Nhà máy nước mặt sông Đuống. Ảnh: Dân Trí |
Những ngày qua, câu chuyện giá nước sông Đuống cao do gánh thêm 4.000 tỉ tiền vay ngân hàng nhưng Hà Nội chấp nhận mua và bù lỗ đã gây xôn xao dư luận. Dự án Nhà máy nước mặt sông Đuống hiện có 4 pháp nhân tham gia đầu tư, trong đó có Tập đoàn Aqua One của bà Đỗ Thị Kim Liên (Shark Liên) nắm cổ phần chi phối. Trả lời trên báo chí, bà Đỗ Thị Kim Liên cho biết do được Hà Nội mời chào đầu tư với cam kết sẽ bao tiêu đầu ra, đồng thời mua nước với giá 10.246 đồng/m3.
Điều đáng nói là không chỉ mời và chấp thuận cho Tập đoàn Aqua One của Shark Liên đầu tư nhà máy nước sông Đuống, TP.Hà Nội còn “giao” cho tập đoàn này thực hiện dự án nước sạch Xuân Mai.
Trong văn bản mới đây trả lời kiến nghị cử tri huyện Ứng Hoà, UBND TP.Hà Nội cho biết: Để đáp ứng nhu cầu sử dụng nước sạch cho người dân trên địa bàn huyện, UBND TP phê duyệt dự án đầu tư xây dựng phát triển mạng lưới phân phối nước sạch cho các xã thuộc huyện Thường Tin, Mỹ Đức, Ứng Hoà, Thanh Oai cho liên danh: Công ty Cổ phần nước Aqua One và Công ty Cổ phần nước sạch sông Đuống (Công ty TNHH hai thành viên phân phối nước sạch huyện Thường Tín, Mỹ Đức, Ứng Hoà, Thanh Oai) triển khai thực hiện tại quyết định số 4845/QĐ-BND.
Trong đó có xây dựng mới hệ thống cấp nước hoàn chỉnh cho 27 xã thuộc huyện Ứng hoà chưa có hệ thống cấp nước gồm: Cao Thành, Đại Cường, Đại Hùng, Đội Bình, Đông Lỗ, Đồng Tiến, Đồng Tân, Hoa Sơn, Hòa Lâm, Hòa Nam, Hòa Phú, Hòa Xá, Hồng Quang, Kim Đường, Lưu Hoàng, Minh Đức, Phù Lưu, Phương Tú, Sơn Công, Tảo Dương Văn, Trầm Lộng, Trung Tú, Liên Bạt, Trường Thịnh, Vạn Thái, Viên An, Viên Nội. Tiến độ thực hiện 2017 – 2020.
Mặt khác, để dáp ứng nhu cầu dùng nước của người dân huyện Ứng Hoà, hiện nay TP.Hà Nội giao Công ty Aqua One triển khai dự án nhà máy nước Xuân Mai, giai đoạn trước mắt sử dụng nguồn nước mặt sông Đuống thông qua tuyến truyền dẫn trên đường trục phát triển kinh tế phía Nam và đường 21B để kết nối hệ thống cấp nước bổ sung nguồn cấp nước cho Ứng Hoà.
Dự án này dự kiến được triển khai trong năm 2019.
Hình ảnh tại buổi khánh thành Nhà máy nước mặt sông Đuống. Ảnh: Vietnamnet |
Văn bản trả lời cử tri huyện Mỹ Đức của UBND thành phố Hà Nội cũng nêu rõ, để đáp ứng nhu cầu dùng nước của nhân dân huyện Ứng Hòa, hiện nay thành phố đã giao Công ty Aqua One triển khai dự án nhà máy nước Xuân Mai, giai đoạn trước mắt sử dụng nguồn nước mặt sông Đuống, thông qua tuyến truyền dẫn trên đường trục phát triển kinh tế phía Nam và đường 21B để kết nối hệ thống cấp nước bổ sung nguồn cấp cho huyện Ứng Hòa và khu vực dự kiến triển khai trong năm 2019.
Văn bản của UBND TP.Hà Nội trả lời cử tri huyện Đông Anh cũng cho biết, để triển khai hệ thống cấp nước cho các xã còn lại của huyện Đông Anh và đấu nối chuyển nguồn cho khu vực đã có hệ thống mạng lưới cấp nước đang sử dụng nguồn nước sạch từ các trạm cấp nước cục bộ, UBND thành phố giao Công ty CP Nước mặt sông Đuống đang triển khai dự án cấp nước cho 9 xã Thụy Lâm, Vân Hà, Liên Hà, Việt Hùng, Dục Tú, Cổ Loa, Mai Lâm, Bắc Hồng, Nam Hồng. Nhà đầu tư đang chuẩn bị triển khai cấp nước các xã còn lại của huyện Đông Anh tại quyết định 3846 của UBND thành phố.
Theo văn bản này, hiện Công ty CP Nước mặt sông Đuống của Shark Liên thi công xong tuyến truyền dẫn cấp nước dọc quốc lộ 3 đến thị trấn Đông Anh và đang triển khai hệ thống mạng cấp nước cho các xã còn lại.
Đến ngày 5/9/2019, Công ty CP nước mặt sông Đuống của Shark Liên hoàn thành hợp phần 2 của dự án, nâng công suất nhà máy lên 300.000m3/ngày đêm, đảm bảo đủ nguồn nước sạch cung cấp cho nhu cầu của nhân dân trong khu vực.
Năm 2017, tại Quyết định chủ trương đầu tư số 3846/QĐ-UBND ngày 24/6/2017, UBND TP.Hà Nội giao Liên danh Công ty cổ phần nước Aqua One và Công ty cổ phần Nước mặt sông Đuống triển khai xây dựng mới hệ thống cấp nước cho 5 xã: Dương Quan, Kim Sơn, Lệ Chi, Trung Mầu và Văn Đức và những khu vực còn lại chưa có hệ thống mạng lưới cấp nước tại huyện Gia Lâm; Nâng cấp, cải tạo, chuyển nguồn cấp nước và đấu nối hoàn chỉnh cho 100% dân số thuộc các xã đã có hệ thống cấp nước nhưng chưa hoàn chỉnh.
Dự kiến hoàn thành hệ thống cấp nước cho khu vực còn lại của huyện Gia Lâm trong năm 2019.
Đến năm 2018, tại Quyết định chủ trương đầu tư 2775 ngày 6/6/2018, Hà Nội chấp thuận Công ty cổ phần nước Aqua One đầu tư xây dựng dự án xây dựng hệ thống cấp nước Xuân Mai - Hợp phần tuyến ông dẫn truyền tải nước sạch tại trạm tăng áp tại các huyện Chương Mỹ, Mỹ Đức, Thanh Oai, Hà Đông.
Địa điểm thực hiện dự án xây dựng ống truyền tải nước sạch là tại huyện Chương Mỹ, Mỹ Đức, Thanh Oai, Ứng Hòa và quận Hà Đông. Còn thực hiện xây trạm bơm tăng áp tại xã Đồng Phú, huyện Chương Mỹ. Công suất trạm tăng áp dự kiến đạt 120.000m3/ngày đêm.
Tổng vốn dự án này là 1.255 tỉ đồng. Trong đó, vốn của nhà đầu tư 251 tỉ đồng (chiếm 20% tổng vốn đầu tư), còn 1.004 tỉ đồng là vay và huy động từ nguồn khác.
Công ty Aqua One do bà Đỗ Thị Kim Liên (Shark Liên) làm Chủ tịch HĐQT, là đơn vị đầu tư của dự án Nhà máy nước mặt Sông Đuống thời gian qua vướng phải lùm xùm giá nước cao gấp đôi các nhà máy khác. Chiều ngày 15/11, tại buổi tiếp xúc cử tri quận Hoàn Kiếm trước kỳ họp thứ 11 HĐND khóa XV, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cho biết, đối với nhà máy nước mặt sông Đuống, Chủ tịch Hà Nội cho biết có 4 nhà đầu tư gồm một quỹ đầu tư của Oman, doanh nghiệp Aqua One, 10% của Nhà máy nước sạch số 2 và 5% của một đơn vị khác. “Aqua One là chỗ của chị Liên mà báo chí phản ánh vừa qua. Đây là công ty từng làm nhà máy nước lớn nhất miền Nam tại Long An. Thành phố đã chọn những nhà đầu tư có năng lực để làm nhà máy này, chứ không có lợi ích nhóm của ai ở đây cả!” - ông Nguyễn Đức Chung nói tại buổi tiếp xúc cử tri. |