Thập kỷ hành động “Nước vì Phát triển Bền vững”
Hội nghị nước năm 2023 của Liên Hợp Quốc hay còn gọi là Hội nghị đánh giá kết quả giữa kỳ việc thực hiện Thập kỷ hành động “Nước vì Phát triển Bền vững” (2018-2028) sẽ được tổ chức từ ngày 22 đến ngày 24 tháng 3 năm 2023 tại trụ sở Liên Hợp Quốc ở New York do Chính phủ Tajikistan và Vương quốc Hà Lan đồng đăng cai tổ chức.
Hội nghị sẽ bao gồm 1 phiên khai mạc và bế mạc, 6 phiên họp toàn thể và năm phiên đối thoại tương tác, cùng với các sự kiện bên lề do những người tham gia tổ chức. Kết quả của Hội nghị này sẽ được tổng hợp trong một bản báo cáo tóm tắt và sẽ được Chủ tịch Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc trình bày trong phiên họp năm 2023 của Diễn đàn Chính trị cấp cao về Phát triển bền vững tại Liên Hợp Quốc (HLPF).
Lễ Khởi động Thập kỷ Hành động “Nước vì Phát triển Bền vững” 2018-2028 đã được Liên Hợp Quốc phát động vào ngày 22/3/2018. Tại buổi lễ này, Tổng thống Tajikistan, thay mặt các nước tham gia trong Nhóm thảo luận cấp cao về Nước, đã chia sẻ các khuyến nghị của Nhóm về các trọng tâm của Thập kỷ Hành động, trong đó nhấn mạnh việc tăng cường chia sẻ thông tin về nước, bảo vệ các nguồn nước, tăng đầu tư nghiên cứu về nước, tăng sự quan tâm đối với các nhóm dễ bị tổn thương trong tiếp cận nước…
Cũng tại buổi lễ khởi động, đại diện các quốc gia đã phát biểu chia sẻ về các nỗ lực hợp tác quốc tế và khu vực nhằm giải quyết các thách thức có liên quan tới nước; giới thiệu các sáng kiến, công nghệ xử lý sự khan hiếm nước sạch; nhấn mạnh cần phải nhìn nhận vấn đề Nước trong tổng thể cùng các vấn đề phát triển, an ninh, môi trường khác.
Thiếu tiếp cận với nước uống an toàn và điều kiện vệ sinh cơ bản, vệ sinh môi trường cùng với tình trạng khan hiếm nước và ô nhiễm nguồn nước là một trong những thách thức lớn nhất hiện nay đối với cộng đồng quốc tế, đặc biệt đối với các nước đang phát triển. Những thiên tai liên quan đến nước ngày càng tăng, cùng với tác động của biến đổi khí hậu, đô thị hóa, tăng dân số, sa mạc hóa và hạn hán,… khiến cho khả năng đảm bảo quản lý tài nguyên nước một cách tổng hợp toàn diện càng trở nên khó thực hiện hơn. Chính vì vậy, Thập kỷ Hành động “Nước vì Phát triển Bền vững” nhằm hướng tới việc tiếp tục và mở rộng khuôn khổ của các cuộc đối thoại giữa các quốc gia và các tổ chức quốc tế để tạo động lực mới, thúc đẩy nỗ lực tăng cường thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ.
Thế giới đang “khát” nước sạch
Báo cáo Ngân hàng Thế giới ước tính, tới năm 2030, nhu cầu về nguồn nước của con người sẽ vượt lượng cung tới 40%.
Theo Liên Hợp Quốc, hiện nay có hơn 2,6 triệu người trên toàn cầu không được tiếp xúc với điều kiện vệ sinh cơ bản và gần một tỉ người không được dùng nước sạch. Cứ 20 giây lại có một trẻ em tử vong vì các bệnh liên quan đến tình trạng thiếu nước sạch và điều kiện vệ sinh phù hợp.
Hiện tại, hơn 80 quốc gia, đại diện cho 40% dân số thế giới, đang trải qua tình trạng thiếu nước nghiêm trọng. Các nước Tây Nam Á đối mặt với mối đe dọa lớn nhất với hơn 90% dân số của khu vực thiếu nước trầm trọng.
Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP) cho biết, hiện tại cứ 3 người châu Phi thì có 1 người không được tiếp cận với nguồn nước và điều kiện vệ sinh phù hợp. Tuy nhiên, với mức cầu hiện nay, chỉ trong một hai thập kỷ tới, số người không có nước sạch và điều kiện vệ sinh hợp lý ở châu lục đen sẽ là 1/2 người.
Trong khi đó, với nhu cầu về nước ngày càng gia tăng theo đà tăng trưởng dân số, lượng nước ngầm đang bị khai thác đang vượt xa khả năng phục hồi.
Chưa hết, với khoảng 2 tỷ tấn rác con người thải vào nguồn nước mỗi ngày, con người còn phải đối mặt với thách thức ô nhiễm nguồn nước ở khắp nơi trên thế giới. Mặc dù sự cải thiện về chất lượng nguồn nước có thể thấy ở vài khu vực, ô nhiễm nước vẫn đang gia tăng trên toàn cầu.
Tại Việt Nam, thiếu nước sạch vẫn là một thách thức lớn ảnh hưởng đến trẻ em ở các vùng nông thôn Việt Nam. Theo kết quả điều tra dinh dưỡng quốc gia năm 2017, tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ dưới 5 tuổi của cả nước là 19,6% và tỷ lệ này ở trẻ em dân tộc thiểu số trên 30%.
Số liệu từ Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Y tế cho biết, “9.000 người chết hàng năm do điều kiện vệ sinh và chất lượng nước kém, gần 250.000 người phải nhập viện vì tiêu chảy cấp do nước sinh hoạt bị ô nhiễm, khoảng 200.000 người bị ung thư liên quan đến ô nhiễm nguồn nước”.
Việt Nam vẫn phải đối mặt với những trở ngại trong việc cung cấp nước sạch cho 100% dân số. Ngập lụt, ô nhiễm, hạn hán, cạnh tranh nguồn nước trong mùa khô và các chất gây ô nhiễm đã góp phần làm suy giảm nguồn cung cấp nước sạch. Ngân hàng Thế giới cho rằng tác động của ô nhiễm nguồn nước đối với sức khỏe con người là mối đe dọa lớn nhất đối với nền kinh tế Việt Nam. Ngân hàng Thế giới nhấn mạnh rằng nếu những thách thức này không được giải quyết vào năm 2035, Việt Nam có thể giảm 6% GDP hàng năm.
Từng trao đổi về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, Việt Nam là một nước ở hạ lưu các sông quốc tế, thường xuyên phải gánh chịu các thảm họa do nước gây ra, phải đối mặt với tình trạng khan hiếm nước và suy giảm nguồn nước do khai thác quá mức ở nhiều nơi. Bởi vậy tài nguyên nước của Việt Nam đang ẩn chứa nhiều yếu tố thiếu bền vững cho phát triển.
Tổng lượng dòng chảy mặt trên lãnh thổ nước ta vào khoảng 830-840 tỉ m3, trong đó khoảng 63% có nguồn gốc từ bên ngoài lãnh thổ. Theo quan điểm của Hiệp hội Nước quốc tế, tổng lượng nước bình quân đầu người đạt khoảng 9.560 m3/người/năm. Theo Bộ trưởng, nếu tính theo lượng nước nội sinh thì chỉ đạt khoảng 4.000 m3/người/năm, thấp hơn chuẩn của quốc gia có tài nguyên nước trung bình là 10.000 m3/người/năm.
Mặt khác, do dòng chảy phân bố không đều theo mùa và theo vùng, trong đó 70-80% tổng lượng dòng chảy tập trung trong mùa lũ, mùa khô kéo dài từ 6-9 tháng với tổng lượng dòng chảy chỉ chiếm khoảng 20-30% nên về cơ bản Việt Nam vẫn là quốc gia thiếu nước.
Lan Anh (T/h)