Ảnh minh họa. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Cái giá phải trả cho những hậu quả do Trái Đất ấm lên sẽ vượt xa kinh phí để cắt giảm nhanh khí thải gây hiệu ứng nhà kính, do đó thế giới nên "hành động quyết liệt và ngay lập tức" để đối phó với biến đổi khí hậu. Hơn 700 nhà kinh tế trên khắp thế giới đã nhất trí với nội dung này trong cuộc thăm dò ý kiến được công bố ngày 30/3.
Theo ước tính của 738 nhà kinh tế tham gia cuộc thăm dò của Viện Chính sách Liêm chính của Đại học New York (Mỹ), nếu không hành động khẩn trương, thế giới sẽ có nguy cơ thiệt hại kinh tế khoảng 1.700 tỉ USD/năm đến năm 2025 và khoảng 30.000 tỉ USD/năm đến năm 2075.
Khi được hỏi về vấn đề đưa lượng khí thải về 0 vào năm 2050, gần 70% số chuyên gia kinh tế trả lời rằng những lợi ích kinh tế đem lại sẽ lớn hơn nhiều so với chi phí đầu tư vào mục tiêu toàn cầu này. Gần 89% cho rằng biến đổi khí hậu sẽ khiến bất bình đẳng trên toàn cầu càng thêm trầm trọng hơn.
Gần 75% số nhà kinh tế được hỏi cho rằng thế giới cần hành động quyết liệt và ngay lập tức để hạn chế tác động của biến đổi khí hậu. tỉ lệ này tăng so với mức 50% trong cuộc thăm dò cũng do viện trên tiến hành năm 2015.
Kết quả thăm dò cũng cho thấy 65% số người được hỏi nói rằng giá của công nghệ năng lượng tái tạo sẽ tiếp tục giảm trong 10 năm tới và ước tính đến năm 2050 thế giới sẽ có 50% nguồn năng lượng thân thiện với môi trường.
Gần 80% khẳng định mức độ quan tâm của họ đến vấn đề khí hậu đã tăng lên trong 5 năm qua. Lý do được nhiều chuyên gia đưa ra nhất là họ nhận thấy những hiện tượng thời tiết cực đoan do biến đổi khí hậu gia tăng.
Theo Văn phòng Giảm thiểu Rủi ro Thiên tai của Liên hợp quốc, từ năm 2000 – 2019, thế giới hứng chịu hơn 7.300 trận thiên tai lớn khiến khoảng 1,2 triệu người thiệt mạng và gây thiệt hại 3.000 tỉ USD. So với 20 năm trước, thế giới có khoảng 4.200 trận thiên tai khiến 1,19 triệu người thiệt mạng và gây thiệt hại 1.600 tỉ USD.