Tăng cường thu gom rác thải
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, các doanh nghiệp thoát nước, công ty vệ sinh môi trường đã tăng cường thu gom chất thải dọc các tuyến sông: Tô Lịch, Kim Ngưu, Lừ, Sét...; nạo vét 57 tuyến kênh mương trên địa bàn thành phố với 31.130m3. Các quận: Tây Hồ, Đống Đa đã kè, bê tông hóa hồ, kênh thoát nước trên địa bàn nhằm hạn chế phát sinh chất thải ra môi trường... Quận Nam Từ Liêm đã dừng hoạt động 2/8 trạm trộn bê tông, chuyển 2 cơ sở sản xuất ra khỏi khu dân cư...
Trong khi đó, các huyện Mỹ Đức, Phú Xuyên, đã yêu cầu đơn vị vệ sinh môi trường vận chuyển, xử lý hàng nghìn tấn rác thải sinh hoạt tồn đọng tại các điểm trung chuyển, điểm tập kết rác...
Sau khi xử lý, cải tạo, những khu vực này đều được bàn giao cho đơn vị liên quan quản lý, thu dọn vệ sinh hằng ngày, trồng hoa, cây cảnh, bảo đảm sạch, đẹp.
Xử lý triệt để các điểm gây ô nhiễm nguồn nước
Theo thống kê, hiện 100% hộ dân ở khu vực đô thị Hà Nội đã được cấp nước sạch. Tuy nhiên, ở khu vực nông thôn, tỉ lệ này chỉ đạt khoảng 80%. Để hoàn thành mục tiêu đến năm 2025, 100% hộ dân được cung cấp đầy đủ nước sạch sinh hoạt, UBND thành phố đã tăng cường kêu gọi các nhà đầu tư tham gia triển khai các dự án nước sạch nông thôn theo hình thức xã hội hóa. Đến hết tháng 6/2021, thành phố đã chấp thuận cho 23 nhà đầu tư triển khai 40 dự án cấp nước, trong đó có 11 dự án phát triển nguồn, 29 dự án phát triển mạng cấp nước, dự kiến sau khi các dự án này hoàn thành sẽ nâng công suất toàn thành phố đạt khoảng 2,3 triệu m3 /ngày đêm, đảm bảo nguồn nước sạch cung cấp đạt tỉ lệ khoảng 94 % .
Đối với các khu/cụm công nghiệp, theo thống kê, hiện 9/9 khu công nghiệp trên địa bàn thành phố đã có trạm xử lý nước thải tập trung. Tuy nhiên, theo số liệu của Sở TN&MT Hà Nội, tính đến tháng 6/2021, chỉ có 30/70 cụm công nghiệp trên địa bàn thành phố có hệ thống xử lý nước thải tập trung. Chính vì vậy, công tác kiểm soát chất lượng nước thải tại các cụm công nghiệp đang gặp nhiều khó khăn.
Riêng với nước thải y tế, toàn bộ các bệnh viện trên địa bàn đều đầu tư hệ xử lý chất thải lỏng. Tuy nhiên, hệ thống xử lý chất thải lỏng một số bệnh viện đã xuống cấp cần phải đầu tư nâng cấp để đáp ứng nhu cầu và công nghệ như hiện nay.
Hiện, các Sở Xây dựng, Tài nguyên & Môi trường, Giao thông…đang phối hợp với UBND các cấp đẩy mạnh công tác vệ sinh môi trường dọc tuyến sông Tô Lịch, sông Kim Ngưu; nạo vét duy tu, duy trì hệ thống thoát nước trong lưu vực nhằm giảm thiểu ô nhiễm; duy trì chất lượng nước các hồ đã được xử lý…. Đồng thời, xử lý nghiêm các cơ sở gây ô nhiễm nguồn nước; kiên quyết di dời các cơ sở gây ô nhiễm nghiêm trọng, không phù hợp với quy hoạch ra khỏi nội thành….