'Sa mạc hóa biển là loại hình thiên tai nguy hiểm'

Trong xu hướng biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường toàn cầu rất đáng lo ngại hiện nay, sa mạc hóa biển là một trong những loại hình thiên tai nguy hiểm, có ảnh hưởng rất lớn đến môi trường và sự phát triển bền vững ở nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Vì vậy, sa mạc hóa biển là vấn đề cấp bách cần được tập trung nghiên cứu trong quản lý môi trường biển.
Biển - ‘Cánh đồng cuối cùng’ của hành tinhTối thiểu 50% diện tích vùng biển, hải đảo được điều tra về tài nguyênBài 2: Cấp bách bảo tồn rừng và đa dạng sinh học tại Phú Quốc

Đó là khẳng định của PGS.TS Nguyễn Hữu Dũng - Chủ tịch Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam trong cuộc trao đổi với Tạp chí Kinh tế Môi trường.

“Sa mạc hóa biển là loại hình thiên tai nguy hiểm”

PV: Vai trò, tầm quan trọng của hệ sinh thái biển nên được nhìn nhận tổng thể như thế nào, thưa ông?

- PGS.TS Nguyễn Hữu Dũng: Biển và đại dương bao phủ 2/3 diện tích bề mặt Trái Đất, hệ sinh thái biển là hệ sinh thái lớn nhất địa cầu. Hệ sinh thái biển bao gồm toàn bộ sự sống đa dạng, là tổ hợp các quần thể cộng đồng sinh vật (virus, vi khuẩn, nấm, sinh vật phù du, tảo, thực vật, động vật, …) cấu thành chuỗi thức ăn phức hợp từ thấp đến cao, cộng sinh và tương sinh trong môi trường biển và đại dương.

Các đại dương tràn ngập sự sống trong nhiều môi trường sống khác nhau. Đặc điểm hệ sinh thái của từng môi trường biển phụ thuộc vào tính chất vật lý và hóa học của nước biển.

Hệ sinh thái biển đóng một vai trò quan trọng trong chu trình carbon nhờ các sinh vật quang hợp, biến đổi điôxit carbon (CO2) hòa tan trong nước biển thành carbon hữu cơ. Các loài vi sinh vật phù du, vi tảo và thực vật sản xuất sơ cấp ở biển phân bố rộng khắp và rất đa dạng, đóng góp một lượng sản phẩm quang hợp chiếm tỉ lệ lớn so với tất cả các thực vật trên lục địa. Rong tảo biển phát triển trong các tầng nước và đáy biển, các “đồng cỏ” biển ở các vùng nước nông đáy cát, các dải rừng ngập mặn chạy ven bờ biển,… Tất cả các hệ sinh vật này có thể hấp thụ một lượng lớn carbon và hỗ trợ đa dạng sinh học của các động vật lớn nhỏ, và có tầm quan trọng đặc biệt.

Các bộ phận khác nhau của hệ sinh thái biển có vai trò sống còn đối với sinh quyển Trái đất. Ví dụ, các rạn san hô, còn gọi là “rừng mưa của biển”, chỉ chiếm dưới 0,1% bề mặt diện tích đại dương Trái Đất nhưng hệ sinh thái của nó chứa 25% mọi loài sinh vật biển. Các rạn san hô góp phần làm nên sự đa dạng sinh học biển trên thế giới và có vai trò quan trọng đối với con người trong nhiều lĩnh vực khác nhau.

PV: Hiện nay, “sa mạc hóa biển” là một thuật ngữ mới trong giới khoa học quốc tế, để miêu tả khu vực mà tất cả sinh vật biển bị chết hoặc không sống được do điều kiện tự nhiên, chất lượng nước kém. Ông đánh giá như thế nào về thực trạng này ở Việt Nam hiện nay?

- PGS.TS Nguyễn Hữu Dũng: Trong xu hướng biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường toàn cầu rất đáng lo ngại hiện nay, sa mạc hóa biển là một trong những loại hình thiên tai nguy hiểm, có ảnh hưởng rất lớn đến môi trường và sự phát triển bền vững ở nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam, nhưng lại là một vấn đề ít được quan tâm hiện nay. Vì vậy, sa mạc hóa biển là vấn đề cấp bách cần được tập trung nghiên cứu trong quản lý môi trường biển.

sa mac hoa bien la loai hinh thien tai nguy hiem
Bức ảnh Photoshop ấn tượng của tác giả Hüseyin Şahin, người Thổ Nhĩ Kỳ, với thông điệp “nếu như biển nước là biển cát...”.

Các nhà khoa học Mỹ đã công bố kết quả quan sát cho thấy, những vùng biển với mức chất diệp lục (Chlorophill) đặc biệt thấp, được gọi là sa mạc biển, đang ngày càng mở rộng, do nhiệt độ biển ngày càng cao hơn, đặc biệt ở Bắc bán cầu. Các nhà khoa học đang tích cực triển khai ứng dụng các vệ tinh chuyên dụng để giám sát màu nước biển, nhất là mật độ chất diệp lục, để phát hiện sớm các khu vực có nguy cơ sa mạc biển để có những giải pháp cảnh báo và ứng phó.Sa mạc hoá biển là quá trình thoái hoá của hệ sinh thái biển, bắt đầu ngay từ những khâu đầu tiên của chuỗi thức ăn, gây phá vỡ cân bằng sinh thái, khiến quần thể vi sinh vật bị suy giảm hoặc diệt vong, thực vật biển bị chết, động vật biển có thể bị chết hoặc phải di cư sang vùng cư trú khác.

Vùng biển ven bờ của Việt Nam có hơn 11.000 loài sinh vật cư trú. Trong tổng số loài đã được phát hiện, có khoảng 6.000 loài động vật đáy, 2.038 loài cá, 653 loài rong, 657 loài động vật phù du, 537 loài thực vật phù du, 94 loài thực vật ngập mặn, 225 loài tôm, 14 loài cỏ, 15 loài rắn, 12 loài thú, 5 loài rùa và 43 loài chim nước. Chúng ta có trên 20 kiểu hệ sinh thái điển hình thuộc 6 vùng đa dạng sinh học biển, trong đó ba vùng có mức đa dạng sinh học cao hơn hẳn là khu vực biển Móng Cái - Đồ Sơn, Hải Vân - Đại Lãnh và Đại Lãnh - Vũng Tàu.

Ngoài ra, các vấn đề về ô nhiễm chất thải trên biển, đặc biệt là tình trạng nở rộ các công trình lấn biển phục vụ xây dựng khách sạn, khu nghỉ dưỡng cao cấp, khu vui chơi… cũng là mối đe dọa lớn với hệ sinh thái biển ven bờ. Trong thời gian gần đây, đã liên tục xuất hiện việc hủy hoại rạn san hô ven bờ cùng với hiện tượng cá chết bất thường ven biển. Cũng như các quốc gia trên thế giới, biển Việt Nam chịu sự tác động ngày càng tăng của biến đổi khí hậu, sự gia tăng chất thải đô thị, nông nghiệp và công nghiệp, hiện tượng suy giảm hệ sinh thái và hủy diệt san hô, gây ô nhiễm môi trường biển.

Đáng chú ý là việc gia tăng các hoạt động khai thác thuỷ sản, đặc biệt là đánh bắt bằng phương pháp hủy diệt có dấu hiệu ngày càng tăng và được xem là một trong những nguyên nhân chính khiến các vùng biển đang phải đối mặt với tình trạng suy giảm đa dạng sinh học.

Theo Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN), hơn 500 triệu người đang phụ thuộc vào các rạn san hô để kiếm sống với tác động kinh tế ước tính khoảng 375 tỉ USD/năm.

Hoạt động lấn biển và tác động môi trường sinh thái ven bờ

PV: Gần đây, hàng loạt công trình lấn, lấp biển, trong đó có nhiều công trình chưa được cấp phép xây dựng đã làm các rạn san hô biến mất. Phải chăng điều này chỉ mang lại “lợi ích nhóm” nhỏ, trong khi hệ sinh thái biển đang phải chịu áp lực rất lớn từ phát triển kinh tế, thưa ông?

- PGS.TS Nguyễn Hữu Dũng: Việc khai khẩn đất đai miền duyên hải gắn liền với lịch sử chinh phục thiên nhiên đã diễn ra từ lâu, song phải sau khi hòa bình lập lại ở miền Bắc và nhất là khi thống nhất đất nước, việc lấn biển, khai thác các bãi bồi mới được chú trọng.

Theo thống kê, từ năm 1958 đến 1994, đã có 56 công trình quai đê lấn biển với 620km đê, chuyển đổi 56.465 ha thành đất canh tác, tạo lập 29 xã mới, 4 nông trường mới và di dân lập ra 2 huyện mới ở vùng Đồng bằng sông Hồng là Kim Sơn và Tiền Hải. Do thiếu hiểu biết về quy luật tự nhiên của quá trình hình thành bãi bồi ở các vùng khác nhau nên 56 công trình áp dụng cùng một mô hình khai thác, lấn biển để trồng lúa, kết quả là phần lớn các công trình có hiệu quả quá thấp, gây lãng phí công sức, tiền của và ảnh hưởng đến đời sống của người dân di cư khi đặt chân đến vùng đất mới.

Ngày nay, các hoạt động lấn biển hướng đến các mục đích đa dạng hơn, ngoài phục vụ cho phát triển nông nghiệp, thủy sản. Điểm đáng ngại hơn cả là ngày càng nhiều công trình lấn biển phục vụ xây dựng khách sạn, khu nghỉ dưỡng cao cấp resort, bể bơi, khu vui chơi giải trí, nuôi trồng thủy hải sản, bến cầu cảng… được dựng lên tại các khu vực ven biển, gây tác động không nhỏ đến đa dạng sinh học, hệ sinh thái và làm ô nhiễm môi trường biển, thậm chí làm biến đổi cảnh quan khu vực.

PV: Liệu chúng ta có những “lỗ hổng” nào mà những hành động trên lại không được ngăn chặn kịp thời, thưa ông?

- PGS.TS Nguyễn Hữu Dũng: Các hoạt động lấn biển có vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, để phát triển bền vững vùng ven bờ, kiểm soát hậu quả của hoạt động này, cần xây dựng chiến lược quốc gia về các hoạt động, công trình lấn biển phục vụ phát triển kinh tế, có tính đến quy hoạch khai thác sử dụng đất, mặt nước và các tài nguyên vùng bờ Việt Nam, quy hoạch môi trường và đa dạng sinh học.

Chúng ta còn thiếu các văn bản quy phạm pháp luật cụ thể và hợp lý hoá các quy định của Luật Biển Việt Nam, Luật Tài nguyên, môi trường biển, hải đảo, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Di sản, Luật Tài nguyên nước, Luật đa dạng sinh học, Luật Thủy sản năm 2017,… cũng như các văn bản khác về chính sách môi trường, kinh tế xanh và phát triển bền vững.

sa mac hoa bien la loai hinh thien tai nguy hiem
Các hoạt động lấn biển hướng đến các mục đích đa dạng hơn, ngoài phục vụ cho phát triển nông nghiệp, thủy sản, nhiều hoạt động xây dựng đô thị, khu nghỉ dưỡng, khu công nghiệp… ven biển gây ra những tác động không nhỏ tới môi trường sinh thái ven bờ. (Ảnh: Zingnews)

Bên cạnh đó, một công việc rất quan trọng nữa là cần kiểm kê, thống kê hiện trạng tài nguyên môi trường vùng ven bờ, hải đảo, lập các bản đồ về sinh vật và các hệ sinh thái ven bờ; dự báo biến động môi trường biển trong bối cảnh dài hạn có tính đến tác động của các kịch bản lấn biển.

Riêng các tỉnh, thành phố ven biển, cần sớm ban hành quy hoạch vùng bờ, hành lang biển, chương trình quản lý tổng hợp vùng bờ, đồng thời huy động xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường và phục hồi hệ sinh thái ven bờ của các cá nhân, tổ chức xã hội liên quan.

PV: Điều gì sẽ xảy ra nếu các rạn san hô biến mất, thưa ông?

- PGS.TS Nguyễn Hữu Dũng: Nếu san hô biến mất, hậu quả con người gánh chịu sẽ rất khó lường. Sự gián đoạn chuỗi thức ăn và đa dạng sinh học của đại dương có thể sẽ dẫn đến những vấn đề vô cùng nguy hiểm mà con người chưa hình dung được. Nhiều loại cá và sinh vật biển sống, trú ẩn dưới các rạn san hô sẽ biến mất dần nếu san hô không còn. Ngành công nghiệp đánh cá đại dương với 38 triệu người trên toàn thế giới sẽ sụp đổ hoàn toàn. Các bãi biển du lịch cũng mất đi dịch vụ giải trí đem lại nguồn thu khổng lồ.

Sa mạc hóa biển khiến 10% rạn san hô trên thế giới đã hoàn toàn bị phá hủy, gây suy giảm mạnh môi trường sống của rất nhiều hải sản quý giá. Tại khu vực Đông Nam Á, nơi có sự đa dạng san hô nhất trên thế giới, sự phá hủy rạn san hô là hơn 70% và chỉ có 5% có thể được cho là trong tình trạng tốt.

sa mac hoa bien la loai hinh thien tai nguy hiem
Các rạn san hô góp phần làm nên sự đa dạng sinh học biển trên thế giới và có vai trò quan trọng đối với con người trong nhiều lĩnh vực khác nhau.

Đến lúc thành lập Bộ Kinh tế Biển và Thuỷ sản

PV: Những giải pháp nào cần phải làm ngay để cứu hệ sinh thái và tài nguyên biển đang đứng trước nguy cơ biến mất hoàn toàn, thưa ông?

- PGS.TS Nguyễn Hữu Dũng: Để phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, an toàn hệ sinh thái biển, cần tiến hành ngay và đồng bộ các giải pháp quản lý theo những phương pháp tiếp cận sau đây:

Quy hoạch và phân vùng không gian biển và đới bờ: Quản lý biển trên cơ sở quy hoạch, phân vùng không gian biển và đới bờ hiện là xu thế quản lý biển hiện đại được triển khai ở nhiều quốc gia.

Quản lý dựa vào hệ sinh thái: Đây là cách tiếp cận quản lý thống nhất chú trọng xem xét toàn bộ hệ sinh thái, các mối liên hệ xuyên suốt trong toàn hệ thống và các ảnh hưởng, tác động tích tụ do các hoạt động của con người tạo ra. Trong bối cảnh nhu cầu quản lý và phát triển bền vững môi trường biển ngày càng trở nên cấp thiết, đây được xem là nguyên tắc cơ bản của chính sách biển quốc gia các nước như Australia, Mỹ, Canada… và được áp dụng thành công trong thực tiễn quản lý biển tại Khu bảo tồn Great Barrier Reef Marine Park của Australia, vùng biển Bering của Mỹ…

Quản lý dựa vào cộng đồng/Mô hình đồng quản lý: Phương thức quản lý tài nguyên, môi trường và hệ sinh thái biển dựa trên cơ sở cộng đồng đã được áp dụng tại nhiều quốc gia, và được thừa nhận là phương thức hiệu quả, ít tốn kém để duy trì và quản lý nguồn lợi thủy sản, bảo vệ đa dạng sinh học và đáp ứng các mục tiêu bảo tồn khác cũng như nhu cầu sinh kế của con người.

Quản lý thống nhất về biển: Song song với hệ thống pháp luật về biển, cần xây dựng cơ quan quản lý thống nhất về biển... Tôi nghĩ đã đến lúc thành lập Bộ Kinh tế biển và Thuỷ sản, để có công cụ quản lý Nhà nước đủ mạnh, thực hiện thắng lợi Nghị quyết 36 NQ/TW về phát triển bền vững kinh tế biển.

Hiện, cả nước đã có 16 khu bảo tồn biển. Dù chiếm diện tích khiêm tốn, chỉ 0,3% diện tích vùng biển, song nếu được quản lý tốt sẽ tạo ra hệ sinh thái cân bằng trong toàn vùng biển. Dự báo các khu bảo tồn biển sau 5 năm quản lý tốt sẽ tạo ra hiệu ứng phục hồi trong khu bảo tồn biển và những năm sau đó sẽ xuất hiện hiệu ứng tràn, phát tán nguồn giống và dinh dưỡng ra toàn khu vực biển xung quanh. Khi đó, vùng biển quốc gia không chỉ được cân bằng về mặt quá trình sinh thái mà còn được làm giàu về mặt nguồn giống và nguồn lợi thủy sản, tạo thế đi lên vững chắc của kinh tế biển.

Phúc Thanh (Thực hiện)
Phúc Thanh (Thực hiện)
Theo Tạp chí Kinh tế Môi trường