UBND TP.Hà Nội vừa có Quyết định 2461/QĐ-UBND phê duyệt Đề cương nhiệm vụ lập Chương trình phát triển nhà ở thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2030 và định hướng đến năm 2040.
Theo đó, Sở Xây dựng có trách nhiệm chủ trì tổ chức triển khai thực hiện bảo đảm tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật; UBND các quận, huyện, thị xã và các đơn vị liên quan có trách nhiệm cung cấp thông tin, phối hợp với Sở Xây dựng thành phố xây dựng chương trình.
Đây cũng sẽ là cơ sở để thành phố chủ động kiểm soát việc phát triển nhà ở trên địa bàn TP.Hà Nội giai đoạn 2021-2030, định hướng mục tiêu phát triển nhà ở đến năm 2040. Từ đó, đáp ứng cơ bản nhu cầu nhà ở của người dân, đồng thời gắn với phát triển đô thị theo hướng xanh, thông minh, bền vững, hiện đại.
Theo đề cương nhiệm vụ, các đơn vị sẽ thực hiện điều tra, khảo sát, đánh giá thực trạng về nhà ở trên địa bàn thành phố; thực trạng các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, nhà ở xã hội, nhà ở tái định cư, nhà ở công vụ; thực trạng thị trường bất động sản, nhu cầu về nhà ở.
Trên cơ sở phân tích, đánh giá kết quả thực hiện Chương trình phát triển nhà ở thành phố Hà Nội giai đoạn 2012-2020 và định hướng đến năm 2030, từ đó xác định quan điểm, định hướng và mục tiêu phát triển nhà ở đến năm 2030, định hướng đến năm 2040 và nhu cầu về nhà ở của các nhóm đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà xã hội theo quy định.
Đề cương cũng nêu rõ, trong giai đoạn 2021-2030, xác định nhu cầu về nhà ở (số lượng, loại nhà, tổng diện tích sàn xây dựng); nhu cầu về diện tích đất để xây dựng các loại nhà ở từng khu vực trên địa bàn thành phố; nhu cầu về vốn (vốn ngân sách nhà nước và các nguồn vốn khác) để đầu tư xây dựng nhà ở; xác định các chỉ tiêu về phát triển nhà ở (gồm diện tích nhà ở bình quân đầu người, chỉ tiêu diện tích sàn nhà ở tối thiểu, số lượng, diện tích sàn nhà ở xây dựng mới của từng loại nhà ở, chất lượng nhà ở tại đô thị và nông thôn)...
Xác định quan điểm, định hướng và mục tiêu phát triển nhà ở của thành phố đến năm 2040; xác định nhu cầu về diện tích đất và vốn để xây dựng nhà ở; xác định các chỉ tiêu về phát triển nhà ở...
Trên cơ sở đó, thành phố đề ra các giải pháp thực hiện về chính sách đất đai; quy hoạch xây dựng, kiến trúc; chính sách tài chính - tín dụng và thuế; chính sách phát triển thị trường và quản lý sử dụng nhà ở; giải pháp phát triển nhà ở cho các đối tượng chính sách nhà ở xã hội; giải pháp về hình thức đầu tư xây dựng các loại nhà ở; giải pháp về huy động các nguồn vốn, cơ chế ưu đãi tài chính…
UBND TP.Hà Nội cũng yêu cầu các đơn vị liên quan khi xây dựng chương trình này cần căn cứ một số chỉ tiêu về nhà ở của Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 đã được phê duyệt tại Quyết định số 2127/QĐ-TTg ngày 30/11/2011 của Thủ tướng Chính phủ.
Trong đó, chỉ tiêu phát triển nhà ở phải được xác định là một trong những chỉ tiêu cơ bản của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của thành phố từng giai đoạn; xác định quỹ đất để đáp ứng nhu cầu phát triển nhà ở xã hội, đặc biệt là nhà cho công nhân, người lao động trên địa bàn thành phố.
Trước đó, tại đồ án Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn 2050, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 1259/QĐ-TTg ngày 26/7/2011, ngay từ quan điểm phát triển, quy hoạch đã khẳng định Hà Nội sẽ là TP “xanh” bền vững về môi trường; đô thị sinh thái, gắn kết hài hòa các yếu tố tự nhiên - xã hội - con người; xây dựng TP cân bằng giữa yếu tố bảo tồn và phát triển mới.
Theo đó, không gian xanh của Hà Nội được quy hoạch chiếm tỉ trọng lớn trong tổng diện tích tự nhiên toàn TP, gồm đất nông nghiệp, lâm nghiệp, sông hồ ao, không gian mở ven mặt nước và các công viên trong đô thị…
GS.TSKH Phạm Ngọc Đăng, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam cho rằng, việc phát triển đô thị xanh ở Việt Nam nói chung cũng như tại TP.Hà Nội nói riêng còn gặp nhiều trở ngại, như hạ tầng kỹ thuật và xã hội còn kém, môi trường nhiều nơi bị ô nhiễm nghiêm trọng, dân số đông nên hạn chế về quỹ đất xây dựng, đội ngũ chuyên gia quy hoạch còn ít và trình độ chưa cao.
Theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị, nhà ở xã hội còn thiếu gay gắt, phát triển nhà ở xã hội hiện nay mới đạt 41,7% so với mục tiêu đề ra trong Chiến lược Phát triển nhà ở quốc gia.
Do đó, để đầu tư, phát triển nhà ở xã hội đảm bảo mục tiêu, yêu cầu, từ năm 2018, Bộ Xây dựng và Cơ quan Hợp tác Quốc tế Hàn Quốc tại Việt Nam - KOICA đã bắt đầu hợp tác thực hiện dự án "Xây dựng chính sách tổng thể nhà ở xã hội tại Việt Nam trong giai đoạn 2021-2030".
Thời gian tới, Bộ Xây dựng cũng sẽ tham khảo các kinh nghiệm của phía Hàn Quốc trong phát triển nhà ở xã hội và nghiêm túc nghiên cứu, đánh giá các kết quả của dự án, làm cơ sở để rà soát, hoàn thiện chính sách pháp luật nhằm phát triển mạnh mẽ hơn nữa nhà ở xã hội cho các đối tượng thu nhập thấp khu vực đô thị và công nhân khu công nghiệp, đáp ứng sự kỳ vọng của nhóm đối tượng này.