Giải pháp nào làm giảm sạt lở đất?

Dưới tác động của biến đổi khí hậu, sự bất thường của thời tiết cực đoan và thiên tai sẽ trầm trọng hơn trong tương lai, khiến cho việc dự báo, cảnh báo và quản lý rủi ro càng khó khăn hơn.
Không đầu hàng trước thiên tai...Vì sao các vụ sạt lở đất nghiêm trọng liên tiếp xảy ra ở miền Trung?Lũ lụt, sạt lở đất: Góc nhìn từ địa chất

Giáo sư Trần Thục, Phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn, Ủy ban quốc gia về biến đổi khí hậu (BĐKH) đã trao đổi với Báo điện tử Chính phủ về những tác động tiêu cực của BĐKH dẫn đến các sự cố trượt lở đất, lũ lớn xảy ra ở miền Trung thời gian qua.

Có ý kiến cho rằng, sự cố sạt lở đất nghiêm trọng tại miền Trung là tổ hợp của các sự cố thiên tai do tác động của biến đổi khí hậu. Quan điểm của Giáo sư về vấn đề này như thế nào?

- Trong thời gian vừa qua, tổ hợp bất lợi của các điều kiện khí hậu, thời tiết như: hoạt động của La Nina; dải hội tụ nhiệt đới đi qua khu vực Trung Bộ; hoạt động của các đợt không khí lạnh đã gây nên bão, mưa, lũ nghiêm trọng ở miền Trung. Lũ ở nhiều khu vực đã vựợt quá các trận lũ lịch sử các năm 1979, 1983, 1999.

Chỉ trong một thời gian ngắn, đã có nhiều loại hình thiên tai cùng lúc tác động đến miền Trung, làm gia tăng về cường độ và mức độ rủi ro thiên tai. Bão chồng bão, mưa lớn, lũ lớn, trượt lở đất liên tiếp đã làm vượt quá khả năng chống chịu của người dân và của hạ tầng.

tm-img-alt
GS Trần Thục cho rằng cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng về trượt lở đất, lũ quét.

Về các vụ sạt lở, với các sườn dốc, nước là “khắc tinh” số 1. Mưa với cường độ rất lớn đã làm tăng nhanh độ bão hòa của đất vốn bị khô hạn lâu ngày của mùa trước dẫn đến trượt lở đất.

Độ ổn định của sườn dốc phụ thuộc vào các yếu tố như: Tính chất cơ lý của đất gồm lực kết dính và lực ma sát; hình thái sườn dốc gồm chiều cao và độ dốc là yếu tố liên quan đến trọng lượng của khối trượt; lượng nước chứa trong đất làm tăng trọng lượng của khối trượt và làm giảm sức bền đất.

Một sườn dốc khô sẽ khó bị trượt hơn là sườn dốc bị bão hòa nước. Nếu mức độ bão hòa nước diễn ra từ từ thì sườn dốc còn có thể thích nghi kịp, nhưng nếu quá trình bão hòa diễn ra quá nhanh khi mưa lớn xảy ra đối với đất đang bị khô thì sườn dốc không huy động sức bền để chống lại và khi đó trượt lở sẽ diễn ra. Hơn nữa, các hoạt động xây dựng hạ tầng tạo taluy, bạt chân sườn dốc cũng sẽ làm mất ổn định sườn dốc và kích hoạt trượt lở.

Qua phân tích số liệu mưa trong bão ở miền Trung có thể thấy, với cùng một tần suất xuất hiện thì lượng mưa 1 ngày lớn nhất trong bão ở giai đoạn 1993-2017 đã tăng khá nhiều so với giai đoạn 1977-1992 . Theo kịch bản BĐKH thì sự gia tăng mưa cực đoan này càng lớn.

Việt Nam đang chứng kiến ngày một nhiều các dấu hiệu phá vỡ quy luật thời tiết thông thường. Điều này được lý giải như thế nào, thưa Giáo sư?

- Đúng vậy. Dữ liệu quan trắc hơn 50 năm qua trên toàn cầu cho thấy các hiện tượng thời tiết, khí hậu cực đoan đã có xu thế gia tăng cả về cường độ và tần suất. Đến năm 2019, nhiệt độ trung bình toàn cầu đã tăng 1,1°C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Số lượng bão nhiệt đới cường độ mạnh tăng và các siêu bão ngày càng xuất hiện nhiều hơn.

Dưới tác động của BĐKH, ở Việt Nam, chúng ta đang chứng kiến những dấu hiệu bất thường của thời tiết, khí hậu. Tôi có thể nêu ra một số ví dụ như: năm 2014 vào tháng Giêng - giữa mùa khô nhưng các tỉnh từ Hà Tĩnh vào Quảng Ngãi lại có một đợt lũ cao bất thường, thậm chí cao hơn cả mùa mưa năm sau – trong mùa khô có lũ lớn và trong mùa mưa lũ nhỏ. Những năm gần đây mưa ở miền Trung khá bất thường, có năm rất nhiều như 2020, có năm rất ít như năm 2018 - 2019. Năm 2016, xuất hiện đợt mưa tuyết chưa từng gặp ở nước ta, đỉnh Ba Vì - Hà Nội, rừng quốc gia Vụ Khoang - Hà Tĩnh cũng có tuyết – điều chưa từng được ghi nhận trước đây.

Dưới tác động của BĐKH, thời tiết có dấu hiệu cực đoan hơn cả về hai phía nóng hơn và lạnh hơn. Rất nhiều khả năng, sự bất thường của thời tiết cực đoan và thiên tai sẽ trầm trọng hơn trong tương lai, khiến cho việc dự báo, cảnh báo và quản lý rủi ro thiên tai càng khó khăn hơn.

Việt Nam nói chung và những vùng có nguy cơ lũ lụt, sạt lở cao nói riêng cần những giải pháp gì để thích ứng, giảm thiểu tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu?

- Có nhiều biện pháp để thích ứng với BĐKH, cả biện pháp công trình và phi công trình. Trong các biện pháp phi công trình, dự báo và cảnh báo rủi ro thiên tai là một trong những biện pháp hiệu quả nhất, giúp cho người dân biết được những rủi ro để phòng tránh và ứng phó kịp thời nhằm giảm tổn thất; truyền thông, nâng cao hiểu biết về BĐKH và thiên tai là điều cần thực hiện thường xuyên và liên tục.

Tháng 7 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Kế hoạch quốc gia thích ứng với BĐKH, xác định rõ các mục tiêu cụ thể để thích ứng với BĐKH, gồm: Nâng cao hiệu quả thích ứng với biến đổi khí hậu thông qua việc tăng cường công tác quản lý nhà nước về BĐKH, trong đó có hoạt động thích ứng với biến đổi khí hậu, thúc đẩy việc lồng ghép thích ứng với biến đổi khí hậu vào hệ thống chiến lược, quy hoạch; Tăng cường khả năng chống chịu và nâng cao năng lực thích ứng của cộng đồng, các thành phần kinh tế và hệ sinh thái thông qua việc đầu tư cho các hành động thích ứng, khoa học và công nghệ, nâng cao nhận thức để sẵn sàng điều chỉnh trước những thay đổi của khí hậu; Giảm nhẹ rủi ro thiên tai và giảm thiểu thiệt hại, sẵn sàng ứng phó với thiên tai và khí hậu cực đoan gia tăng do BĐKH.

Đối với thiên tai lũ và ngập lụt tại khu cực có nguy cơ cao như ở miền Trung, cần áp dụng các giải pháp công trình như: xây dựng hệ thống các hồ chứa trữ nước và cắt lũ đối với các lưu vực sông lớn. Tôi nhận thấy, đã có nhiều hồ chứa được xây dựng ở miền Trung, đáp ứng được một phần yêu cầu cắt lũ. Tuy nhiên, xây dựng các hồ chứa cần đi đôi với việc thực hiệm nghiêm chỉnh quy trình vận hành hồ chứa, liên hồ chứa.

Trực tiếp nhất là xây dựng các công trình nhà ở phòng chống bão, lũ, công trình kiên cố làm các điểm sơ tán dân, di dân khi lũ lụt; nhà chống lũ như nhà phao, nhà kê nền, nhà gác, nhà sàn. Việc lựa chọn các công trình nhà tránh lũ, chống lũ phụ thuộc vào đặc điểm lũ lụt cũng như tập quán sinh hoạt của từng địa phương.

Về các giải pháp phi công trình, quan trọng nhất là tăng cường công tác dự báo, cảnh báo, dự báo sớm lũ và ngập lụt cho các lưu vực. Trong thời gian qua, công tác dự báo lũ lụt đã được ngành Khí tượng Thủy văn thực hiện khá tốt và đáng được ghi nhận. Tuy nhiên, trong bối cảnh BĐKH, thiên tai ngày càng diễn biến phức tạp và khó lường hơn, việc tăng cường công nghệ nhằm cảnh báo, dự báo lũ lụt chính xác hơn sẽ là cơ sở quan trọng trong ứng phó và triển khai các biện pháp khắc phục hiệu quả, đây là giải pháp được xem là cốt yếu và quan trọng nhất.

Các giải pháp phi công trình cũng sẽ chú trọng xây dựng bản đồ phân vùng nguy cơ lũ quét và sạt lở đất căn cứ trên hiện trạng sử dụng đất, loại đất và mưa của từng khu vực. Các vùng nguy cơ được chia thành các vùng “xanh” là vùng an toàn; “đỏ” là vùng có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất và vùng “vàng” là vùng cận nguy hiểm.

Một vấn đề rất quan trọng là cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng hơn nữa về trượt lở, lũ quét, tốt nhất là đến được các cấp xã, bản, đặc biệt ở các khu vực có nguy cơ trượt lở cao; triển khai cắm biển cảnh báo ở các vị trí có nguy cơ trượt lở cao. Đồng thời, cần tăng cường sử dụng tri thức của người dân địa phương trong phòng chống lũ quét, sạt lở đất. Thực tế, nhiều vụ lũ quét, sạt lở đất xảy ra nhưng giảm thiểu được thiệt hại là nhờ vào kinh nghiệm phát hiện trước thiên tai của người dân địa phương.

Đồng thời, bảo vệ và phát triển rừng phòng hộ đầu nguồn, khôi phục rừng phòng hộ đầu nguồn, đặc biệt là các khu vực thường gây ra lũ lụt, nhằm bảo vệ môi trường sinh thái, bảo vệ lớp phủ thực vật, tăng khả năng giữ nước của lưu vực, hạn chế khả năng tập trung dòng chảy lũ.

Đối với thiên tai lũ quét, sạt lở đất, các giải pháp công trình tập trung vào nghiên cứu và xây dựng các đập ngăn bùn đá (đập Sabo) và các công trình phụ trợ tại các khu vực có nguy cơ cao và tập trung dân cư.

Chúng tôi đã nghiên cứu và nhận thấy đập Sabo giữ trực tiếp đất đá và cây cối bị cuốn trôi theo dòng nước lũ, làm yếu đi sức chảy của dòng bùn đất. Đập này được áp dụng rộng rãi ở Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Áo…, tuy nhiên, còn ít được áp dụng thử nghiệm ở Việt Nam.

Xin trân trọng cảm ơn Giáo sư!

Thu Cúc
Theo Báo Chính phủ