Theo Hànộimới đưa tin, để thực hiện đề án bảo vệ môi trường làng nghề trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, trong giai đoạn 2021-2025, UBND thành phố kêu gọi đầu tư xây dựng 8 dự án xử lý nước thải, rác thải tại làng nghề trên địa bàn các huyện: Quốc Oai, Mê Linh, Hoài Đức, Thường Tín với tổng nguồn vốn khoảng 569 tỉ đồng.
Ngoài ra, Thành phố sẽ huy động đầu tư xử lý môi trường tại 48 cụm công nghiệp làng nghề ở các huyện: Phúc Thọ, Thạch Thất, Chương Mỹ, Phú Xuyên, Thanh Oai... với kinh phí gần 9.000 tỉ đồng. Khi hoàn thành, các dự án này sẽ cơ bản xử lý được ô nhiễm môi trường tại các làng nghề trên địa bàn thành phố.
Theo thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Hà Nội, toàn Thành phố hiện có 1.350 làng có nghề, trong đó 309 làng nghề, làng nghề truyền thống đã được công nhận thuộc 23 quận, huyện và thị xã.
Đáng chú ý, kết quả điều tra, khảo sát, lấy mẫu và phân tích nguồn nước tại 292 làng nghề trên địa bàn Hà Nội từ năm 2017 - 2020 cho thấy, có 139 làng nghề ô nhiễm nghiêm trọng (chiếm 47,6%), có 95 làng nghề ô nhiễm (chiếm 32,5%), 58 làng nghề không ô nhiễm về nguồn nước (chiếm 19,9%), tỉ lệ nước thải làng nghề được thu gom xử lý chỉ chiếm khoảng 5,2%.
"Nước thải của một số ít làng nghề được chuyển đến cụm công nghiệp làng nghề có hệ thống xử lý nước thải, còn phần lớn nước thải tại các làng nghề đều xả thải thẳng ra môi trường với mức độ ô nhiễm ở mức rất cao mà không qua bất cứ hệ thống xử lý nào", thống kê của Sở TN&MT chỉ rõ.
Phó Giám đốc Sở TN&MT Lê Tuấn Định cho biết, chỉ một số ít làng nghề trong cụm công nghiệp là có hệ thống xử lý nước thải, còn phần lớn các làng nghề sản xuất trong khu dân cư đều xả thẳng ra môi trường. Bên cạnh đó, chất thải rắn tại một số làng nghề chưa được phân loại để tái sử dụng mà được vận chuyển về bãi rác. Đặc biệt, vẫn còn hiện tượng người dân làng nghề đổ trộm hoặc tự ý đốt bỏ rác thải, gây ô nhiễm môi trường…
Trong khi đó, kết quả phân tích mẫu nước, không khí, đất tại 228 làng nghề vừa được Sở TN&MT Hà Nội công bố cho thấy: Về môi trường nước có 99 làng nghề ô nhiễm nghiêm trọng, 78 làng nghề ô nhiễm; môi trường không khí có 12 làng nghề ô nhiễm nghiêm trọng, 10 làng nghề ô nhiễm; môi trường đất có 6 làng nghề ô nhiễm nghiêm trọng...
Phó Giám đốc Sở TN&MT Hà Nội Mai Trọng Thái nhìn nhận, nguyên nhân chính của tình trạng kể trên là do các hộ sản xuất nằm trong khu dân cư, sử dụng công nghệ sản xuất lạc hậu, không có hệ thống thu gom xử lý chất thải. Ngoài ra, cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư cho hoạt động môi trường còn thiếu nên chưa hấp dẫn doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này; công tác quản lý nhà nước về môi trường tại địa phương cũng còn nhiều hạn chế…
Hiện UBND thành phố đã đưa vào hoạt động Nhà máy Xử lý nước thải Cầu Ngà, công suất 20.000 m3/ngày đêm; hoàn thành cơ bản Nhà máy Xử lý nước thải Sơn Đồng (huyện Hoài Đức), công suất 8.000 m3/ngày đêm... đã góp phần hạn chế ô nhiễm môi trường cho các địa phương này.
Trước đó, thực hiện chỉ đạo của thành phố, Sở Công thương đã đưa ra kế hoạch xử lý ô nhiễm môi trường các làng nghề trên địa bàn Hà Nội, với kinh phí khoảng 1.350 tỉ đồng. Trong đó, đến hết năm 2020, sẽ bố trí khoảng 750 tỉ đồng xây dựng hệ thống xử lý môi trường tại 50 làng nghề trọng điểm… Giai đoạn 2020 - 2030, cần 600 tỉ đồng xây dựng hệ thống xử lý môi trường tại 30 làng nghề khác.
Đặc biệt, nhằm đẩy mạnh xử lý ô nhiễm môi trường tại các làng nghề, UBND thành phố Hà Nội sẽ hỗ trợ 100% kinh phí để xây dựng công trình trạm xử lý nước thải đầu mối của khu thu gom xử lý nước thải tập trung; khu tập kết chất thải rắn đối với các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình…