Hà Nội phát động Tết trồng cây Xuân Tân Sửu 2021

Sáng 21/2, UBND TP.Hà Nội tổ chức Lễ phát động “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” Xuân Tân Sửu 2021 và hưởng ứng Chương trình trồng 1 tỉ cây xanh giai đoạn 2021 - 2025.
Trồng cây xanh - Bài học lớn của sự tri ânThông điệp chương trình trồng 1 tỉ cây xanh: Vì một Việt Nam xanhNhiều địa phương phát động 'Tết trồng cây' và Chương trình trồng mới 1 tỉ cây xanh

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP.Hà Nội Vương Đình Huệ; Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà tới dự.

Phát biểu tại lễ phát động, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Chu Ngọc Anh khẳng định việc trồng cây luôn được Thủ đô Hà Nội duy trì thường niên với sự tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành và đông đảo các tầng lớp nhân dân.

Nhờ vậy, những năm qua, phong trào trồng cây, gây rừng của thành phố đã đạt được nhiều kết quả tích cực.

Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Chu Ngọc Anh nhấn mạnh trồng cây chỉ là việc bắt đầu, việc chăm sóc, giữ gìn để cây phát triển tốt, đồng thời thường xuyên bổ sung, trồng thêm cây mới là việc làm quan trọng, là trách nhiệm của toàn xã hội.

tm-img-alt
Hà Nội phấn đấu năm 2021 trồng được hơn 300.000 cây các loại. (Ảnh minh họa: Vnexpress)

Chủ tịch UBND thành phố đề nghị các quận, huyện, thị xã tuyên truyền sâu rộng bằng nhiều hình thức đến đông đảo các tầng lớp nhân dân về mục đích, ý nghĩa của Tết trồng cây, về vai trò, tác dụng to lớn, lợi ích toàn diện, lâu dài, giá trị nhân văn của việc trồng cây, chăm sóc và bảo vệ cây xanh; tổ chức phát động Lễ trồng cây phù hợp với điều kiện của từng cơ quan, đơn vị, bảo đảm thiết thực, hiệu quả, tiết kiệm, tránh phô trương hình thức...

TP.Hà Nội phấn đấu năm 2021 trồng được hơn 300.000 cây các loại, đến năm 2030 mỗi người dân Thủ đô trồng một cây xanh.

Tại Lễ phát động, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết trong những năm qua, Việt Nam đã phải chịu những tác động nghiêm trọng thiên tai và các hiện tượng thời tiết cực đoan ngày càng gia tăng, để lại những hậu quả hết sức nặng nề.

Bên cạnh đó, môi trường ô nhiễm, đặc biệt là ô nhiễm không khí, đang tiếp tục gia tăng với tốc độ đáng báo động, ảnh hưởng rất nghiêm trọng tới chất lượng cuộc sống của con người cũng như các hoạt phát triển kinh tế - xã hội, nhất là ở các đô thị lớn.

Quá trình đô thị hóa ở Việt Nam đang diễn ra khá nhanh và sẽ còn tiếp tục gia tăng cùng với quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa, tạo ra sức ép lớn lên môi trường. Trong khi đó, hệ thống cây xanh công cộng cấp đô thị chưa được quan tâm đầu tư thích đáng, tỉ lệ đất công viên cây xanh đô thị đạt rất thấp so với tiêu chuẩn.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà khẳng định Chương trình trồng 1 tỉ cây xanh trong 5 năm là chương trình có ý nghĩa lớn.

Riêng đợt ra quân đầu Xuân Tân Sửu năm 2021, toàn thành phố phấn đấu trồng 100.000 - 120.000 cây xanh các loại, góp phần nâng cao tỉ lệ độ che phủ rừng của thành phố.

Theo báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia của Bộ Tài nguyên và Môi trường, chiếu theo các tiêu chuẩn và quy chuẩn thế giới thì tỉ lệ diện tích đất dành cho cây xanh ở các đô thị lớn của Việt Nam còn rất thấp. Tại Hà Nội và TP.HCM, tỉ lệ này khoảng hai m2 một người, chỉ bằng 1/10 chỉ tiêu cây xanh của các thành phố tiên tiến trên thế giới.

Có nhiều lý do khiến các đô thị Việt Nam ít xanh, nguyên nhân cơ bản là nguồn lực phát triển cây xanh đô thị chủ yếu chỉ dựa vào ngân sách nhà nước và thiếu cơ chế, chính sách để khuyến khích mọi thành phần kinh tế và nhân dân tham gia. Trừ một số thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, còn lại các đô thị khác, chi phí đầu tư cho cây xanh hầu như không đáng kể hoặc rất thấp.

Theo TS Nguyễn Hồng Tiến - Phó Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng), việc quản lý cây xanh hiện vẫn còn lỏng lẻo, tình trạng chặt phá cây, đặc biệt cây quý hiếm nằm trong nhóm phải bảo tồn vẫn diễn ra. Nhiều đô thị cải tạo, nâng cấp và mở rộng đường phố nên chặt hạ hàng loạt cây xanh. Bên cạnh đó, việc trồng cây xanh ở những nơi công cộng vẫn còn mang tính tự phát, manh mún, thiếu quy hoạch về lựa chọn, bố trí loại cây trồng phù hợp ở từng công trình, từng địa phương. Dư luận những năm gần đây đã đề cập đến hiện tượng có nhiều loại cây xanh được đưa vào trồng trên đường phố đô thị không đem lại hiệu quả, thậm chí còn ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Điển hình như cây hoa sữa được trồng quá nhiều trên một số đường phố đô thị miền Trung, mùi hương nồng vào cuối mùa hè đã ảnh hưởng đến sức khỏe cư dân. Tại TP.Huế, cây bàng được người dân tự trồng rất nhiều trên đường phố đã làm mất đi bản sắc riêng của đô thị này.

Hà My
Theo Tạp chí Kinh tế Môi trường

Liên kết