Gian nan chống ngập đô thị

Tại TP.Hồ Chí Minh, gần như sau mỗi trận mưa lớn, lại xuất hiện các điểm ngập quen thuộc, khiến giao thông xáo trộn. Các phương tiện và người dân đứng “chôn chân” dưới “biển” nước mênh mông, nhiều hộ gia đình phải thức trắng đêm tát nước.
Trồng rừng ngập mặn để phòng, chống lụt bãoGỡ 'nút thắt' cho bài toán rác thải ở Hà NộiTP.HCM: Dân kêu cứu vì ô nhiễm!

Những thời điểm xuất hiện triều cường dâng cao kết hợp mưa to vào dịp cuối năm thì cuộc sống của người dân thành phố gần như bị đảo lộn hoàn toàn. Từ năm 2010 đến nay, nhằm giải quyết tình trạng ngập úng đô thị, TP.Hồ Chí Minh đã đầu tư hàng chục nghìn tỉ đồng triển khai nhiều dự án chống ngập quy mô lớn. Riêng giai đoạn 2016 - 2020, TP.Hồ Chí Minh chi gần 26 nghìn tỉ đồng cho công tác chống ngập.

gian nan chong ngap do thi
Ngập ở khu vực chợ Thủ Đức, quận Thủ Đức (ẢNH: P. Đình)

Một số dự án hoàn thành đưa vào sử dụng đã cải thiện tình trạng ngập úng nặng ở các khu dân cư. Song, nhiều dự án chống ngập quy mô lớn, đầu tư kéo dài từ 5 đến 7 năm, thậm chí lâu hơn, đến nay vẫn chưa hoàn thành hoặc thiếu hiệu quả cho thấy còn tồn tại nhiều vấn đề.

Cụ thể, để chống ngập úng cho “rốn ngập” Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh), năm 2019, thành phố đã duyệt chi 472 tỉ đồng đầu tư cải tạo tuyến đường và hệ thống thoát nước; đồng thời, sử dụng máy bơm chống ngập liên tục sau gần hai năm nhưng đến nay vẫn không phát huy hiệu quả; “Siêu” dự án chống ngập 10.000 tỉ đồng sau nhiều lần lùi tiến độ do vướng mắc về đền bù giải tỏa, đang được kỳ vọng sẽ về đích vào cuối năm 2020 để giải quyết ngập úng cho khoảng 6,5 triệu dân thuộc các quận 1, 4, 7, 8, huyện Nhà Bè và Bình Chánh.

Theo nhận định của các chuyên gia và cơ quan hữu quan, có nhiều nguyên nhân gây ngập úng đô thị TP.Hồ Chí Minh với mức độ ngập ngày một nặng hơn, phức tạp hơn. Đó chính là tình trạng bê-tông hóa từ việc phát triển nóng về đô thị, tình trạng san lấp hệ thống kênh rạch khiến không có dung tích điều tiết nước.

Hệ thống cống thoát nước nhỏ, cũ kỹ và xuống cấp chưa được cải tạo và đầu tư kịp thời để phù hợp điều kiện biến đổi khí hậu; không có các hồ, bể chứa nước tự nhiên và nhân tạo để thu gom nước mưa. Trong khi đó, giải pháp chống ngập của thành phố còn nặng tính manh mún, cục bộ, “ngập đâu chống đó”; thiếu tính kết nối đồng bộ cho nên mới có chuyện đường nâng xong thì hẻm lại ngập, nâng hẻm thì nhà như hố sâu và rồi lại tiếp tục… nâng nhà.

Ngoài ra, công tác dự báo, khảo sát và lập quy hoạch đô thị, quy hoạch ngành chưa sát, thiếu cập nhật và đánh giá tác động; các cơ quan chức năng và chủ đầu tư chưa phối hợp đồng bộ trong đầu tư, kiểm tra giám sát chất lượng công trình. Tất cả những bất cập và hạn chế này khiến công tác chống ngập của thành phố thường bị “hụt hơi”, “càng chống càng ngập”, gây lãng phí không nhỏ ngân sách nhà nước.

Đã đến lúc, TP.Hồ Chí Minh phải xem xét lại và quyết liệt hơn khi thực hiện các giải pháp chống ngập. Chính quyền thành phố cần sớm trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, điều chỉnh Quyết định số 752/2001/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đồ án quy hoạch tổng thể hệ thống thoát nước TP Hồ Chí Minh đến năm 2020, làm cơ sở cho việc triển khai các dự án đầu tư xây dựng mới, cải tạo và nâng cấp hệ thống thoát nước của TP.Hồ Chí Minh.

Bởi đến nay, quy hoạch đã được gần 10 năm, những thông số tính toán đầu vào của quy hoạch trở nên lạc hậu do chưa lường hết các yếu tố biến đổi khí hậu, vì vậy cần phải điều chỉnh để phù hợp thực tiễn. Đây được xem là cơ sở pháp lý quan trọng trong việc quản lý đầu tư xây dựng và cải tạo hệ thống thoát nước thành phố.

Chương trình “Giảm ngập nước, ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng” là một trong bảy chương trình đột phá mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP.Hồ Chí Minh nhiệm kỳ 2015-2020 đề ra, do đó thành phố cần quyết tâm và nỗ lực thực hiện để giải quyết hiệu quả bài toán chống ngập, từng bước xây dựng một đô thị văn minh, đáng sống.

Qúy Hiền
Theo Báo Nhân Dân

Xem thêm

Liên kết