ phục hồi và phát triển kinh tế

Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, với sự vào cuộc và quyết tâm của cả hệ thống chính trị cùng, công tác giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 sẽ hoàn thành theo đúng tiến độ và đạt tỷ lệ cao nhất khi hết năm ngân sách.
TP.HCM tự tin mở cửa đón nhà đầu tưCơ chế nào cho hàng nghìn tỷ đồng đầu tư các dự án điện gió đang 'đắp chiếu'?Hà Nội đầu tư hơn 9.500 tỉ đồng cho các dự án môi trường làng nghề

5 tháng đầu năm tăng nhẹ với tỷ lệ hơn 22%

Bộ Tài chính vừa có văn bản báo cáo tình hình thanh toán vốn đầu tư nguồn lũy kế 4 tháng, ước thực hiện đến ngày 31/5.

Theo đó, đối với giải ngân vốn kế hoạch năm 2022, lũy kế thanh toán từ đầu năm đến ngày 30/4 là 84.765,06 tỷ đồng, đạt 15,12% kế hoạch và đạt 16,36% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

Ước thanh toán từ đầu năm đến ngày 31/5 là 115.922,47 tỷ đồng, đạt 20,67% kế hoạch. Bên cạnh đó, tỷ lệ ước giải ngân 5 tháng đầu năm 2022 đạt 22,37% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm 2021 (22,12%). Trong đó vốn trong nước đạt 23,53%, vốn nước ngoài đạt 6,26%. Ước thanh toán từ đầu năm đến ngày 31/5 là 115.922,47 tỷ đồng, đạt 20,67% kế hoạch (đạt 22,37% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao).

Điểm tên một số bộ, cơ quan trung ương và địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt mức cao hơn tỷ lệ giải ngân bình quân cả nước, Bộ Tài chính chỉ rõ, có 5 bộ và 17 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 30%.

Giải ngân vốn đầu tư công: ‘Đòn bẩy’ cho sự phục hồi và phát triển kinh tế - Ảnh 1
Trong 5 tháng đầu năm, tỷ lệ ước giải ngân 5 tháng đầu năm 2022 đạt 22,37% kế hoạch, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm 2021 (22,12%). (Ảnh minh họa)

Trong đó, một số bộ, địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt cao gồm: Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (50,48%), Ngân hàng Phát triển (49,42%), Văn phòng Chính phủ (38,88%), Lâm Đồng (49,4%), Bình Thuận (41,98%), Tiền Giang (39,1%).

Tuy nhiên, vẫn còn 41/51 bộ và 21/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 20%, trong đó, đáng quan ngại, có 5 bộ vẫn chưa hề giải ngân kế hoạch vốn.

Để tránh tình trạng một số địa phương còn ì ạch chưa đạt yêu cầu được giao, mới đây Thủ tướng Phạm Minh Chính gấp rút ban hành Quyết định số 548/QĐ-TTg thành lập 6 tổ công tác tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công.

Tổ công tác có nhiệm vụ tổ chức rà soát, tổng hợp khó khăn, vướng mắc; phân tích nguyên nhân của những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện dự án đầu tư công, nhất là dự án sử dụng vốn ODA và vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài tại các bộ, cơ quan trung ương và địa phương. Từ đó, kiến nghị các giải pháp nhằm thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn.

Đồng thời, hướng dẫn thực hiện thống nhất quy định của pháp luật về đầu tư công và các quy định có liên quan nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy tiến độ thực hiện và giải ngân các dự án đầu tư công.

Bên cạnh đó, đánh giá việc chấp hành quy định về lập, phân bổ, giao kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước năm 2022 của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương. Đồng thời, tổ công tác cũng xem xét trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, rà soát, xử lý các khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn trong giải ngân đầu tư công tại từng bộ, cơ quan, địa phương, trong đó có trách nhiệm người đứng đầu; thực hiện các nhiệm vụ khác theo phân công, chỉ đạo của Tổ trưởng Tổ công tác.

Đánh giá việc triển khai các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tại các Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 8/1/2022, các Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ; các văn bản chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ về đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2022.

Tổ công tác cũng xem xét trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, rà soát, xử lý các khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn trong giải ngân đầu tư công tại từng bộ, cơ quan, địa phương, trong đó có trách nhiệm người đứng đầu; thực hiện các nhiệm vụ khác theo phân công, chỉ đạo của Tổ trưởng Tổ công tác.

4 giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công

Năm 2022 là năm có ý nghĩa quan trọng, tiếp tục tạo nền tảng để cả nước thực hiện các mục tiêu của kế hoạch 5 năm 2021-2025. Đồng thời, lượng vốn cần giải ngân trong năm 2022 là khá lớn, ngoài số vốn kế hoạch năm đã được Quốc hội quyết nghị còn một lượng vốn bổ sung từ nguồn vốn thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Căn cứ tình hình thực tiễn hiện nay, Bộ KH&ĐT đề xuất một số giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công trong thời gian tới.

Thứ nhất, đối với số vốn NSTW còn lại chưa phân bổ của 12 bộ, cơ quan Trung ương và 6 địa phương, kiến nghị Chính phủ giao Bộ KH&ĐT có văn bản yêu cầu các cơ quan trên cam kết lộ trình giao kế hoạch cụ thể, rà soát, điều chỉnh ngay cho các dự án chuyển tiếp đủ điều kiện giao vốn; khẩn trương hoàn thiện thủ tục đầu tư để giao ngay được kế hoạch năm 2022.

Đối với vốn ngân sách địa phương, theo quy định của Luật NSNN 2015, không thể điều chỉnh vốn ngân sách địa phương này cho các địa phương khác, Bộ KH&ĐT tư trình Chính phủ giao Văn phòng Chính phủ dự thảo công điện của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các địa phương này khẩn trương phân bổ vốn ngân sách địa phương năm 2022 cho các chương trình, dự án trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả, góp phần thúc đẩy phục hồi nhanh và phát triển bền vững kinh tế - xã hội của các địa phương.

Thứ hai, người đứng đầu bộ, cơ quan Trung ương và địa phương phải xác định việc giải ngân vốn đầu tư công là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm của năm 2022, chủ động tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến đất đai, tài nguyên…

Thứ ba, thành lập các đoàn công tác kiểm tra, đôn đốc các dự án trọng điểm triển khai trong năm 2022 để kịp thời tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công của các dự án để sớm hoàn thành, tạo động lực mới nhằm phát triển bền vững.

Thứ tư, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong việc xử lý thủ tục về đầu tư như kiểm soát chi NSNN, hồ sơ thẩm định dự án, đơn rút vốn nhà tài trợ nước ngoài.

Dưới tác động của đại dịch Covid-19 đã khiến cho nền kinh tế Việt Nam 2 năm vừa qua chao đảo. Chính phủ đang có các gói hỗ trợ kinh tế, trong đó quyết liệt thúc đẩy đầu tư công và giải ngân nhanh nguồn vốn này được coi là “cú hích” cho nền kinh tế nhanh hồi phục. Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị cùng với quyết tâm cao của các bộ, ngành, địa phương, công tác giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 sẽ hoàn thành theo đúng tiến độ và đạt tỷ lệ cao nhất khi hết năm ngân sách.

Trao đổi về vấn đề này, TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện CIEM cho rằng, một trong những yếu tố quyết định tiến độ và hiệu quả của đầu tư công là tính năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của lãnh đạo bộ, ngành, địa phương.

Thực tế cho thấy cùng một thể chế, cùng một chính sách như nhau, nhưng có những địa phương, có những ngành đã vượt qua được rào cản và khắc phục được những nguyên nhân về thể chế, khách quan, chủ quan… để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn.

Từ đó, chuyên gia này cho rằng cần rút ra bài học từ những địa phương, từ những ngành đã giải ngân tốt và đưa những kinh nghiệm đó, chuyển ngay những kinh nghiệm đó cho các địa phương khác.

“Ở đâu có vốn thì ở đấy phải triển khai thật nhanh, thật đúng tiến độ và giải ngân hết bởi vì mỗi một đồng vốn đầu tư công vào là tạo ra lợi ích rất nhiều cho nền kinh tế và chính lợi ích của địa phương, của ngành đó”, TS Cung nhấn mạnh.

Lan Anh