Giải pháp nào để thu hút khách du lịch quốc tế đến Việt Nam?

Du lịch Việt Nam cần nhanh chóng chớp lấy thời cơ, tận dụng mọi cơ hội để phục hồi, thích ứng an toàn, phát triển nhanh, trở thành điểm đến uy tín và có vị thế cạnh tranh trên trường quốc tế.
Tháo gỡ “điểm nghẽn” để phục hồi và phát triển du lịch bền vữngDu lịch Việt Nam từng bước khẳng định vị thế trên bản đồ thế giớiDu lịch Việt Nam phục hồi nhanh và bền vữngPhục hồi du lịch - triển vọng để kích cầu bất động sản nghỉ dưỡng

Triển vọng phục hồi tích cực

Theo Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng, sau khi mở lại hoạt động du lịch từ ngày 15/3 đến nay, ngành du lịch đã tập trung vào thị trường nội địa và đạt được những kết quả phục hồi ấn tượng.

Tổng thu đạt 316.000 tỷ đồng. Số doanh nghiệp lữ hành trở lại hoạt động và cấp phép mới đã tăng trở lại, với 2.563 doanh nghiệp lữ hành quốc tế, 1.060 doanh nghiệp lữ hành nội địa.

Sau đại dịch, 90% các cơ sở lưu trú hoạt động trở lại, đạt trên 55% công suất phòng với các ngày trong tuần, dịp cuối tuần đạt trên 95%, nhất là những điểm đến có sức hấp dẫn lớn. Hoạt động vận tải, hàng không đáp ứng khá tốt nhu cầu du khách nước ngoài.

Theo thống kê, từ đầu năm 2022 đến nay, ngành du lịch đã phục vụ gần 72 triệu lượt du khách trong nước (kế hoạch cả năm 2022 là 60 triệu lượt), 733.000 lượt du khách quốc tế. Các địa phương có ngành du lịch phát triển trong nhiều năm trở lại đây đều ghi nhận mức doanh thu ấn tượng từ du lịch lữ hành như: Khánh Hòa tăng 858,4%; Cần Thơ tăng 328,3%; Đà Nẵng tăng 284,8%; Hà Nội tăng 216,8% và TP.HCM tăng 111,4%.

Mặc dù vậy lượng khách du lịch quốc tế vẫn còn hạn chế. Tuy nhiên, dữ liệu từ công cụ theo dõi xu hướng thị trường của Google cho thấy lượng tìm kiếm quốc tế về du lịch Việt Nam đang tăng trưởng khoảng 50-75%, mức tăng cao thứ 4 thế giới. Đặc biệt là kể từ sau khi mở cửa hoàn toàn từ 15/3/2022, chỉ số này của Việt Nam đã liên tục duy trì mức tăng trưởng cao hàng đầu thế giới, hứa hẹn tốc độ phục hồi mạnh mẽ du lịch quốc tế của ngành Du lịch nước nhà.

Giải pháp nào để thu hút khách du lịch quốc tế đến Việt Nam? - Ảnh 1
Phát triển các sản phẩm du lịch mới cũng là đòn bẩy giúp ngành du lịch nội địa Việt Nam tăng trưởng trở lại.

Những tín hiệu tích cực trên là do chính sách hỗ trợ, thúc đẩy phát triển, phục hồi ngành du lịch của nước ta đã có hiệu quả. Sau đỉnh dịch, các tỉnh, thành phố trên cả nước dần thực hiện chính sách nới lỏng giãn cách cũng như giảm bớt các thủ tục phòng, chống dịch, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch nội địa. Ngoài ra, sự năng động, sáng tạo của các doanh nghiệp du lịch trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch hiện có, xây dựng, phát triển các sản phẩm du lịch mới cũng là đòn bẩy giúp ngành du lịch nội địa Việt Nam tăng trưởng trở lại.

Cũng theo Tổng cục Du lịch, triển vọng phục hồi của các doanh nghiệp du lịch đang tích cực hơn khi số lượng doanh nghiệp hoạt động trở lại ngày càng tăng, cung cấp nhiều việc làm hơn. Trong nửa đầu năm, Tổng cục Du lịch đã cấp phép mới cho 312 công ty lữ hành quốc tế, tăng 286 công ty so với năm 2021.

Hầu hết các du khách nước ngoài đến từ châu Á - Thái Bình Dương, bao gồm các quốc gia Đông Nam Á như Campuchia, Singapore, Thái Lan và Malaysia. Hàn Quốc là nguồn khách du lịch lớn nhất của Việt Nam trong giai đoạn này, tiếp theo là Mỹ.

Mặc dù nhỏ, nhưng số lượng khách du lịch đến từ châu Âu cũng đang tăng lên, với mức tăng trưởng tương đối cao, đặc biệt là những du khách đến từ Anh, Pháp và Đức.

Theo báo cáo chỉ số phát triển du lịch và du lịch năm 2021 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, du lịch Việt Nam đã tăng 8 bậc. Với 6/17 chỉ số trụ cột được xếp vào top đầu thế giới, du lịch Việt Nam đứng trong top 3 quốc gia phát triển nhanh nhất. Việt Nam cũng sẽ tổ chức International Travel Expo (Triển lãm Du lịch Quốc tế), một trong hai triển lãm du lịch quốc tế lớn nhất tại Việt Nam, tại TP.HCM từ ngày 8-10/9.

Xây dựng chiến lược thu hút du khách quốc tế

Nhận định về vấn đề này, TS Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch cho rằng, đại dịch Covid-19 đã làm thay đổi toàn bộ nhận thức, thói quen sinh hoạt cũng như nhu cầu du lịch của người dân. Theo đó, những thay đổi xu hướng du lịch là tất yếu khi sự an toàn của điểm đến hậu Covid được du khách quan tâm hàng đầu.

Chính vì vậy, theo ông Tuấn, du lịch Việt Nam cần nhanh chóng chớp lấy thời cơ, tận dụng mọi cơ hội để phục hồi, thích ứng an toàn, phát triển nhanh, trở thành điểm đến uy tín và có vị thế cạnh tranh trên trường quốc tế. Đồng thời, cần xây dựng chiến lược hoạch định nguồn nhân lực cho ngành du lịch, trên cơ sở rà soát lại tình trạng nguồn nhân lực du lịch, nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực du lịch và nghiên cứu các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp du lịch như vay vốn, giảm thuế, gia hạn thời gian nộp thuế trong giai đoạn đầu quá trình phục hồi du lịch.

Thực tế, xu hướng ứng dụng phần mềm số trong việc đặt dịch vụ, thực hiện mua bán tour… được nhiều du khách quan tâm trong giai đoạn vừa qua, vì thế các công ty du lịch Việt Nam cần tăng cường ứng dụng công nghệ, trí tuệ nhân tạo để giúp du khách đặt tour, hoàn thiện thủ tục "không tiếp xúc".

Theo các chuyên gia, để thật sự cất cánh, nhất là trong bối cảnh một số nước còn kiểm soát dịch bệnh, vấn đề xung đột và lạm phát toàn cầu, du lịch Việt Nam cần phải có những thay đổi mạnh mẽ về cả tư duy lẫn cách làm du lịch hiện hữu. Cần tăng cường kết nối du lịch liên quốc gia, nhất là các nước trong khu vực. Do đó, bài toán đặt ra là cần kết hợp với hàng không giảm giá đường bay từ các nước tiềm năng trong khu vực kết hợp nới lỏng chính sách thị thực.

Tại Diễn đàn lữ hành toàn quốc 2022 với chủ đề “Giải pháp phục hồi và phát triển du lịch quốc tế ở Việt Nam”, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh cho biết, nhằm tận dụng cơ hội thu hút khách du lịch quốc tế những tháng cuối năm 2022, ngành du lịch Việt Nam cần tập trung giải quyết các vấn đề cơ bản. Việc phát triển sản phẩm du lịch là một trong những vấn đề then chốt để tăng khả năng cạnh tranh của du lịch Việt Nam trên thị trường quốc tế sau đại dịch. Du lịch Việt Nam tiếp tục tập trung đầu tư, phát triển và làm mới các dòng sản phẩm du lịch chủ đạo đang được khai thác như: Du lịch biển, đảo; du lịch văn hóa (bao gồm ẩm thực và di sản); du lịch sinh thái (bao gồm du lịch cộng đồng) và du lịch đô thị (bao gồm du lịch MICE).

Trong đó, sản phẩm du lịch biển đảo đã được định hình rõ nét hơn với việc hình thành các khách sạn, khu nghỉ dưỡng, giải trí chất lượng cao đạt tiêu chuẩn quốc tế. Bên cạnh đó, đẩy nhanh chuyển đổi số trong ngành du lịch và đổi mới công tác xúc tiến quảng bá du lịch. Sau hai năm chịu tác động nặng nề do đại dịch Covid-19, doanh nghiệp cũng cần có thời gian để phục hồi. Vì vậy, các chính sách hỗ trợ đang có cần tiếp tục kéo dài ít nhất đến hết năm 2023 như chính sách giảm giá điện, giảm thuế VAT, giảm tiền thuê đất, giảm phí cấp phép lữ hành, cấp thẻ hướng dẫn viên và các chính sách giảm giá vé tham quan, kích cầu du lịch của các địa phương.

Trong năm 2022, ngành du lịch Việt Nam ghi nhận nhu cầu tăng cao về du lịch nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái, nhu cầu về du lịch chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe. Đặc biệt, do nhu cầu về phục hồi và chăm sóc sức khỏe hậu Covid-19, các dịch vụ tắm bùn, spa, xông hơi cũng như những mô hình du lịch khai thác suối nước khoáng nóng cũng được các cơ sở du lịch chú trọng đầu tư.

Nhận định về tương lai của glamping tại thị trường du lịch Việt Nam, bà Vũ Giang Biên, Giám đốc Công ty du lịch Thiên đường Á Châu Pattours, Tổng Thư ký Hội Lữ hành Hà Nội, Phó Chủ tịch Thường trực Câu lạc bộ Du lịch bền vững Vgreen đưa ra quan điểm: “Trong thời gian tới, glamping sẽ là sản phẩm du lịch đặc biệt hấp dẫn không chỉ với du khách nội địa mà cả với đối tượng du khách nước ngoài. Glamping yêu cầu khoản đầu tư ban đầu không quá lớn nhưng nếu khâu thiết kế-xây dựng và vận hành sản phẩm được chăm chút, đạt tiêu chuẩn quốc tế thì sản phẩm du lịch này sẽ trở thành loại hình giàu tiềm năng phát triển của ngành du lịch nước nhà”.

Lan Anh