Trong phiên chất vấn, nhiều đại biểu đã đặc biệt quan tâm đến vấn đề môi trường và đề nghị ông Đào Trọng Quy, Giám đốc Sở TN&MT trả lời. Liên quan đến tình trạng ô nhiễm nguồn nước trên Kênh Bắc – dòng kênh chính dẫn nước thô từ hồ Cửa Đạt về nhà máy xử lý nước sạch đặt tại TP Thanh Hóa, đại biểu HĐND Lê Thị Như Hoa đã đặt ra vấn đề: “Tình trạng này khiến người dân bất an, nhiều báo đài phản ánh song chưa nêu trong báo cáo của Sở TN&MT”.
Ông Đào Trọng Quy xác nhận tình trạng trên, đồng thời chia sẻ: “Tôi cũng kinh lắm, uống nước vào có khi béo là do nước nó bẩn”. Theo ông Quy, công tác xử lý và bảo vệ môi trường là trách nhiệm của toàn dân, của toàn hệ thống chính trị mà chủ trì là các cơ quan Nhà nước. Bộ và Sở TN&MT là cơ quan tham mưu trên cơ sở nhận thức là toàn dân và cả hệ thống cùng làm.
Ông Đào Trọng Quy - Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Thanh Hóa (Ảnh tư liệu) |
Từ tình hình thực tế, ông Đào Trọng Quy đưa ra giải pháp cần phải triển khai đường ống khép kín để lấy nước từ huyện Thường Xuân (hồ Cửa Đạt) về, có khi không cần lọc mà cũng có thể ăn được, mà nó sạch hơn là nước hiện nay. Đây là vấn đề giống nòi, do vậy phải khẩn trương làm đường ống kín.
Không hài lòng với câu trả lời của ông Quy, đại biểu Nguyễn Văn Tuấn (đoàn đại biểu huyện Vĩnh Lộc) cho rằng nước lấy từ Thường Xuân về có thực sự sạch hơn nước sạch, nước lọc hay không? Đây là một nội dung nhạy cảm, khiến cho nhiều cử tri và hàng vạn người dân đang sử dụng nước trên địa bàn không khỏi lo lắng.
Giải trình cho câu trả lời chất vấn của mình, ông Quy khẳng định lại nguồn nước này rất bẩn. Còn việc xử lý của các công ty nước hiện nay đã đảm bảo các quy chuẩn. Nhưng nếu được lấy nước từ Thường Xuân về để sử dụng thì rất tốt. Có khi không cần lọc còn sạch hơn nước bây giờ. Cho nên, để đảm bảo an toàn, tôi khuyên các vị nên “ăn chín, uống sôi”.
Sau trả lời chất vấn của Giám đốc Sở TN&MT, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND Thanh Hóa Trịnh Văn Chiến cho rằng: “Nói như thế là các nhà máy nước hiện nay đang xử lý rất đáng lo. Đặc biệt các hộ dùng nước ở thành phố và vùng phụ cận như Sầm Sơn”. Đồng thời, ông Chiến cũng nhấn mạnh: “Thực ra nước từ hồ Cửa Đạt về trên đường đi thì đúng là có vấn đề thật. Còn dự án nước thì UBND tỉnh đang cho vận hành, trên tinh thần tuần tự từng bước xử lý, nhưng phải nhanh”.
Thời gian đây, theo thông tin phản ánh của nhiều cơ quan báo chí, Kênh Bắc chảy qua một số huyện và TP.Thanh Hóa, có nhiệm vụ tưới tiêu và cấp nước sinh hoạt cho người dân, nhưng hiện nay đang bị ô nhiễm rất nghiêm trọng. Trước tình trạng này, hàng nghìn hộ dân đang sử dụng nước máy do Công ty Cổ phần Cấp nước Thanh Hóa cung cấp tỏ ra rất lo lắng về chất lượng nước mà mình đang sử dụng.
Theo thông tin từ Tạp chí Bất động sản Việt Nam, lãnh đạo Công ty Cổ phần Cấp nước Thanh Hóa khẳng định rằng nguồn nước sinh hoạt cấp cho khoảng 180.000 khách hàng trên địa bàn TP. Thanh Hóa hoàn toàn đảm bảo theo quy chuẩn của Bộ Y tế.
Ông Nguyễn Huy Nam, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Cấp nước Thanh Hóa cho biết Công ty đã đầu tư phòng thí nghiệm đạt tiêu chuẩn ISO và cơ quan có trách nhiệm cấp phép để thực hiện việc tiếp nhận phân tích các mẫu nước kể cả mẫu nước thô đưa vào sản xuất và mẫu nước đã xử lý xong trước khi cấp nước cho người dân.
Công ty Cổ phần Cấp nước Thanh Hóa. |
Ông Nam khẳng định, các mẫu nước lưu trữ ở tại nhà máy hiện nay rất đầy đủ, các chỉ tiêu cơ bản về nguồn nước sản xuất đều nằm trong ngưỡng giới hạn cho phép theo Bộ Y tế quy định. Ngoài ra, việc kiểm tra, kiểm định chất lượng nguồn nước còn được trung tâm kiểm soát dịch bệnh hằng năm thực hiện đúng quy định và hết sức chặt chẽ. Tuy nhiên, nhu cầu sử dụng nước của người dân cũng như các cơ quan đơn vị ở Thanh Hóa đang ngày càng tăng cao, về lâu dài, để đảm bảo đầy đủ cả chất và lượng nước, cần có hệ thống ống dẫn nước thô để đảm bảo vệ sinh, an toàn cho nguồn nước.
Công ty Cổ phần Cấp nước Thanh Hóa có lịch sử hình thành từ năm 1931. Năm 2016, doanh nghiệp này được cổ phần hoá với vốn nhà nước sau quyết toán là gần 330 tỉ đồng. Trong đó, ngoài cổ đông lớn UBND tỉnh Thanh Hoá với 84,48%, còn một cổ đông cá nhân khác nắm 5,79% là ông Nguyễn Huy Nhắn.
Cuối năm 2018 vừa qua, tổng tài sản của Công ty Cổ phần Cấp nước Thanh Hóa là 765,8 tỉ đồng, chủ yếu là tài sản cố định (594,6 tỉ đồng). Năm 2019, công ty này đặt kế hoạch sản lượng 29,78 triệu m3, tổng doanh thu là 333,3 tỉ đồng, lãi sau thuế 15,33 tỉ đồng.
Ngoài lĩnh vực cấp nước, sự hấp dẫn của Công ty Cổ phần Cấp nước Thanh Hóa còn đến từ 22 khu đất có tổng diện tích 354.639 m2 nằm rải rác khắp tỉnh, trong đó có những lô đất lớn tại TP.Thanh Hoá như 85.636 m2 tại Phường Đông Vệ, hồ chứa nước 86.858 m2 cũng tại Phường Đông Vệ, 19.897 m2 tại phường Đông Cương, Nhà máy nước Hàm Rồng 20.044 m2 tại xã Đông Cương.