Nhiều người dân đã mang rác tái chế được phân loại tại nhà để mang ra đổi quà. |
Thông qua hoạt động "Đổi rác thải tái chế lấy quà tặng", từ ngày 5/9/2020, Urenco đã thực hiện đồng loạt tại 4 quận: Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Ba Đình. Chương trình diễn ra vào sáng thứ bảy hằng tuần (từ 8h đến 11h).
Cụ thể, tại quận Ba Đình sẽ có điểm thu gom rác ở số 282 Kim Mã (phường Kim Mã), quận Hai Bà Trưng tại điểm truyền tải Vân Đồn (gần bến xe Lương Yên, phường Bạch Đằng), ở quận Đống Đa là số 59C Hoàng Cầu (phường Ô Chợ Dừa).
Riêng quận Hoàn Kiếm, ngoài 3 điểm thu gom rác đã thực hiện trước đó là số 8 Phan Huy Chú (phường Phan Chu Trinh), số 27 Lý Thái Tổ (phường Lý Thái Tổ), Hè Cửa Đông - Phùng Hưng (phường Cửa Đông), sẽ triển khai thêm điểm thứ 4 ở 44 Hàng Nón (phường Hàng Gai).
Giấy, bìa, lon, chai cũng đều được người dân phân loại riêng trước. |
Theo đó, người dân có thể mang rác thải tái chế như giấy, bìa, vỏ lon, chai nhựa, kim loại... đến các điểm thu gom rác đổi quà tại các điểm trên tại địa bàn 4 quận.
Ở điểm thu gom rác tái chế đổi quà khu vực quận Đống Đa, sáng nay (5/9), từ rất sớm đã có nhiều người dân hứng khởi mang vỏ chai, hộp bìa, can nhựa rỗng… đến đổi.
Ông Hoàng Văn Khôi (Hoàng Cầu, Hà Nội) cho biết, hiện tại ở nhiều khu phố, có rất ít hộ gia đình thực hiện việc phân loại rác tái chế, do số lượng mỗi ngày khá ít nên người dân thường gom chung với rác thải sinh hoạt và đem đi đổ. Khi biết có chương trình “Thu gom đổi rác tái chế nhận quà” thì ông rất hồ hởi: “Chương trình này rất thiết thực, người dân sẽ có ý thức hơn trong việc phân loại rác rồi đem ra đây, vừa để đổi quà mà còn giúp đường phố sạch đẹp hơn”.
Chương trình tạo động lực cho cả những người thu gom rác tái chế truyền thống là người làm nghề đồng nát. |
Theo nhiều người dân, thực tế hiện nay ở các khu dân cư, người dân vẫn chưa có ý thức thực hiện việc bảo vệ môi trường. Trên đường phố vẫn còn nhiều đống rác bày bừa bãi, cả rác thải sinh hoạt lẫn với rác tái chế gây mất vệ sinh và ảnh hưởng giao thông đi lại. Bản thân đơn vị thu gom rác cũng chưa thực hiện thu gom riêng rác thải tái chế”.
Là một người dân có trách nhiệm với môi trường sống, bác Nguyễn Thúy Loan (Đặng Tiến Đông, Hà Nội) cho biết, bác thường xuyên tham gia các hoạt động tuyên truyền bảo vệ môi trường và nhiều lần góp ý với tổ dân phố về những vấn đề bất cập liên quan đến môi trường xung quanh khu vực mình sinh sống.
Hào hứng với chương trình phân loại rác thải được khởi động trên địa bàn, bác Loan mong muốn chương trình được nhân rộng hơn và có sự tham gia của chính quyền để duy trì, lan tỏa đến mỗi mỗi hộ gia đình, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường.
Người dân đều được hướng dẫn kỹ các bước để phân loại và thu gom rác tái chế tại nhà. |
Đơn vị thu gom Công ty TNHH Một thành viên môi trường và đô thị Hà Nội (Urenco) sẽ thực hiện thu gom thông minh bằng hình thức mua bán, cho tặng hoặc tích điểm và đổi quà, tùy thuộc vào nhu cầu của người dân qua app di động mGreen. Ngoài hỗ trợ người dùng là chủ nguồn thải như những hộ gia đình, doanh nghiệp, app di động mGreen còn kết nối và tạo động lực cho cả người thu gom như sinh viên tình nguyện môi trường, những người thu gom đồng nát…
Cô Lê Thị Hồng (Tây Sơn, Hà Nội) làm nghề thu gom đồng nát chia sẻ, “Những món quà tôi đổi được từ sắt vụn này rất thiết thực và ý nghĩa. Nó có giá trị hơn là khi tôi trao đổi mua bán tại các đơn vị thu gom. Tôi sẽ đăng ký và tham gia làm cộng tác viên thu gom rác thải tái chế tại đây”.
Tại điểm thu gom rác tái chế đổi quà khu vực quận Ba Đình, nhiều hộ gia đình cũng đã được tuyên truyền, vận động tham gia. Bà Nguyễn Thị Nga (Kim Mã, Hà Nội) là Chi trưởng chi 2 Hội phụ nữ phường Kim Mã, quận Ba Đình cho hay, Chi hội Phụ nữ cũng đã tích cực tuyên truyền, vận động bảo vệ môi trường qua nhiều hoạt động tới từng hộ gia đình như hạn chế sử dụng túi nilon, tăng cường sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường, và nay là phân loại rác tại nguồn.
Chị Nguyễn Ngọc Thùy Dung (Văn Cao, Hà Nội) cho biết, bình thường gia đình chị chỉ phân loại để riêng các vỏ lon bia, giấy báo, còn đồ nhựa vẫn để chung với rác sinh hoạt. Sau khi được địa phương tuyên truyền thì chị cũng đã biết thêm các thông tin và đã thực hiện phân loại rác tái chế ngay tại nhà.
“Nay tôi đưa cả con theo cùng, muốn để bé xem và biết thêm về cách phân loại rác, vỏ chai, vỏ nhựa, giấy báo, lon bia bỏ riêng để bảo vệ môi trường” – Chị Dung chia sẻ.
Các em nhỏ cũng rất tò mò về kiến thức phân loại rác tại nguồn. |
Ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó Giám đốc URENCO 1 - Chi nhánh Ba Đình cho biết, mục đích của chương trình là góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng, vận động người dân cùng tham gia phân loại rác thải. Qua đó hình thành thói quen phân loại rác, tận dụng rác trong sinh hoạt để tái chế, tái sử dụng thành những vật phẩm hữu ích trong sinh hoạt hằng ngày. Giảm thiểu lượng rác phát sinh, góp phần xây dựng thành phố xanh – sạch – đẹp.
“Hiện nay quận Hoàn Kiếm đã có kế hoạch triển khai và nhân rộng chương trình tại các địa điểm cụ thể. Còn quận Ba Đình, quận Hai Bà Trưng, quận Đống Đa sẽ tổ chức điểm thu gom luân chuyển giữa các phường thuộc quận theo từng tuần để thí điểm tuyên truyền hoạt động tới người dân trước”, ông Tùng thông tin.