GWEC đề xuất Việt Nam lùi thời hạn áp dụng cơ chế giá FIT điện gió

Theo GWEC, việc gia hạn giá FIT thêm 6 tháng cho các dự án điện gió sau ngày 31/10 năm nay sẽ tránh rủi ro cho gần 7 tỉ USD đã rót vào lĩnh vực này ở Việt Nam.

Hội đồng Năng lượng gió toàn cầu (GWEC) cho biết, do những trở ngại và đình trệ do đại dịch gây ra, phần lớn các dự án điện gió trên bờ đang triển khai sẽ không kịp hoàn thành kịp hạn chót trước ngày 1/11/2021 để hưởng cơ chế ưu đãi giá điện cố định (FIT).

Nếu không lùi thời hạn áp dụng giá FIT, những dự án này sẽ không thể tiếp tục và sẽ tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế địa phương cũng như môi trường đầu tư năng lượng tái tạo tại Việt Nam.

Tình hình dịch Covid-19 tại Việt Nam đã gây ra rất nhiều khó khăn cho ngành, có thể kể đến như: Tắc nghẽn chuỗi cung ứng trang thiết bị điện gió, nhân công không thể di chuyển tới công trường dự án để làm việc và thực hiện công tác nghiệm thu, hạn chế di chuyển đối với chuyên gia nước ngoài…

GWEC đề xuất Việt Nam lùi thời hạn áp dụng cơ chế giá FIT điện gió - Ảnh 1
Lũy kế 8 tháng, có 24 nhà máy điện gió được vận hành thương mại, tổng công suất 963 MW.

Theo kết quả khảo sát do GWEC thực hiện đối với ngành điện gió, tính tới hết tháng 8/2021, ước tính có tới 4.000 MW dự án điện gió trên bờ tại Việt Nam gặp những thách thức nghiêm trọng do dịch bệnh gây ra và do đó, có nguy cơ lỡ hạn chót cho giá FIT vào tháng 11/2021.

Theo những tính toán chuyên môn dựa trên giá trị trung bình của quốc tế và Việt Nam, 4.000 MW điện gió tương đương với 6,7 tỉ USD vốn đầu tư và đây là một khoản đầu tư rất quan trọng đối với chính quyền cùng người dân địa phương. Khoản này bao gồm 6,51 tỉ USD chi phí tài sản cố định và 151 triệu USD chi phí vận hành trong 25 năm vòng đời của các dự án điện gió.

Những dự án điện gió này có thể tạo ra xấp xỉ 21.000 việc làm, từ đó góp phần tạo công ăn việc làm cho các nhóm dân cư ven biển và thúc đẩy một nền kinh tế xanh cho Việt Nam. Phần lớn những khoản đầu tư và việc làm này sẽ được hiện thực hóa ở địa phương và trải dài trong chuỗi cung ứng, từ các hoạt động vận tải, xây lắp đến vận hành, bảo dưỡng.

GWEC kêu gọi Chính phủ Việt Nam lùi thời hạn áp dụng cơ chế giá FIT thêm 6 tháng, tới hết tháng 4/2022, để tạo điều kiện cho các dự án điện gió đã có sự chuẩn bị, đầu tư ở một mức độ nhất định nhưng do những tác động khách quan của đại dịch Covid-19 không thể hoàn thành thi công một cách an toàn và đúng kế hoạch đã đặt ra.

Theo Quyết định 39/2018/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 37/2011/QĐ-TTg về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện gió tại Việt Nam, các dự án không kịp vận hành thương mại trước 1/11/2021 sẽ không được hưởng giá FIT ưu đãi trong 20 năm, và có thể phải chuyển sang cơ chế đấu thầu giá. Hiện Bộ Công Thương vẫn trong quá trình hoàn thiện cơ chế này.

Trước đó, đầu tháng 8 nhiều địa phương như Sóc Trăng, Gia Lai, Trà Vinh cũng có văn bản gửi Thủ tướng, Bộ Công Thương đề nghị gia hạn giá ưu đãi cho các dự án điện gió trên địa bàn không kịp hoàn thành, vận hành thương mại trước 1/11/2021 vì Covid-19. Các tỉnh đề xuất gia hạn thêm lần lượt đến hết năm 2022, quý I/2022 hoặc hết tháng 4/2022.

Số liệu của EVN cho thấy, có 106 nhà máy điện gió gửi văn bản và hồ sơ đăng ký chương trình đóng điện và hòa lưới, thử nghiệm, đề nghị công nhận COD, với tổng công suất 5.655,5 MW. Trong tháng 8 chỉ có 3 dự án với 12 tuabin gió được công nhận COD, công suất 48,8 MW. Lũy kế 8 tháng, có 24 nhà máy điện gió được vận hành thương mại, tổng công suất 963 MW.

Vân Trần
Theo Tạp chí KTMT