Đứng trước những áp lực tác động vào sản xuất như phân bón, xăng dầu… là nước cung cấp lúa gạo đứng thứ 3 thế giới, đòi hỏi ngành nông nghiệp Việt Nam phải sản xuất tiết kiệm chi phí hơn, theo hướng bền vững, thân thiện với môi trường.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan đánh giá, sản xuất nông nghiệp đang phải đối mặt với chi phí tăng cao trong thời gian gần đây và có những dự báo còn tiếp tục tăng hơn nữa do những biến động trên thế giới. Giảm chi phí đầu vào là một “mệnh lệnh” khi chuyển sang kinh tế nông nghiệp, giúp nông dân giảm khó khăn, thiệt hại.
Theo đó, những giải pháp thay đổi quy trình sản xuất theo hướng tiết kiệm nguyên liệu vật tư, tăng cường tuần hoàn các phế phẩm nông nghiệp ở quy mô hộ, liên hộ, hợp tác xã cần được nhân rộng, trở thành phổ biến.
Ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cũng cho biết, để giảm các yếu tố đầu vào trong sản xuất, nhiều năm qua, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã phối hợp với nhiều đơn vị, địa phương; trong đó, có Công ty Cổ phần phân bón Bình Điền triển khai canh tác lúa thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu vùng Đồng bằng sông Cửu Long với việc sử dụng phân bón tối ưu.
Mô hình được triển khai trong vụ Đông Xuân 2020-2021 và vụ Hè Thu 2021 cho thấy, việc sử dụng giống chỉ từ 67-85kg/ha, phân bón sử dụng giảm từ 10-30% tùy theo từng địa phương vẫn cho năng suất cao hơn và lợi nhuận tăng đáng kể từ 1-6,6 triệu đồng/ha.
Trong vụ Đông Xuân 2021-2022, mô hình tiếp tục được Công ty Cổ phần phân bón Bình Điền xây dựng và chuyển giao cho nông dân ở tỉnh Trà Vinh vừa thu hoạch cho năng suất từ 7,3-8,3 tấn/ha, đạt lợi nhuận từ 24-26 triệu đồng. Bởi, nông dân đã sử dụng máy sạ cụm (còn gọi máy sạ khóm), sử dụng phân bón thông minh của công ty kết hợp với phương pháp quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) nên giảm rất nhiều chi phí, công lao động, nhưng năng suất cao hơn 25-30% và lợi nhuận tăng hơn bình quân 6,5 triệu đồng/ha so với ruộng canh tác bình thường.
“Như vậy, có thể giảm lượng giống, phân bón để vừa giảm được chi phí, vừa giảm phát thải, hạn chế ô nhiễm môi trường. Đây là điều hoàn toàn có thể làm được,” ông Lê Quốc Thanh đánh giá.
Nhưng theo ông Lê Quốc Thanh, việc mở rộng những mô hình tương tự như vậy vẫn còn sự phụ thuộc vào các vùng sinh thái, tập quán, cây trồng… Các mô hình được đưa ra để làm thay đổi thói quen của những nông dân cần có sự minh chứng bằng thực tiễn và thời gian. Trung tâm sẽ tiếp cận mang tính tổng thể hơn với các gói kỹ thuật, giải pháp đồng bộ.
Bên cạnh các mô hình hướng dẫn người dân sản xuất tiết giảm sử dụng vật tư nông nghiệp thì ngành nông nghiệp và nhiều địa phương cũng tăng cường khuyến nghị sử dụng phân bón hữu cơ để thay thế phân bón vô cơ.
Đặc biệt, người dân cũng tự sản xuất ra được phân hữu cơ này bằng việc tận dụng nguồn phụ phẩm nông nghiệp kết hợp với các chế phẩm sinh học. Nông dân sẽ giảm thêm một phần chi phí sản xuất, mà nông sản đáp ứng tiêu chuẩn sản xuất sạch nên giá trị được nâng cao, đảm bảo thu nhập ổn định.
Ngành nông nghiệp đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế xanh
Ngày 25/9/2012, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1393/QĐ-TTg phê duyệt “Chiến lược về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011-2020 và tầm nhìn tới năm 2050” với mục tiêu chung là tăng trưởng xanh, tiến tới nền kinh tế carbon thấp, làm giàu vốn tự nhiên.
Nhằm đóng góp chung vào quá trình phát triển kinh tế xanh bền vững ở Việt Nam, Bộ NN&PTNT đã xây dựng đề án “Giảm phát thải khí nhà kính trong nông nghiệp, nông thôn” với các mục tiêu thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp xanh theo hướng an toàn, ít phát thải, phát triển bền vững, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, góp phần giảm nghèo và ứng phó có hiệu quả với biến đổi khí hậu.
Hà Lan (T/h)