Tại Việt Nam, các đô thị lớn đang phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng và quá tải hạ tầng giao thông. Ô nhiễm từ giao thông đô thị còn là tác nhân gây ảnh hưởng đến các lĩnh vực kinh tế - xã hội, chất lượng môi trường sống…, đặc biệt là tới sức khỏe con người.
Báo cáo kỹ thuật kiểm kê quốc gia khí nhà kính của Việt Nam năm 2014 cho thấy, lĩnh vực năng lượng (bao gồm hoạt động GTVT) chiếm phần lớn lượng phát thải khí nhà kính tại Việt Nam. Báo cáo quốc gia cập nhật lần thứ ba lên Công ước khung Liên Hợp quốc về Biến đổi Khí hậu của Việt Nam cũng chỉ ra, ngành GTVT đã và sẽ tiếp tục là nguồn phát thải khí nhà kính đáng kể, thải ra 30,6 triệu tấn CO2tđ, tương ứng với 10,76% tổng lượng phát thải CO2tđ. Trong đó, giao thông đường bộ chiếm gần 90% lượng phát thải toàn ngành.
Theo WHO, ô nhiễm không khí từ phương tiện giao thông được coi là kẻ giết người thầm lặng. Ước tính có khoảng 30% các trường hợp tử vong do ung thư phổi có liên quan đến ô nhiễm không khí. Tương tự như vậy, tỉ lệ đột quỵ não cũng như các bệnh lý về tim mạch chiếm khoảng 25%.
Riêng đối với bệnh lý hô hấp, các đối tượng bị ảnh hưởng sẽ nhiều hơn rất nhiều, ước tính khoảng 43% các trường hợp tử vong do các bệnh lý hô hấp có liên quan đến ô nhiễm không khí. Nếu không có biện pháp để bảo vệ môi trường, con người sẽ là đối tượng đầu tiên phải gánh chịu hậu quả và tiếp theo sẽ là thế hệ tương lai của chúng ta.
Trước thực trạng trên, ngành Giao thông vận tải (GTVT) đã thực hiện nhiều hoạt động nhằm giảm phát thải khí nhà kính (KNK) trên cơ sở ba mục tiêu: Giảm cường độ phát thải KNK và tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo; Xanh hóa sản xuất và xanh hóa lối sống và tiêu dùng bền vững.
Ở Việt Nam, để kiểm soát ô nhiễm nhà kính, ứng phó với biến đổi khí hậu, thực hiện Luật Bảo vệ môi trường năm 2014, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 985a/QĐ-TTg ngày 1/6/2016 phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý chất lượng không khí đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025; Quyết định số 2053/QĐ-TTg ngày 28/10/2016 phê duyệt Kế hoạch thực hiện thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu của Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030. Nếu giai đoạn 2016 - 2020, giảm nhẹ phát thải khí nhà kính là hoạt động được ngành GTVT “khuyến khích” thực hiện thì sang giai đoạn 2021 - 2030, đây sẽ là nhiệm vụ “bắt buộc”.
Trong thực tế, những năm qua, công tác bảo vệ môi trường giao thông vận tải đã có những chuyển biến tích cực. Nhiều chính sách, chủ trương đã được triển khai như: Công tác kiểm soát khí thải của phương tiện giao thông; xây dựng, ban hành chính sách hỗ trợ đầu tư đổi mới phương tiện vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt sử dụng nhiên liệu LPG, CNG; triển khai và ứng dụng công nghệ mới trong giao thông vận tải nhằm mục tiêu tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường, thu đổi xe cũ nát tại TP.HCM và Hà Nội…
Theo các chuyên gia, giao thông xanh là các phương tiện giao thông hạn chế thải khí CO2 và các loại khí thải độc hại khác ra môi trường. Giao thông xanh sử dụng sức người, năng lượng tái tạo, điện, khí thiên nhiên nén... Việc sử dụng xe đạp, xe máy, ô tô điện, xe chạy bằng khí nén CNG; xe sử dụng năng lượng mặt trời, năng lượng gió… chính là tham gia giao thông xanh.
Ô nhiễm từ giao thông đô thị là tác nhân gây ảnh hưởng đến các lĩnh vực kinh tế - xã hội, chất lượng môi trường sống…, đặc biệt là tới sức khỏe con người. Việc phát triển các loại hình giao thông xanh thay thế dần xe cơ giới không chỉ là lựa chọn cho hiện tại mà còn cho cả tương lai. Chính vì vậy, phát triển giao thông xanh tại Việt Nam, nhất là ở các đô thị lớn cần được chú trọng để giảm thiểu ô nhiễm, giúp cuộc sống thêm xanh.