Giao thông xanh - ‘Chìa khóa’ giải quyết bài toán ô nhiễm môi trường đô thị

Giảm ùn tắc giao thông và bảo vệ môi trường là nhiệm vụ quan trọng để xây dựng hệ thống giao thông đô thị thông minh, hiện đại. Do đó, giao thông xanh là một xu hướng kết hợp giữa phát triển môi trường sinh thái và phát triển đô thị.
Google sử dụng trí tuệ nhân tạo điều tiết giao thông, thân thiện môi trườngPhát triển giao thông xanh để hạn chế ô nhiễm môi trườngTăng trưởng xanh: Xu thế tất yếu để phục hồi kinh tế hậu Covid-19Hướng tới mô hình sản xuất xanh trong nông nghiệp

Hà Nội sắp có tuyến buýt điện thứ 5?

Trung tâm Quản lý giao thông công cộng Hà Nội (Tramoc) vừa đề xuất Sở GTVT Hà Nội phê duyệt thí điểm mở mới tuyến xe buýt điện số hiệu E06 lộ trình bến xe Giáp Bát - Khu đô thị Vin Smart City.

Theo đó, tuyến E06 có cự ly 22,5 km, thời gian thí điểm trong 12 tháng, chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 từ ngày 1/4 - 30/9/2022 với 98 lượt xe/ngày, tuần suất 20 phút/lượt. Thời gian hoạt động từ 5h00 - 21h00; Giai đoạn 2 từ 1/10/2012 với 126 lượt xe/ngày. Giãn cách chạy xe 15-20 phút/lượt. Thời gian hoạt động từ 5h00 - 21h00. Giá vé thực hiện theo quy định của UBND TP.Hà Nội, 7.000 đồng/hành khách.

Cụ thể, lộ trình tuyến buýt E06 như sau, với chiều đi: Bến xe Giáp Bát - Giải Phóng-Hoàng Liệt - Nghiêm Xuân Yêm - Nguyễn Xiển - Nguyễn Trãi - Trần Phú (Hà Đông) - Quang Trung (Hà Đông) - Lê Trọng Tấn (Hà Đông) - Tỉnh lộ 72 - Tỉnh lộ 70 (Tây Mỗ) - Khu đô thị Vin Smart City (đối diện Vincom Mega Mall).

Chiều về: Khu đô thị Vin Smart City - Tỉnh lộ 70 (Tây Mỗ) - Tỉnh lộ 72 - Lê Trọng Tấn - Quang Trung (Hà Đông) - Trần Phú (Hà Đông) - Nguyễn Trãi - Nguyễn Xiển - Nghiêm Xuân Yêm - Hoàng Liệt - Ngọc Hồi - Giải Phóng - BX Giáp Bát.Tuyến buýt E06 có lộ trình cụ thể như sau, chiều đi: Bến xe Giáp Bát - Giải Phóng-Hoàng Liệt - Nghiêm Xuân Yêm - Nguyễn Xiển - Nguyễn Trãi - Trần Phú (Hà Đông) - Quang Trung (Hà Đông) - Lê Trọng Tấn (Hà Đông) - Tỉnh lộ 72 - Tỉnh lộ 70 (Tây Mỗ) - Khu đô thị Vin Smart City (đối diện Vincom Mega Mall).

Giao thông xanh - ‘Chìa khóa’ giải quyết bài toán ô nhiễm môi trường đô thị - Ảnh 1
Xe buýt điện góp phần hạn chế lượng phương tiện giao thông, giảm thiểu khí thải ra môi trường. (Ảnh minh họa)

Trước đó, Hà Nội đưa vào khai thác có 4 tuyến buýt điện, bao gồm: Tuyến E01 (BX Mỹ Đình - Khu đô thị Vin Ocean Park); tuyến E03 (Khu đô thị Vin Ocean Park - BX Mỹ Đình); tuyến E05 (Long Biên - Khu đô thị Vin Smart City); tuyến E02 (lộ trình từ Hào Nam - Khu đô thị Vin Ocean Park).

Được biết, các tuyến buýt điện tại Hà Nội hiện đều do Công ty TNHH Dịch vụ vận tải sinh thái VinBus (thuộc Tập đoàn Vingroup) thực hiện.

Hà Nội hiện có 2.136 xe buýt phục vụ người dân đi lại nhưng chỉ có 48 xe buýt điện, 102 xe chạy bằng khí tự nhiên CNG. Ước tính khoản chi phí xăng, dầu cho hơn 2.000 xe buýt thường lên đến hàng tỷ đồng mỗi ngày. Để khuyến khích người dân sử dụng xe buýt, nhằm hạn chế lượng phương tiện giao thông trên đường cũng như giảm thiểu khí thải ra môi trường, thành phố phải chi cả nghìn tỷ đồng mỗi năm trợ giá cho xe buýt.

Vai trò của xe buýt đối với hệ thống giao thông và môi trường của Hà Nội là vô cùng quan trọng nhưng gánh nặng chi phí cũng không hề nhỏ. Đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, chi phí xăng, dầu tăng bao nhiêu khoản trợ giá của thành phố sẽ tăng thêm bấy nhiêu. Mặt khác, hơn 2.000 xe buýt sử dụng xăng, dầu mỗi ngày sẽ đẩy vào bầu không khí một lượng khí thải không nhỏ, gia tăng thêm sức ép lên môi trường sống của người dân.

Có thể thấy, xe buýt điện mới chỉ xuất hiện tại Hà Nội vài tháng qua, đạt tỷ trọng chưa đến 3% toàn mạng lưới nhưng hiệu quả và lợi ích mang lại rất rõ rệt. Giới chuyên gia đã khẳng định, giá trị của vận tải công cộng không thể tính đếm bằng bài toán kinh tế đơn thuần. Cái giá phải trả cho ô nhiễm môi trường và ùn tắc giao thông tại Hà Nội không chỉ thấy rõ ngay trước mắt mà còn kéo dài qua nhiều thế hệ.

Triển vọng tương lai của giao thông “xanh”

Giao thông xanh là một xu hướng, thích ứng với xu thế phát triển môi trường sống, được định hướng bởi giao thông công cộng, kết hợp giữa phát triển môi trường sinh thái và phát triển đô thị. Nắm bắt điều này, tại các thành phố lớn, trong đó có Hà Nội và TP.HCM đang nỗ lực, đẩy nhanh phát triển giao thông xanh. Có thể kể đến như việc phát triển hệ thống vận tải công cộng, thu hút người dân đến với tàu điện, xe buýt; thực hiện rà soát các phương tiện xe cá nhân phát thải cao; đưa xe buýt điện vào vận hành…

Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết số 04/2017/NQ-HĐND của HĐND TP.Hà Nội về Đề án “Tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn TP.Hà Nội, giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến năm 2030”, UBND TP.Hà Nội đã triển khai đồng bộ 37 nhóm giải pháp. Trong đó, các nhóm giải pháp về cải thiện và phát triển hoạt động vận tải hành khách công cộng tiếp tục được đẩy mạnh thực hiện, hướng tới hình thành một mạng lưới vận tải hành khách công cộng đa phương thức tiên tiến, thân thiện với môi trường. Thành phố đang tích cực đưa vào hoạt động các tuyến xe buýt sử dụng nhiên liệu sạch, mang lại nhiều tiện ích mới cho người dân Thủ đô.

Đánh giá về hiệu quả hoạt động của các tuyến xe buýt điện, ông Thái Hồ Phương, Phó giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP.Hà Nội nhận định, việc đưa các tuyến buýt điện vào hoạt động đã đánh dấu cột mốc quan trọng, góp phần giảm phát thải khí nhà kính trong giao thông, mang đến trải nghiệm “xanh” và tiện nghi cho người dân Thủ đô.

Mỗi năm, Hà Nội phải chi hàng nghìn tỷ đồng trợ giá cho xe buýt để giảm thiểu ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường. Theo các chuyên gia, khoản tiền đó có thể giảm đáng kể mà vẫn mang lại hiệu quả gấp nhiều lần nếu sử dụng xe buýt điện, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay.

Bên cạnh đó, việc sử dụng phương tiện công cộng là một trong những giải pháp hiệu quả nhằm giảm bớt phương tiện cá nhân, từ đó hạn chế tình trạng ùn tắc giao thông, giảm áp lực cho giao thông đô thị.

Giảm ùn tắc giao thông và bảo vệ môi trường là những nhiệm vụ quan trọng để xây dựng hệ thống giao thông đô thị thông minh, hiện đại, an toàn. Do đó, việc mở rộng và nâng cao chất lượng hệ thống vận tải hành khách công cộng là giải pháp cần đẩy mạnh thực hiện tại các đô thị lớn của nước ta hiện nay.

Cũng chia sẻ về vấn đề này, ông Lê Hòa Bình, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cho hay, việc đưa xe buýt điện vào hoạt động với mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính trong giao thông, đồng thời góp phần thay đổi thói quen của người dân trong việc lựa chọn sử dụng phương tiện giao thông xanh cũng là mục tiêu quan trọng của thành phố.

Còn theo các chuyên gia giao thông tại TP.HCM, giá xăng dầu tăng cao cũng là thời điểm phù hợp để người dân chuyển qua các phương tiện công cộng. Loại xe buýt điện sử dụng năng lượng sạch, thân thiện môi trường và không ô nhiễm tiếng ồn sẽ có nhiều lợi thế cạnh tranh trong thời gian tới. Xe điện đang là xu hướng của toàn cầu và cả Việt Nam. Trong tương lai, phương tiện sử dụng xăng, dầu sẽ giảm đi đáng kể.

Tại hội thảo trực tuyến bàn về chủ đề “Làm sao để đón đầu xu hướng giao thông điện” được tổ chức bởi Đại sứ quán Hà Lan tại Việt Nam và Informa Markets Vietnam, quy tụ nhiều doanh nghiệp, nhà lãnh đạo, nhà hoạch định chiến lược và các chuyên gia trong lĩnh vực giao thông điện của Việt Nam và Hà Lan, đã nhận định sẽ có những bước phát triển đầy hứa hẹn của giao thông điện tại Việt Nam.

Dẫn kinh nghiệm từ việc phát triển giao thông điện hàng đầu thế giới ở Hà Lan, ông Baerte de Brey, Phó Chủ tịch Hiệp hội Giao thông điện Châu Âu, Giám đốc Quốc tế Tổ chức ElaadNL Hà Lan, cho biết Hà Lan nằm trong top 5 quốc gia có xe điện chiếm tỷ lệ cao nhất trong các phương tiện chở khách. Ngoài ra, nước này đang dẫn đầu về mật độ trạm sạc điện với số lượng trạm sạc công cộng cao nhất châu Âu, có sẵn 1 điểm sạc cho mỗi 2 km đường.

Lan Anh

Xem thêm

Liên kết